Phát triển lợi thế cảng biển ở Quảng Ninh

TRUNG THÀNH - MINH HUỆ 22/11/2023 01:21

Nhằm phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, Quảng Ninh đã định vị lại những tiềm năng, cơ hội, xây dựng đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

>>>Quảng Ninh: Kích cầu du lịch qua lễ hội Hokkaido tại Hạ Long

Phát triển dịch vụ cảng biển

Theo lãnh đạo TP Hạ Long: Với lợi thế to lớn nằm tiếp giáp biển, là trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại, du lịch lớn của tỉnh, thời gian qua TP Hạ Long luôn chú trọng quản lý, phát huy hiệu quả dịch vụ cảng biển trên địa bàn.

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp nhận thức được vai trò, ý nghĩa của phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng và khai thác cảng biển, dịch vụ cảng biển trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tổ chức 9 chương trình tọa đàm, gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp với hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Ý kiến của doanh nghiệp đều được trả lời trực tiếp hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới…

Bến cảng Cái Lân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Bến cảng Cái Lân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhờ đó hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa ở Hạ Long dần được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và đón khách du lịch. Hạ Long hiện có Cảng nước sâu Cái Lân (gồm 7 bến là các bến của Cảng Quảng Ninh, Cảng Container quốc tế Cái Lân), Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Ngoài ra còn các cảng chuyên dùng như: Cảng dầu B12; Cảng Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhiệt điện Thăng Long, Xi măng Hạ Long... Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế đã hoàn thành thủ tục và được công bố chính thức; hiện Công ty CP Tập đoàn Sun Group đang triển khai xây dựng các hạng mục liên quan đến bến du thuyền, bến cảng thủy nội địa.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển, Hạ Long tiếp tục phát triển các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách trong nước và quốc tế tại khu vực cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, như: Tham quan, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí; hoàn thiện hạ tầng khu vực bãi biển, bãi tắm và thu hút doanh nghiệp đầu tư một số khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai.

Được biết, lượng hàng hoá XNK qua hệ thống cảng ở Hạ Long hằng năm đạt trên 11 triệu tấn hàng rời, trên 50.000 container; các cảng chuyên dùng (xuất than, xi măng…) đạt 20 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua cảng trên địa bàn thành phố năm 2022 đạt 9.623 triệu USD, quý I/2023 đạt 172 triệu USD. Dịch vụ cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn thành phố đang dần hình thành và thu hút đầu tư.

Cảng hoạt động xăng dầu B12

Cảng hoạt động xăng dầu B12 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

...đến lợi thế

Quảng Ninh hiện đang sở hữu khá nhiều ưu thế nổi trội để phát triển cảng biển với 6 cụm cảng được đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế mang lại cho tỉnh từ hệ thống cảng biển, dịch vụ cảng biển trong cơ cấu kinh tế, ngày 23/4/2019, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành NQ số 15-NQ/TU về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đạt 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17,5%/năm, đóng góp khoảng 1,2%-1,5% trong GRDP của tỉnh.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt khách. Theo đó Quảng Ninh hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực cảng biển Quảng Ninh được định vị và có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh; hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao.

Đồng thời khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng các loại dịch vụ có lợi thế; phát triển mạnh du lịch biển, trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.

Từng bước hoàn thành và phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, thông minh có khả năng kết nối cao với các phương thức vận tải theo hướng hợp lý hóa, giảm thời gian, chi phí vận tải; phát triển dịch vụ cảng biển đảm bảo chất lượng, phù hợp với xu thế hội nhập và dịch vụ cảng biển trở thành một trong những dịch vụ quan trọng của tỉnh.

Theo nghị quyết của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh, sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt; phát triển dịch vụ cảng hành khách có giá trị tăng cao; phát triển thêm từ 2-3 dịch vụ cảng hàng hóa; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cảng biển. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh; đầu tư Cảng khách quốc tế Vân Đồn, Vạn Hoa thành cảng lưỡng dụng...

Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc), thị xã Quảng Yên, biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP. Hải Phòng.

Hoạt động sản xuất tại Cảng xăng dầu B12 (TP Hạ Long)

Hoạt động bốc xúc hàng hóa, chuyển tải tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét

Để đạt các mục tiêu trên, Quảng Ninh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện; trong đó, tập trung: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; Phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics; Phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển; Phát triển nguồn nhân lực;…

Giải pháp chủ yếu sẽ tập trung vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển gồm kho bãi, khu hậu cần logistics, cảng cạn, đầu tư mới khu bến Vạn Ninh, Con Ong - Hòn Nét và hạ tầng giao thông kết nối.

Theo các chuyên gia về cảng biển, để thu hút nguồn hàng, Quảng Ninh cần phải ưu tiên xây dựng phương án thu phí hạ tầng cảng biển theo hướng ưu đãi, tiếp tục thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở gắn với cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế, mở thêm các tuyến vận tải hàng hóa, liên kết dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, các giải pháp về marketing quảng bá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cảng để hình thành chuỗi dịch vụ - du lịch đường biển kết nối chặt chẽ với nhau.

Trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển, khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề thành lập và tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Quảng Ninh giải ngân vốn đầu tư công chậm?

    Vì sao Quảng Ninh giải ngân vốn đầu tư công chậm?

    17:36, 21/11/2023

  • Amata Hạ Long hút vốn đầu tư FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh

    Amata Hạ Long hút vốn đầu tư FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh

    02:55, 21/11/2023

  • Thêm 80 triệu USD từ Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh

    Thêm 80 triệu USD từ Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh

    09:57, 17/11/2023

TRUNG THÀNH - MINH HUỆ