Hà Tĩnh: Hàng nghìn doanh nghiệp “chấm điểm” cơ quan hành chính

HỒNG QUANG 23/11/2023 10:21

DDCI Hà Tĩnh tổ chức khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện…trên địa bàn tỉnh này.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh xem việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, mới đây địa phương này đã khởi động chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh 24 sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND 13 huyện, thành, thị.

Đo độ hài lòng của doanh nghiệp

DDCI (Department and District Competitiveness Index) là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và Địa phương – được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. Theo đó, DDCI Hà Tĩnh là kết quả từ sự đánh giá khách quan của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện mà họ trực tiếp tương tác.

>>Hà Tĩnh cần nâng cao đóng góp kinh tế biển vào GRDP

Đây không phải lần đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đánh giá DDCI các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Giai đoạn năm 2020 – 2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã xuất sắc đứng đầu DDCI trong khối các đơn vị sở, ban, ngành với 92,9 điểm. Trong khi đó, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạt 22,12 điểm, đứng cuối bảng xếp hạng.

Giai đoạn năm 2020 – 2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã xuất sắc đứng đầu DDCI trong khối các đơn vị sở, ban, ngành với 92,9 điểm

Giai đoạn năm 2020 – 2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã xuất sắc đứng đầu DDCI trong khối các đơn vị sở, ban, ngành với 92,9 điểm

Đáng chú ý, trong các chỉ số của DDCI thì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp có chênh lệch điểm số lớn giữa 2 đơn vị nói trên. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đạt 9,64 điểm, trong khi Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh chỉ được 1 điểm; qua đó, có thể thấy rõ sự khác nhau về tần suất triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở 2 đơn vị này.

Ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc đứng đầu khối sở, ban, ngành trên địa bàn về kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh năm 2020 - 2021 là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của chi nhánh trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm điều hành để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

>>Hà Tĩnh: Đổi mới xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa quy hoạch

Trong giai đoạn này, chi nhánh đã tiếp nhận và giải quyết 332 hồ sơ thủ tục hành chính của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là tất cả các thủ tục hành chính đều được giải quyết trước hoặc đúng hạn.

Bộ chỉ số DDCI Hà Tĩnh có 8 chỉ số thành phần đối với khối sở, ban, ngành cấp tỉnh, bao gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và hiệu lực, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, vai trò của người đứng đầu. Còn đối với UBND cấp huyện, ngoài các chỉ số nêu trên, DDCI tỉnh này còn bổ sung thêm chỉ số tiếp cận đất đai.

Trên thực tế thì đối với đại đa số các doanh nghiệp trên địa bàn, họ đều quan điểm rằng: Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải thứ bậc trong bảng xếp hạng mà là sự kỳ vọng, với mong muốn truyền tải thông điệp cho các sở, ban, ngành, địa phương nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình trong việc thực thi công vụ; qua đó đáp ứng, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tất cả cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Động lực thúc đẩy phát triển

Đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI Hà Tĩnh nhằm mang lại cái nhìn tổng quan về DDCI và hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cách thức tham gia khảo sát trực tuyến. Được biết, đây cũng  là năm thứ 2 tỉnh này tiến hành khảo sát DDCI.

Theo đó, năm 2023, DDCI Hà Tĩnh sẽ tổ chức đánh giá 24 sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND 13 huyện, thành, thị; với quy mô khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Việc tổ chức khảo sát được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu độc lập là Công ty CP Bất động sản và Công nghệ Hải Nam và dưới sự giám sát của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh.

>>Hà Tĩnh: “Chìa khóa vàng” đón sóng đầu tư

Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Với hình thức khảo sát trực tuyến nêu trên, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh dễ dàng tham gia khảo sát, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo tính chính xác, bảo mật tuyệt đối thông tin của đơn vị thực hiện khảo sát. Việc thu thập ý kiến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ diễn ra trong tháng 11 và tổng hợp, công bố kết quả vào cuối tháng 12/2023.

Mục tiêu của Hà Tĩnh trong việc tổ chức khảo sát DDCI là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Mục tiêu của Hà Tĩnh trong việc tổ chức khảo sát DDCI là kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Cảng Vũng Áng đang được đầu tư, mở rộng)

“Kết quả đánh giá khách quan từ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, DDCI năm 2023 sẽ là bộ chỉ số uy tín, minh bạch, là dữ liệu tham khảo để các sở, ngành, địa phương nhìn nhận những điểm mạnh, điểm hạn chế trong công tác điều hành kinh tế - xã hội, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Còn đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh thì hi vọng rằng, việc khảo sát DDCI sẽ được tiến hành một cách trung thực, khách quan với mong muốn đóng góp ý kiến đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh ở từng địa phương. Thông qua đó, các cơ quan Nhà nước trong tỉnh có thể nắm rõ những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất.

Được biết, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2022 có sự cải thiện đáng kể khi tăng 9 bậc, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đây là kết quả rõ nét nhất khi tổ chức đánh giá DDCI của các sở, ban, ngành và địa phương trong giai đoạn 2020 - 2021; qua đó góp phần giúp tỉnh này thực hiện những giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng năng động, hấp dẫn hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh cần nâng cao đóng góp kinh tế biển vào GRDP

    Hà Tĩnh cần nâng cao đóng góp kinh tế biển vào GRDP

    17:55, 15/11/2023

  • Thailand khởi công tòa nhà cao tầng Dự án D’ Metropole Hà Tĩnh

    Thailand khởi công tòa nhà cao tầng Dự án D’ Metropole Hà Tĩnh

    16:44, 09/11/2023

  • Mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh chìm trong biển nước

    Mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh chìm trong biển nước

    11:23, 01/11/2023

  • Lễ khánh thành Cầu nối yêu thương số 98 - cầu Khe Tuần, Hương Khê, Hà Tĩnh

    Lễ khánh thành Cầu nối yêu thương số 98 - cầu Khe Tuần, Hương Khê, Hà Tĩnh

    10:58, 25/10/2023

  • Hà Tĩnh: Quy hoạch xây dựng tạo đột phá về cơ sở hạ tầng

    Hà Tĩnh: Quy hoạch xây dựng tạo đột phá về cơ sở hạ tầng

    18:08, 21/10/2023

HỒNG QUANG