Ninh Thuận: Phương án nào để cảng Cà Ná “bứt tốc”?
Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná cho rằng cần có nguồn hàng cố định, hoàn thiện đầu tư các dự án tại khu vực Cà Ná để tạo sự liên kết, cộng hưởng đưa cảng Cà Ná thật sự “bứt tốc”.
>>Năng lượng tái tạo: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận
Để phát huy tìm năng kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, tỉnh Ninh Thuận đã lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho các dự án: cảng tổng hợp Cà Ná, khu công nghiệp, dịch vụ, logistic, hạ tầng giao thông,... Trong đó, dự án Cảng tổng hợp Cà Ná được quy hoạch tổng diện tích 566,93ha với tổng mức đầu tư dự kiến 21.500.000.000.000 đồng mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu, logistics của địa phương. Theo quy hoạch được duyệt, Cảng tổng hợp Cà Ná được quy hoạch cho tàu có tải trọng từ 20.000DWT đến 300.000 DWT với 17 bến cảng được chia thành nhiều giai đoạn để thực hiện đầu tư.
Hiện nay, dự án Khu Bến cảng Cà Ná giai đoạn 1 – Cảng biển tổng hợp Cà Ná do Công ty CP Cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná đầu tư với diện tích 85,52ha có tổng mức đầu tư 5.626.907.912.000 đồng được quy hoạch cho tàu có tải trọng 100.000DWT đã chính thức đi vào hoạt động khai thác đối với Bến cảng 1 A thuộc Phân kỳ 1. Nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai Bến cảng 1B thuộc phân kỳ 2 để hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 dự án theo tiến độ đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ dự án, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng doanh thu và hiệu quả đầu tư.
Để bổ trợ và phối hợp cho câu chuyện phát triển cảng biển, tỉnh Ninh Thuận cũng đã quy hoạch khu Công nghiệp (KCN) Cà Ná với tổng diện tích khoảng 827ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.464.000.000.000 đồng, trong đó giai đoạn 1 là 378ha với tổng mức đầu tư là 3.875.920.000.000 đồng. Theo thông tin cập nhật, dự án đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và hiện Bộ KH&ĐT đang trình Thủ tướng chấp thuận Chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2023 để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, tại khu vực Cà Ná sẽ có thêm Khu cảng cạn ICD 62,5ha, Khu logistic 125ha với hơn 1.000.000.000.000 đồng đang chuẩn bị thực hiện các thủ tục đầu tư. Cùng với đó là dự án điện khí LNG gồm 04 giai đoạn với công suất tổng thể 6.000MW trên tổng diện tích 252,82ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Theo quy hoạch, giai đoạn 1 sẽ triển khai khoảng 30ha/tổ hợp, công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 53.000.000.000 đồng hiện đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Với giai đoạn 2,3,4 công suất của 03 Nhà máy còn lại là 4.500MW.
Với Cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná, ông Lê Khắc Khang – Giám đốc Cảng cho hay đây sẽ là cảng tổng hợp được phép kinh doanh khai thác các loại hàng tổng hợp, hàng rời, hàng container. Trong đó có cầu cảng 1A (dài 353m) và 1B (dài 247m) với tổng chiều dài 600m và cho phép cập tàu đến 100.000DWT.
Ông Khang thông tin tại phân kỳ 1 (Bến cảng 1A) đơn vị đã hoàn thành vào tháng 01/2022, vượt tiến độ gần 01 năm so với dự kiến. Tại phân kỳ 2 gồm bến cảng 1B và các công trình phụ trợ triển khai từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2024.
“Dự án thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận nên được các cấp chính quyền Sở/ngành, địa phương quan tâm và hỗ trợ trong công tác đầu tư xây dựng, giao đất, cho thuê đất, cho thuê khu vực biển. Dự án được hình thành tạo động lực để thúc đẩy các dự án trong khu vực phát triển đồng bộ. Về lợi thế, khu vực có hạ tầng giao thông thuận lợi khi khoảng cách từ Cảng vào đường ĐT701 đến Quốc lộ 1 chỉ 05Km. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang đầu tư tuyến đường nối từ Cảng vào cao tốc Bắc – Nam (đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo) và trong tương lai quy hoạch Ga hàng hóa và tuyến đường sắt tại Khu vực Cảng nối vào Ga Cà Ná (đường sắt Bắc – Nam) khoảng 05km sẽ được đầu tư xây dựng”, ông Khang cho hay.
Trao đổi về các điều kiện tự nhiên tại Cảng, vị này thông tin độ sâu mực nước tự nhiên lớn, vùng nước trước bến có độ sâu theo thiết kế khoảng 17.5m. Khoảng cách từ cảng đến 200m tiếp theo, độ sâu mực nước tự nhiên từ 25-30m, khoảng cách từ Cảng đến phao số 0 (tuyến luồng hàng hải quốc tế) khoảng 04 hải lý (tương đương gần 08km) là khoảng cách rất thuận lợi để các tàu tải trọng lớn tiếp cận vào cảng mà nhiều cảng trong khu vực không có.
Tuy nhiên, ông Lê Khắc Khang cũng cho rằng còn khá nhiều khó khăn trong hoạt động bởi lẽ cảng mới đầu tư nên chưa tiếp cận được nhiều đối tác, nguồn hàng, từ đó doanh thu chưa đạt kỳ vọng. Song song là nguồn hàng còn khan hiếm, thiếu tính đa dạng, hàng chủ yếu như Xi măng, vật liệu xây dựng (đá, cát…), muối, tro bay. Cùng với đó là các dự án khác như Khu Công nghiệ Cà Ná, Khu cảng cạn ICD, Khu Logistic, tuyến đê Đông và đê Tây tại khu vực biển chưa được đầu tư đồng bộ để tạo sự cộng hưởng trong phát triển.
“Vì vậy, địa phương cần hỗ trợ Chủ đầu tư dự án trong công tác giới thiệu khách hàng, đối tác trong khu vực và toàn quốc để Chủ đầu tư tiếp cận hợp tác, khai thác nguồn hàng nhằm gia tăng doanh thu cho cảng; đồng thời, hỗ trợ Chủ đầu tư trong quá trình xin phép lắp đặt các công trình như Silo chứa xi măng, tro bay, cùng các hạng mục khác phục vụ khai thác hàng hóa khác để tăng khả năng thu hút khách hàng. Đặc biệt, sớm hoàn thiện các thủ tục và kêu gọi đầu tư đối với các dự án trong khu vực như các giai đoạn tiếp theo của Cảng tổng hợp Cà Ná, dự án Khu Công nghiệp Cà Ná, Khu Cảng cạn ICD, Khu Logistic, dự án Đê Đông và Đê Tây…từ đó tạo sự kết nối phát triển đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư, nhà cung cấp đến với khu vực được UBND tỉnh quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận”, ông Lê Khắc Khang kiến nghị.
Theo dự tính, sau khi được cấp giấy phép khai thác vào tháng 5/2023, nhà đầu tư dự kiến doanh thu của cảng trong năm 2023 khoảng 19 tỷ đồng. Đến nay, nguồn thu đã đạt hơn 80% so với dự kiến.
Theo vị Giám đốc cảng, khi Cảng Quốc tế Trung Nam Cà Ná hình thành, đã phát huy được tiềm năng vốn có của khu vực. Sau khi có cảng, các mặt hàng tại địa phương đã kết nối được với nhiều đối tác mới, thay đổi phương thức kinh doanh cho cộng đồng doanh nhân trên địa bàn. Đặc biệt là cảng nước sâu, khu vực có thể trở thành nơi trung chuyển cho các tàu tải trọng lớn khi muốn được nguồn hàng đến miền Trung – Tây Nguyên và ngược lại.
Với chân hàng đi, các tỉnh Tây Nguyên và lân cận Ninh Thuận cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí khi xuất tại cảng. Đặc biệt hơn, bến cảng sẽ mở ra cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ với toàn bộ khu vực ASEAN. Đây sẽ là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế để tỉnh bứt phá vươn lên mạnh mẽ cho địa phương trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Ninh Thuận: Quy hoạch tỉnh để khai thác tiềm năng địa phương
17:35, 11/11/2023
Ninh Thuận: Đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế
13:46, 27/10/2023
Ninh Thuận chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp
20:00, 13/10/2023
Ninh Thuận: Khởi công dự án Khu đô thị quy mô hơn 9.000 cư dân
21:08, 08/07/2023