Miền Trung “show” lợi thế hút vốn FDI từ Hàn Quốc
Nhiều địa phương tại khu vực miền Trung đã lên kế hoạch và thông tin các tiềm năng, lợi thế cũng như lĩnh vực chú trọng thu hút đầu tư để tìm kiếm nguồn vốn FDI từ thị trường Hàn Quốc.
>>Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đang mở rộng khi Hàn Quốc hiện giữ vị trí số một về đầu tư trực tiếp, số hai về hợp tác phát triển, du lịch và lao động, số ba về hợp tác thương mại.
Các địa phương “show” lợi thế
Xác định vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế, hiện nay nhiều địa phương khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án… Bên cạnh đó, từng tỉnh, thành cũng đang thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp giúp hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc. Và tại đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án hợp tác hiệu quả của các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc như Tập đoàn Huyndai, Tập đoàn khách sạn hàng đầu Hàn Quốc The Shilla Hotels & Resorts tại Quảng Nam, Tập đoàn LG, Tập đoàn Lotte, Detium tại Đà Nẵng, Tập đoàn Doosan ở Quảng Ngãi,...
Tại Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay địa phương rất chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian đến. Theo ông Minh, Đà Nẵng có 268 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn hơn 362 triệu USD, xếp thứ 5 về số vốn đăng ký đầu tư trong danh sách 45 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Đà Nẵng.
Với Quảng Ngãi, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh này cho hay địa phương đang có Khu kinh tế Dung Quất với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha - là một trong 5 khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Hơn 20 năm hoạt động, KKT Dung Quất đã thu hút được các dự án quy mô lớn, chất lượng, như Nhà máy công nghiệp nặng DoosanVian Hàn Quốc, Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát, đặc biệt là dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất,...
“Quảng Ngãi hiện có 67 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2 tỷ USD, riêng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có 15 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 360 triệu USD. Trong đó, nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vian đầu tư hơn 300 triệu USD và hiện đang sản xuất kinh doanh hiệu quả rất tốt. Định hướng thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logicstic và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt chú trọng vào du lịch, dịch vụ, tích cực thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn có tìm lực để đầu tư các khu, điểm du lịch quy mô lớn, hiện đại”, ông Bắc nói.
Về tiềm năng của địa phương, ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam thông tin nơi đây đang có tỷ lệ dân số vàng, lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo đang ngày một tăng cao. Theo mục tiêu, Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực Miền Trung.
Song song với đó, địa phương này đang có 14 Khu công nghiệp đã được cấp phép với tổng diện tích trên 3.676 ha. Về quy hoạch, Quảng Nam ưu tiên thu hút các dự án về chế biến, chế tạo, chuyên môn hóa cao, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và thân thiện với môi trường.
“Trong tương lai, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Đồng thời, phát triển theo hướng công nghiệp tuần hoàn, đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột ngành kinh tế. Ưu tiên xây dựng các KCN công nghệ cao tại đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, không gây ô nhiễm môi trường”, ông Văn nói về tiềm năng khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư.
Lĩnh vực nào được ưu tiên?
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, tỉnh Quảng Ngãi muốn có sự hợp tác nhiều hơn nữa với các đối tác Hàn Quốc trên các lĩnh vực như thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị nhằm xúc tiến, vận động, thiết lập quan hệ hai bên. Đồng thời, địa phương cũng muốn được hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, chú trọng vào sản phẩm nông nghiệp.
“Cùng với đó là kết nối, thu hút, quảng bá xúc tiến đầu tư, hợp tác nguồn nhân lực, giới thiệu các doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên có nguyện vọng tham gia chương trình thực tập ngắn hạn (Internship) tại Hàn Quốc”, ông Bắc nói.
Định hướng phát triển của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Hồ Kỳ Minh cho hay đị phương sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
“Do đó, Đà Nẵng rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại thành phố trong các lĩnh vực trên”, ông Minh nói.
Còn tại Quảng Nam. tỉnh này đã có định hướng phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, gắn kết với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp của tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam dự kiến phát triển khoảng 6,4 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng với trên 60.900 căn nhà.
Ông Nguyễn Tấn Văn cho biết tỉnh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia. Song song là phát triển theo hướng công nghiệp tuần hoàn, đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột ngành kinh tế.
“Vì vậy Quảng Nam cần các doanh nghiệp đầu tư ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, không gây ô nhiễm môi trường. Song song là thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai”, ông Văn cho hay.
Được biết, hiện nay đang có khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam, phần lớn tập trung ở miền Bắc và miền Nam. tính đến tháng 7 năm nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD, và đứng thứ hai trong năm 2023 với số vốn đầu tư mới là hơn 2,3 tỷ USD.
Ông Kang Boo Sung - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho rằng hiện tại ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến khu vực miền Trung hơn. Cụ thể, đang có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung và các doanh nghiệp đang tiếp tục phát triển.
“Sự thành công của các doanh nghiệp này sẽ là những ví dụ điển hình để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung hơn nữa. Tôi kỳ vọng chính quyền các địa phương sẽ duy trì sự quan tâm và hỗ trợ này để ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam”, ông Kang Boo Sung nói về những kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
01:58, 28/11/2023
Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh mới (kỳ 2): Tín nhiệm và thu hút đầu tư
05:00, 16/11/2023
Nhiều hạn chế khiến khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng khó thu hút đầu tư
08:56, 07/11/2023
Giải pháp nào thu hút đầu tư xanh vào các nước ASEAN?
04:30, 06/11/2023
Tạo sức bật trong thu hút đầu tư
10:40, 05/11/2023