Thái Bình: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngành lao động Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ “rào cản”, đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao...
Trước tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, thích ứng với CMCN 4.0, ngành lao động Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ “rào cản”, đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao...
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Giai đoạn 2016-2022, số lượng học sinh, sinh viên, người lao động được tuyển sinh đào tạo là 95.446 người, bình quân hàng năm các cơ sở GDNN đào tạo 14.000 lao động... Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo bình quân 75%.
Thách thức không làm khó
Hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN Thái Bình đã hình thành và phát triển theo quy hoạch. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, thiết bị GDNN còn hạn chế; Ngành nghề đào tạo còn chồng chéo; Tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN còn thấp. Đặc biệt, tâm lý xã hội vẫn chú trọng việc học đại học dẫn đến việc tuyển sinh đào tạo nghề gặp khó. Để tháo gỡ những rào cản trong công tác GDNN, ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030 với 26 nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch thực hiện.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, ông Thành nhìn nhận: Sở tập trung chỉ đạo, triển khai đào tạo nghề theo chương trình chất lượng cao, dự kiến đến năm 2025 có 11 nghề; đến năm 2030 có 15 nghề đào tạo. Cùng với đó, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án đã được tỉnh phê duyệt; Nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề, kết nối, cung ứng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng giữa các địa phương, cơ sở đào tạo trong khu vực về công tác giáo dục nghề nghiệp, cung ứng lao động kỹ thuật... Ngoài ra, chỉ đạo, hướng dẫn các trường đào tạo nghề phối hợp với các trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên huyện, thành phố, các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp có định hướng cho học sinh, người lao động; Tranh thủ mọi nguồn lực, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.
“Sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề đối với tìm kiếm việc làm; Phối hợp thực hiện đồng bộ nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề...”, ông Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm