Hưng Hà (Thái Bình): Tạo “đất lành” doanh nghiệp đến
Huyện Hưng Hà thời gian qua huyện đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành phục vụ doanh nghiệp nhà đầu tư tạo “đất lành” cho doanh nghiệp đến...
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện uỷ huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Hưng Hà trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, thời gian qua huyện đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành phục vụ doanh nghiệp nhà đầu tư tạo “đất lành” cho doanh nghiệp đến...
Theo ông Nam, đến nay, huyện có 6/11 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 282,8 ha, thu hút 46 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư, trong đó 39 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.990,44 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện gần 1.125,11 tỷ đồng. Đồng thời, năm 2023 đã thu hút đầu tư 06 nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Hưng Nhân với tổng vốn đăng ký đầu tư là 120 triệu USD; 05 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký vào CCN Đức Hiệp, với tổng vốn đăng ký là 19,5 triệu USD; 03 nhà đầu tư vào CCN thống nhất với vốn đầu tư là 25 triệu USD; Dự án khu tổ hợp thương mại, dịch vụ lưu trú và khoáng nóng Wyndham Duyên Hải, tại xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, có tổng vốn đầu tư 02 giai đoạn là 85 triệu USD. Hiện, huyện đang triển khai thực hiện 05 dự án phát triển nhà ở khu dân cư kiểm mẫu và nhà ở thương mại. Ngoài ra, CCN Văn Lang đang hoàn thiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 với diện tích 70ha; CCN Bắc Sơn diện tích khoảng 70ha. Huyện đề nghị bổ sung 3 CCN gồm Việt Bắc, Đông Đô, Đô Kỳ vào phương án phát triển CCN của tỉnh; nghiên cứu đề xuất KCN logistics Thái Phương, Kim Trung, Minh Tân; dự án khu đô thị du lịch thương mại khoáng nóng Hưng Hà tại các xã Duyên Hải, Tân Tiến, Đoan Hùng với quy mô 78 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng...
- Từ những thành quả đấng ghi nhận trên, theo ông đâu là những giải pháp mang tính căn cơ mà Hưng Hà đã kiên định thực hiện?
Huyện xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Theo đó, huyện tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất đai, tập trung quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời để thu hút đầu tư. Chỉ đạo các phòng, ngành chức năng rà soát quản lý đất công, công trình văn hóa lịch sử, đất tôn giáo, đề ra giải pháp không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai... Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác GPMB có biểu hiện sai lệch chủ trương, chính sách, gây nhũng nhiễu và làm sai các quy định về GPMB. Chú trọng công tác vận động, thuyết phục, đối thoại, trao đổi trực tiếp về các quy định, chế độ chính sách của nhà nước để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi và nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ, nắm chắc và tự giác, đồng thuận thực hiện...
- Bên cạnh việc quản lý quy hoạch, GPMB tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, việc CCHC đã được huyện chú trọng ra sao thưa ông?
Song song công tác GPMB, huyện thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Ngoài ra, huyện tập trung công tác cải cách TTHC, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về TTHC. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đặc biệt, huyện nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng số từng bước hiện đại, đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử tiến tới Chính quyền số. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức...
- Được biết Thaí Bình triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, với Hưng Hà vấn đề này đã được thực hiện như thế nào?
Thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 05/7/2023 của BTV Tỉnh ủy, BTV Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” tại 7 xã, trong đó 2 xã cấp tỉnh (Chí Hòa và Thái Hưng). 5 xã cấp huyện (Tiến Đức, Hòa Bình, Duyên Hải, Dân Chủ, Liên Hiệp).
Việc triển khai thí điểm mô hình này nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền các xã theo hướng “Phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", hướng đến sự hài lòng của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức theo 5 nội dung: Chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, dân chủ; Xây dựng chính quyền thân thiện, trách nhiệm; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thân thiện, trách nhiệm, tận tụy; Người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân; Xây dựng trụ sở làm việc khang trang, văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.
- Để tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư, chắc hẳn huyện đã sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng, sát với nhu cầu thực tiễn?
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh triển khai xây dựng, phát triển nền giáo dục và đào tạo của huyện thành nền giáo dục mở... Bồi dưỡng cho học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ; các kỹ năng cơ bản, trình độ ngoại ngữ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước.
Đến nay, 100% các trường được quy hoạch bảo đảm diện tích theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2 trở lên. Huyện có cơ chế đào tạo, định hướng nghề nghiệp, phân luồng lao động để con em huyện sau khi học xong được làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo xây dựng đề án học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh, mỗi trường xây dựng được từ 02 câu lạc bộ ngoại ngữ trở lên. Mặt khác, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phát triển các loại hình giáo dục. Chú trọng trang bị kiến thức chuyển đổi số, các hoạt động khởi nghiệp, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp để định hướng lựa chọn nghề nghiệp, khơi dậy mạnh mẽ ước mơ, khát vọng, động lực phấn đấu, rèn luyện cho học sinh...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm