Quảng Ninh: Bứt tốc đứng đầu về thu hút vốn FDI
Với phương châm phát triển của doanh nghiệp cũng chính là phát triển của tỉnh, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển du lịch thông qua hội chợ thương mại
Đi đầu từ cải cách...
Dù còn hơn một tháng nữa mới kết thúc thời gian thực hiện chủ đề công tác năm 2023, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư của 11 tháng của các tỉnh thành trong cả nước đã cho thấy rõ hiệu quả trong tư duy nắm bắt cơ hội để tạo đột phá mới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, rót vốn vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án FDI với gần 3,1 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm là 28,8 triệu USD. Đối với các dự án thu hút mới, Hồng Kông dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Đài Loan, Singapore, Thụy Điển, Nhật Bản...
Qua đó, tính đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh có tổng 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động.
Đáng chú ý, phần lớn là các dự án thế hệ mới trong lĩnh công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái…
Theo Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT: Tháng 10 vừa qua, Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Jinko Solar đã được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án có diện tích quy hoạch trên 76ha, nằm trong phạm vi Dự án Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà). Để tạo thuận lợi cho dự án được triển khai, huyện Hải Hà đã sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch dự án và bàn giao cho Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam. Cùng với đó phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phụ trợ, đảm bảo dự án có thể đi vào vận hành ngay sau khi hoàn thiện các hạng mục đầu tư.
Với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD, Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023; chiếm 50% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn tỉnh.
Việc tiếp tục đầu tư dự án này sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất tấm quang năng với quy mô lớn của Tập đoàn Jinko Solar tại Quảng Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn trên địa bàn tỉnh lên trên 2,5 tỷ USD, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất tấm quang năng lớn nhất trong cả nước.
Cùng với Tập đoàn Jinko Solar thì Tập đoàn Foxconn – một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới tiếp tục đầu tư hai dự án sản xuất tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Qua đó, nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn tại Quảng Ninh lên trên 350 triệu USD.
Có thể thấy với môi trường đầu tư thuận lợi, cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại khi có cả đường hàng không, đường biển, đường bộ, Quảng Ninh đã và đang có sức hút mạnh mẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh tại Quảng Ninh tiếp tục đầu tư các dự án mới trên địa bàn cho thấy sự tin tưởng vào những cam kết của tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước.
Tư duy đột phá
Với tổng vốn FDI tính đến ngày 20/11 đạt hơn 3,1 tỷ USD, tương đương gần 73.000 tỷ đồng, Quảng Ninh đang là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Dù còn hơn một tháng nữa mới kết thúc thời gian thực hiện chủ đề công tác năm 2023, tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư này cho thấy rõ hiệu quả trong tư duy nắm bắt cơ hội để tạo đột phá mới.
Theo ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Quan điểm của Quảng Ninh là ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... bám sát định hướng không gian phát triển Một tâm, Hai tuyến, Đa chiều, Hai mũi đột phá, Ba vùng động lực, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.
Theo thống kê từ Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh, đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn các KCN, KKT tỉnh năm 2023 đạt 114.329,06 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn FDI đạt 3.102,8 triệu USD tương đương 72.910,5 tỷ đồng, bằng 258,6% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 (Nghị quyết năm 2023, tổng vốn FDI thu hút tối thiểu đạt trên 1 tỷ USD).
Cụ thể, tỉnh đã thực hiện cấp Giấy CNĐKĐT/Quyết định chủ trương đầu tư mới cho 23 dự án FDI; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI đạt vốn đầu tư tăng thêm 5 triệu USD. Như vậy đến nay, các KCN, KKT trên địa tỉnh có tổng 108 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5,5 tỷ USD, là nơi làm việc của gần 20.000 lao động. Với số vốn thu hút FDI đạt hơn 3,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút FDI, tiếp sau lần lượt là các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Giang.
Đáng chú ý, bên cạnh tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh lên trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Được biết, hiện làn sóng FDI đầu tư vào Quảng Ninh vẫn đang hết sức mạnh mẽ, điều này cho thấy, sức hút của Quảng Ninh còn rất lớn, minh chứng cho thành quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư. Với nền tảng vững chắc này, ở giai đoạn tháng cuối cùng của năm, làn sóng đầu tư về tỉnh sẽ tiếp tục tăng, kỳ vọng vị trí dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI năm 2023, góp phần quan trọng để Quảng Ninh vững tin là năm thứ 8 tăng trưởng 2 con số với nhiều thành tựu nổi bật trên các mặt.
Theo đại diện KCN Tổ hợp DEEP C: Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cùng với đó là luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt các cấp ngành của tỉnh thực hiện theo phương châm lấy phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là phát triển của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua Quảng Ninh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, quyết định đầu tư trên địa bàn trong đó có Tổ hợp DEEP C.
Có thể thấy, việc thu hút nguồn vốn FDI với các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đã khẳng định sự đúng đắn trong định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc và cả nước.
Có thể bạn quan tâm