Nam Định: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Nam Đinh đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
>>>Nam Định: Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương
Lợi thế...
Chị Nguyễn Thị Hồng – Công ty Thương mại Solan chia sẻ: Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của địa phương đến với người tiêu dùng trong nước.
Dù biết việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ là kênh bán hàng chính thống trong thời điểm hiện tại và tương lai nhưng do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đứng bên ngoài sàn thương mại điện tử.
Theo chị Hồng, so với phương pháp bán hàng truyền thống thì bán hàng trên không gian mạng hiện nay ở Nam Định mang lại nhiều hiệu quả hơn. Từ phương phương pháp này, chủ thể OCOP lợi đôi đường. Chỉ cần có điện thoại thông minh, tại vị trí nào chủ thể OCOP cũng có thể chốt được đơn hàng.
Theo tỉnh Nam Định: Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP đang trình Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng 5 sao.
Theo anh Trần Văn Phúc – Nghĩa Hưng: Ngày nay trên các nền tảng số ngày càng phát triển, việc ứng dụng chuyển đổi số có thể giúp đưa các sản phẩm yến đạt chuẩn OCOP của gia đình lên ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok và các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nhờ đó, các sản phẩm được đưa đến gần với khách hàng hơn. Còn theo anh Đinh Văn Thuận - Hải Hậu: Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị…, anh còn đưa sản phẩm yến lên các nền tảng số.
Anh Thuận chia sẻ: Nhờ có sản thương mại điện tử mà sản phẩm yến như yến thô, yến tinh, yến trưng của gia đình anh được nhiều khách hàng biết đến; đầu ra tiêu thụ sản phẩm thuận lợi…Trong đó, các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok đã giúp gia đình tiêu thụ đầu ra mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là xúc tiến thương mại.
Hiện nay, ngoài việc kinh doanh các mặt hàng yến, anh Thuận còn cung cấp các loại dược liệu sạch, an toàn do gia đình anh tự trồng như đinh lăng, dây thìa canh, hương nhu… Tất cả các loại dược liệu này cũng đang được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.
Theo chủ cơ sở nem chua OCOP tại Nam Định, áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại hiệu quả cao, cao gấp nhiều lần so với cách bán truyền thống như trước đây. Cụ thể, bán được nhiều hàng hơn; mở rộng được thị trường tiêu thụ, khách hàng; giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…Đặc biệt, với hình thức bán hàng online, khách hàng không được tiếp cận trực tiếp sản phẩm, do đó chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp đến là câu chuyện về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm phải đúng và thật. Có như vậy, khách hàng mới tìm đến mình, quay lại mua sản phẩm của mình.
Đưa OCOP vươn xa
Theo tỉnh Nam Định, hiện nay bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Nam Định chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương...
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn: Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có trên 150 sản phẩm OCOP được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử. Thời gian qua, Sở đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee…
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, thời gian qua Văn phòng có phối hợp với 1 công ty tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP". Qua hình thức livestream, nhiều sản phẩm OCOP được tới tay người tiêu dùng.
Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.
Được biết, hiện nay, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã biết ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội…
Theo đó, năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Nam Định ứng dụng chuyển đổi số vào công tác chấm điểm sản phẩm OCOP trên hệ thống phần mềm.
Có thể thấy, việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm…Do đó, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ có tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất; tăng cường hỗ trợ để đưa những sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki...
Có thể bạn quan tâm