Đồng Tháp: Phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp

MAI HẰNG 09/12/2023 14:18

Phát huy lợi thế, ngành Nông nghiệp Đồng Tháp đang tập trung cơ cấu lại, đẩy mạnh quản lý sản xuất, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Đồng Tháp cũng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp an toàn, uy tín.

 Mô hình trồng rau nuôi cá tuần hoàn Aquaponics ở Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua, huyện Lấp Vò.

Mô hình trồng rau nuôi cá tuần hoàn Aquaponics ở Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua, huyện Lấp Vò.

Phát huy lợi thế nông nghiệp

Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất tốt ngành hàng... Qua đó đưa giá trị tăng thêm toàn ngành 9 tháng đầu năm ước đạt 16.558 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2022. Ước cả năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 49.394 tỷ đồng và giá trị tăng thêm ước đạt 21.406 tỷ đồng, tăng 4,3% so thực hiện năm 2022. Đáng chú ý là giá trị dịch vụ nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 2.334 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, cho thấy quá trình chuyển giao dịch vụ ứng dụng trong nông nghiệp tạo ra giá trị tăng thêm rất tốt, xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay là giá lúa tăng mạnh mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân; cây ăn trái không xảy ra tình trạng trúng mùa mất giá, phải giải cứu; các tổ chức, doanh nghiệp, người nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, ASC, BAP vào sản xuất, nuôi trồng...

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có khả năng nhân rộng, như: mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận; canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn; xây dựng nhân rộng mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn gốc; dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ; dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị...

Đồng Tháp đang đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng các vùng nguyên liệu, như: dự án phát triển vùng sản xuất màu trọng điểm xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò; xây dựng hạ tầng nông nghiệp vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân, huyện Châu Thành; xây dựng hạ tầng phát triển vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển, huyện Tháp Mười; xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025…. Đây là những vùng nguyên liệu mang tính chất tập trung, đầu tư có trọng điểm, tạo nên chuỗi liên kết các vùng nguyên liệu..

Đồng Tháp đang là vựa lúa lớn thứ 3 của cả nước về diện tích và sản lượng lúa gạo, trong đó diện tích gieo trồng trên 482.186 ha, diện tích đất trồng lúa 200.000 ha, sản lượng 3,2 triệu tấn.

Xây dựng nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, một trong những kết quả được đánh giá vượt bậc so với các địa phương khác trong vùng là xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Đến nay, 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; có 89,8% thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp cho việc truy xuất, quản lý sản phẩm được công nhận hiệu quả hơn. Đến nay, tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thông minh; 15 trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ cho công tác triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ IOT, trí tuệ nhân tạo AI trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc. Tỉnh cũng triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng thực hiện. Toàn bộ dữ liệu quản lý truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Thực tế cho thấy, sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ “Nông nghiệp truyền thống” sang “Nông nghiệp hiện đại”.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, từ những thuận lợi khó khăn thực tế, ngành nông nghiệp Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh quản lý sản xuất, phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong canh tác; xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo, cây ăn trái.… đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho ngành chế biến vào dịp cuối năm. Cùng với việc tập trung phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, gắn kết hài hòa giữa các bên trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã), hướng đến phát triển cơ sở dự liệu lớn của ngành và kết nối, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng Tháp xây dựng chính quyền phục vụ

    Đồng Tháp xây dựng chính quyền phục vụ

    16:12, 29/07/2023

  • Đồng Tháp: Khai mạc Tuần hàng đặc sản 2022

    Đồng Tháp: Khai mạc Tuần hàng đặc sản 2022

    20:58, 18/11/2022

  • Đồng Tháp: Khai mạc Tuần hàng đặc sản 2022

    Đồng Tháp: Khai mạc Tuần hàng đặc sản 2022

    11:52, 18/11/2022

MAI HẰNG