Chiến dịch quảng cáo xoay chiều theo U23 Việt Nam

Theo VnExpress 29/01/2018 06:18

Chủ đề thảo luận về U23 Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trên mạng xã hội và trở thành "cơn sóng thần" đẩy lùi chủ đề Tết.

Buzzmetrics, một đơn vị chuyên đo lường các thảo luận trên môi trường internet, vừa công bố thống kê biến động về xu hướng trên mạng xã hội trong tuần qua. Trong đó, số lượng bài viết và thảo luận về đội tuyển U23 Việt Nam đã tăng vọt sau chiến thắng trước Iraq ngày 20/1.

Theo số liệu từ đơn vị này, số bài viết và thảo luận về U23 Việt Nam trên mạng xã hội đã tăng liên tục kể từ ngày 20 và đạt đỉnh vào 23/1 với số lượng được thống kê được là 2.655.816 chủ đề.

"Chiến thắng của U23 Việt Nam đã bất ngờ bùng nổ trên mạng xã hội, trở thành một sự kiện đặc biệt (Fad topic) tạo ra sức ảnh hưởng lớn", Buzzmetrics đánh giá.

Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt vào U23 Việt Nam trên mạng xã hội, ngoài tầm ảnh hưởng lớn tới xu hướng của người dùng còn tác động không nhỏ đến các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt là các chiến dịch Tết 2018. Nhiều doanh nghiệp đã ngay lập tức phản ứng với điều này bằng những chiến dịch ngắn hạn hướng tới chủ đề bóng đá và đội tuyển U23 Việt Nam.

Các chủ đề về đội tuyển U23 Việt Nam bất ngờ tăng mạnh và vượt chủ đề về Tết Nguyên đán kể từ ngày 20/1, sau chiến thắng trước Iraq. Ảnh: BuzzMetrics

Các chủ đề về đội tuyển U23 Việt Nam bất ngờ tăng mạnh và vượt chủ đề về Tết Nguyên đán kể từ ngày 20/1, sau chiến thắng trước Iraq. Ảnh: BuzzMetrics

Một thực tế những năm gần đây, thời điểm 3 tuần trước Tết là giai đoạn thảo luận về Tết đang tăng lên trên mạng xã hội. Tết thường là mối quan tâm lớn nhất của hầu hết mọi người và đây cũng là thời kỳ cao điểm của hàng loạt chiến dịch quảng cáo.

Tuy nhiên sự khác biệt đã xuất hiện vào năm 2018, khi chỉ trong một tuần gần đây tổng số bài viết và thảo luận về Tết Nguyên đán đã giảm mạnh, thậm chí giảm thấp hơn cả lượng thảo luận thời điểm này về Tết của năm trước.

Số liệu của Buzzmetrics cho thấy, tổng lượng thảo luận liên quan tới U23 Việt Nam hiện đang gấp khoảng 20 lần lượng thảo luận về Tết 2018 – chủ đề mà đáng ra sẽ giành nhiều sự chú ý nhất trong thời điểm này. Không dừng ở đó, sự quan tâm về Tết đã giảm 3 lần so với trước khi trận đấu diễn ra.

"Khi quả bom Fad topic nổ ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động Marketing của hàng loạt thương hiệu đang chạy trên mạng xã hội. Nhìn vào xu hướng thảo luận về các chiến dịch Tết 2018 có thể thấy rất rõ, ngay khi lượng thảo luận về Tết giảm, lượng thảo luận của các chiến dịch về Tết 2018 cũng bị ảnh hưởng", Buzzmetrics đánh giá và cho biết thêm rằng, các thương hiệu tận dụng Tết đang gặp thử thách lớn bởi "cơn sốt" U23 Việt Nam.

Mức độ quan tâm đến chủ đề Tết 2018 đã xuống thấp hơn so với lượng thảo luận thời điểm này về Tết của năm trước. Ảnh: Buzzmetrics

Mức độ quan tâm đến chủ đề Tết 2018 đã xuống thấp hơn so với lượng thảo luận thời điểm này về Tết của năm trước. Ảnh: Buzzmetrics

Thực tế, các thông điệp cho các chiến dịch quảng cáo cũng thường được lên kế hoạch từ trước và giờ đã không còn phù hợp với mối quan tâm chung. Theo đánh giá của đơn vị này, khi sự kiện nóng như trường hợp U23 Việt Nam xảy ra, các chiến dịch quảng cáo phải đứng trước 2 lựa chọn, hoặc chấp nhận "đóng băng" chờ cơn bão đi qua, hoặc phải tìm cách tận dụng điều này.

Với nhiều doanh nghiệp, các chiến dịch này ngay lập tức phải thay đổi để hướng tới sự quan tâm chung, với công thức phổ biến là thương hiệu phải hòa vào không khí chung, đồng điệu với tiếng nói chung và mối quan tâm chung của người tiêu dùng.

Ông Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink, chuyên gia trong lĩnh vực Digital Marketing cho rằng tác động của U23 Việt Nam trên mạng xã hội hiện giờ như "cơn sóng thần". Thay vì cố gắng tạo khác biệt và đi ngược lại xu hướng này, các chiến dịch quảng cáo nên tìm các phương án ngắn hạn để tận dụng điều này.

"Bản thân chúng tôi là đơn vị xây dụng các khóa học về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), đã đổi tên chương trình này thành tên huấn luyện viên trưởng của đội U23 Việt Nam - ông Park Hang-seo như một cách để bày tỏ sự kính trọng và cũng là cách đi cùng với xu hướng hiện tại", CEO Vinalink cho biết.

Đánh giá về việc nhiều doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mại, quảng bá thương hiệu gắn với U23 Việt Nam, ông Tuấn cho rằng đây là điều cần thiết với các chiến dịch quảng cáo. "Các chiến dịch quảng cáo đều gắn liền với sự hiệu quả về mặt nhận diện thương hiệu, vì vậy việc sáng tạo kịp thời theo xu hướng của thị trường là rất cần thiết", ông Tuấn cho biết.

Ngay sau trận bán kết ngày 23/1, nhiều thương hiệu đã ngay lập tức tung ra các quảng cáo với ý tưởng liên quan tới các tuyển thủ U23 Việt Nam hoặc những cậu bé mơ thành cầu thủ nổi tiếng tương lai.

Các chiến dịch với quy mô nhỏ thường hướng tới giải pháp khuyến mãi, giảm giá hay ưu đãi, trong khi những chiến dịch lớn hơn được thực hiện một cách bài bản với một câu chuyện cụ thể lấy cảm hứng từ đội tuyển U23 và "môn thể thao vua".

Một nhãn hàng bao cao su đã gây sốt bởi poster quảng bá thương hiệu lấy ý tưởng từ khung thành và câu khẩu hiệu có phần tô đậm trùng tên với thủ môn của đội tuyển U23 Việt Nam. Một nhãn hàng sữa đã sử dụng ước mơ bóng đá của trẻ em là câu chuyện trong một chiến dịch quảng cáo. Hay thông điệp "tương lai được tạo nên từ những ước mơ" trong một TVC quảng cáo lấy cảm hứng từ câu chuyện tại một làng chài về một cậu bé có ước mơ trở thành cầu thủ.

"Với tầm ảnh hưởng mạnh và diễn biến nhanh, Fad topic sẽ mang đến cơ hội bất ngờ cho nhiều thương hiệu, nhưng đồng thời cũng có thể sẽ là nguy cơ lớn cho các thương hiệu khác. Nếu khách hàng mục tiêu là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự kiện nóng, thì thương hiệu nên nhanh chóng tận dụng sự kiện này. Nếu không, có khả năng sẽ chậm chân hơn đối thủ", Buzzmetrics đánh giá.

Theo VnExpress