“Khô máu” trong vòng xoáy nợ nần

Doanh nhân 03/05/2018 10:15

Nhiều DN từng chiếm lĩnh vị trí đầu ngành đã “ngã ngựa” bởi dự báo thị trường sai và sử dụng nợ vay quá lớn để phục vụ cho kế hoạch được vẽ ra từ dự báo đó cuối cùng, họ rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Năm 2013, đánh giá bất động sản đã “hết thời”, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) quyết định bán mảng này để chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và các vấn đề về tiền đã bắt đầu. Khởi nguồn từ trồng cây cao su, cọ dầu, mía, ngô rồi đến chăn nuôi bò, lĩnh vực nào HAGL cũng gây ấn tượng bởi quy mô đầu tư cùng tỷ suất lợi nhuận cao vượt trội trong năm đầu tiên. HAGL liên tục vay vốn, và số nợ vay của công ty đã liên tục duy trì trên 20.000 tỉ đồng nhiều năm nay, đặc biệt có năm đạt trên 27.000 tỉ đồng.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh thị trường thuận lợi có thể đem lại hiệu suất sinh lời rất cao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, HAGL đã nhảy vào thị trường nông sản đúng cơn sốt và thu thành quả vào thời điểm giá lao dốc chóng mặt. Giá nông sản giảm khiến cho doanh thu không đạt kỳ vọng, tiền thu về từ hoạt động kinh doanh không kham nổi các khoản chi. HAGL tiếp tục vay nợ để bù đắp và cuối cùng tạo nên một vòng luẩn quẩn khi tiền không có mà chi phí lãi vay tiếp tục tăng lên cùng với quy mô vay nợ.

Năm 2016, chi phí lãi vay lên tới 1.679 tỉ đồng là nguyên nhân chính khiến công ty thua lỗ hơn 1.100 tỉ đồng. Năm 2017, HAGL chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, nhưng lãi vay 1.451 tỉ đồng cũng là khoản chi phí lớn nhất trong năm của công ty.

Tương tự như HAGL là trường hợp của “vua cá” Hùng Vương – theo cách truyền thông vẫn xưng tụng vai trò của đơn vị này trong ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Nhưng với tham vọng lớn hơn, Hùng Vương muốn mở rộng quy mô bằng chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp có vị thế trong ngành tôm và thức ăn chăn nuôi, nhằm xây dựng một chuỗi giá trị. Công ty thành lập hàng loạt công ty thành viên trong các lĩnh vực khác nhau. 2015 là năm mà Hùng Vương đẩy mạnh các hoạt động M&A bằng việc tăng sở hữu tại thức ăn chăn nuôi Việt Thắng lên mức trên 90%, thâu tóm thực phẩm Sao Ta, thủy sản Tắc Vân… Đó cũng là năm nợ vay của Hùng Vương được đẩy tăng vọt, từ mức 4.732 tỉ đồng cuối năm 2014 lên mức 8.354 tỉ đồng sau đó chỉ 9 tháng (năm 2015 Hùng Vương đổi năm tài chính từ 1/1 đến 31/12 sang 1/10 đến 30/9). Phần lớn nợ vay của Hùng Vương là vay ngắn hạn. Dư nợ cao duy trì mãi cho đến năm 2017 mới bắt đầu giảm xuống nhờ thoái vốn tại các công ty thành viên.

Ngoài ra, chất lượng báo cáo tài chính của Hùng Vương trong những năm gần đây cũng là một vấn đề khiến người ta không thể yên tâm. Chênh lệch quá lớn giữa kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, soát xét của Hùng Vương xảy ra liên tục. Năm 2017 vừa qua, từ mức lỗ 63 tỉ đồng trong báo cáo tự lập, kiểm toán báo cáo tài chính của công ty ghi nhận khoản lỗ lên tới 705 tỉ đồng.

Vậy, làm sao để quản lý dòng tiền hiệu quả?

Câu chuyện dòng tiền của doanh nghiệp nhìn chung xoay quanh các khoản chính là phải thu, tồn kho, các khoản đầu tư, khoản phải trả và huy động vốn (vay nợ hoặc phát hành cổ phiếu). Quản lý dòng tiền là việc cân đối giữa thời điểm thu, chi và độ lớn của các khoản này sao cho phù hợp với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Và quản lý hiệu quả không chỉ là thu được các khoản phải thu đúng hạn hay trả các khoản nợ đúng thời điểm bị “đòi”, mà còn là sắp xếp các dòng thu chi ấy để chi phí cơ hội bỏ ra thấp nhất.

“Liệu cơm gắp mắm”

Mỗi doanh nghiệp có một thể trạng khác nhau nhưng đều có chung vấn đề: làm sao để quản lý dòng tiền hiệu quả? Đây là một câu hỏi quá hóc búa, khó có thể có lời giải đáp trọn vẹn. Nhưng cần nhắc lại công thức dẫn đến cú ngã của các doanh nghiệp nói trên: dự báo thị trường sai, sử dụng nợ vay quá lớn và từ đó mất kiểm soát dòng tiền vào ra của mình. Như vậy, điều đầu tiên cần ghi nhớ có lẽ là câu tục ngữ của Việt Nam: “Liệu cơm gắp mắm”.

Giám đốc tài chính của một doanh nghiệp niêm yết cho biết, hiện các doanh nghiệp hầu hết đều phụ thuộc các nguồn vốn ngân hàng, việc chủ động dòng tiền là vô cùng khó khăn, trừ khi họ có một nguồn tiền dồi dào từ trước đến nay như PV Gas, Vinamilk, Hòa Phát,… Mục tiêu của quản lý dòng tiền cuối cùng là sao cho quay vòng nhanh và chủ động. Hai mục tiêu này trong hầu hết các trường hợp là mâu thuẫn nhau, vì phải dung hòa lợi ích của công ty và lợi ích của các cá nhân đóng vai trò quản lý trong doanh nghiệp.

Dòng tiền ngắn hạn nhất định không được dùng để đầu tư cho các dự án dài hạn, nếu không chắc chắn sẽ gặp lúng túng và khó tránh khỏi tình trạng mất thanh khoản

Ví dụ, khi doanh nghiệp nhận một nguồn tiền 100 tỉ đồng để trả nợ các khoản phải trả cho khách hàng sẽ tới hạn trong 10 ngày tới, họ có hai lựa chọn: Hoặc để nguyên tiền trong tài khoản, chờ ngày thanh toán, hoặc “tranh thủ” xoay vòng vốn để thu lợi nhuận trong 10 ngày. Với phương án hai, đầu tư chứng khoán, hoặc cho vay các công ty “sân sau”,… là các giải pháp được nghĩ đến. Tuy nhiên, không phải khi nào kế hoạch rút tiền cũng có thể được thực hiện đúng thời hạn, ví dụ chứng khoán lao dốc, hoặc các công ty sân sau gặp bất ổn trong kinh doanh… Ở chiều ngược lại, chúng ta có thể thấy một doanh nghiệp vẫn đang đi vay nợ trong khi tiền mặt rất lớn. Tại sao doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để trả hết nợ và không phải trả chi phí lãi vay nữa? Lý do, một mặt doanh nghiệp luôn cần giữ một lượng tiền mặt để giải quyết vấn đề vốn lưu động, mặt khác doanh nghiệp vay nợ bằng đồng đô la với lãi suất thấp và diễn biến tỷ giá thuận lợi cho việc ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá vào cuối kỳ. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng bằng tiền VND vẫn sinh lãi, thậm chí đủ bù cho chi phí lãi vay USD.

Không “lấy ngắn nuôi dài”

Người quản lý dòng tiền phải có kỷ luật nghiêm khắc để lựa chọn mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp. Việc xoay vòng vốn trong một thời gian có thể mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho cá nhân ai đó, nhưng lại đặt doanh nghiệp trước rủi ro thanh khoản. Và điều cần nhớ trước hết, theo vị lãnh đạo này, là không được lấy ngắn nuôi dài. Các dòng tiền ngắn hạn (các khoản vay ngắn hạn) nhất định không được dùng để đầu tư cho các dự án dài hạn – thường sẽ “đốt tiền” mà chưa thể mang lại dòng tiền ngay; nếu không, đến thời hạn thanh toán, doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp lúng túng và khó tránh khỏi tình trạng mất thanh khoản. Để thanh toán các khoản nợ đến hạn, họ lại buộc phải tiếp tục vay nợ, vòng tròn luẩn quẩn sẽ tiếp diễn đến khi gặp khủng hoảng thực sự.

Dự báo có hiệu quả

Việc dự báo thị trường để lên kế hoạch hoạt động luôn là công tác được doanh nghiệp thực hiện đầu tiên và nghiêm túc nhưng không phải lúc nào thị trường cũng diễn ra theo chiều hướng đã dự báo. Dẫu sao, việc dự báo vẫn cần phải đạt được độ chính xác tương đối và khi thị trường biến động mạnh, càng phải dự báo thường xuyên hơn để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh hoạt động.

Nếu tình hình thuận lợi cho đà tăng trưởng hơn dự báo, doanh nghiệp có thể nới rộng hoạt động tín dụng thương mại để kích thích doanh thu. Điều này làm tăng các khoản phải thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính có thể bị hụt đi nhiều hơn thời kỳ trước đó. Họ cũng có thể tăng vay nợ để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phục vụ cho thời kỳ hưng thịnh. Doanh nghiệp trong xu hướng tăng trưởng có thể chấp nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm. Tuy nhiên, tới đây lại phải nhắc lại nguyên tắc đầu tiên là “liệu cơm gắp mắm”, tức là phải biết năng lực của mình thông qua việc đánh giá các chỉ số tài chính, cũng như xem xét vị thế của doanh nghiệp với nhà cung cấp, với ngân hàng để không quá mạo hiểm mà vay nợ vượt quá khả năng chi trả, hay chấp nhận cho khách hàng trả chậm quá nhiều trong khi bản thân doanh nghiệp không thể xoay được nguồn tiền để bù đắp.

Còn nếu tình hình xấu hơn dự báo, doanh nghiệp có thể chấp nhận cắt giảm hoạt động, bán tài sản để bảo toàn vốn, còn hơn là mạo hiểm vay thêm nợ để trang trải, dễ dẫn đến trạng thái luẩn quẩn giữa đi vay để trả nợ gốc và lãi vay.

Hiệu quả của việc quản lý dòng tiền phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nhân sự của doanh nghiệp. Vì vậy, hãy tìm một kế toán trưởng hay giám đốc tài chính (CFO) có năng lực chuyên môn vững và tầm nhìn rộng. Bên cạnh đó, đầu tư cho một phần mềm quản lý doanh nghiệp luôn được đánh giá là điều cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển chuyên nghiệp và bền vững. 

Doanh nhân