Công nghiệp 4.0 và thách thức Big Data

Bảo Lam 09/05/2018 08:00

Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước cánh cổng thời đại mới mà người ta gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - hoặc công nghiệp 4.0.

Trong một thế giới 4.0 đang dần mở ra đó, chúng ta thấy được đứa con khổng lồ “Bigdata” đang xâm chiếm và lan đến mọi lĩnh vực.

BigData là một trong những công nghệ nổi bật trong dòng cách mạng 4.0

Cuộc chạy đua thu thập và xử lý Big Data trên thế giới

Cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng IoT, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã đưa dữ liệu lớn lên vai trò trung tâm. Dữ liệu số trở thành một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Từ nguồn dữ liệu số này có thể tạo ra các doanh thu mới và cung cấp những hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số mới. Vì thế, cách xử lý dữ liệu số sẽ phát triển và trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên thế giới, theo tài liệu của Intel vào tháng 9/2013, thế giới đã tạo ra 1 Petabyte dữ liệu trong mỗi 11 giây và nó tương đương với một đoạn video HD dài 13 năm. Bản thân các công ty, doanh nghiệp cũng đang sở hữu Big Data của riêng mình, chẳng hạn như trang bán hàng trực tuyến eBay thì sử dụng hai trung tâm dữ liệu với dung lượng lên đến 40 petabyte để chứa những truy vấn, tìm kiếm, đề xuất cho khách hàng cũng như thông tin về hàng hóa của mình.

Nhà bán lẻ online Amazon.com thì phải xử lí hàng triệu hoạt động mỗi ngày cũng như những yêu cầu từ khoảng nửa triệu đối tác bán hàng. Người khổng lồ bán lẻ trực tuyến này đã tiếp cận được một lượng lớn dữ liệu về khách hàng; tên, địa chỉ, thanh toán và lịch sử tìm kiếm đều được lưu trữ trong ngân hang dữ liệu.

Tương tự, Facebook cũng phải quản lí 50 tỉ bức ảnh từ người dùng tải lên, YouTube hay Google thì phải lưu lại hết các lượt truy vấn và video của người dùng cùng nhiều loại thông tin khác có liên quan.
Rõ ràng nếu biết sử dụng hiệu quả những con số khổng lồ trên thì lợi ích mang lại của Big Data là không tưởng.

Bigdata bước đầu lớn mạnh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm Big Data không còn quá mới mẻ, một số doanh nghiệp đã có bước đón đầu đưa ứng dụng Big Data. Đáng lưu ý nhất, trong việc sử dụng Big Data tại Việt Nam, Nhà nước ta đã đang dần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển và xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử giai đoạn 2020-2025.

Nằm trong bài toán xây dựng Cơ sở dữ liệu lớn, nhiều hội thảo về Big Data, Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 đã được tổ chức trong năm 2017 vừa qua. Trong đó, nhiều giải pháp tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng chính quyền điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao, và đã được đưa vào triển khai thực tế.

Tiêu biểu, có FPT, VNG, VCCorp tham gia nghiên cứu và ứng dụng Big Data trong phân tích hành vi khách hàng; về mảng ngân hàng, có Vietcombank; về ngành vận chuyển có thể kể đến VietnamAirline, về mảng cải cách hành chính có công ty FSI với giải pháp số hóa tài liệu và công nghệ nhận dạng và bóc tách thông tin văn bản.

Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã thực hiện hàng loạt ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành, cũng như cung cấp dịch vụ công ích cho nhân dân. Như trong năm 2017 vừa qua, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số hệ thống điều hành thông minh. Theo đó cách làm hướng đến của kế hoạch này là giải quyết bài toán bằng giải pháp số hóa tài liệu chuyên nghiệp, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, phát triển thành phố thông minh.

Ước mơ về một thành phố thông minh ở Việt Nam với Big Data

Khi câu chuyện về Big Data còn tiếp tục phát triển, thì đồng nghĩa với việc cơ hội mà nó mang lại cho chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ. Việc của chúng ta là ra sức học hỏi từ những thành quả cách mạng nổi bật trên thế giới để không bị lạc hậu, tụt lùi.

Bảo Lam