Chỉ 37% sếp trong ngành thương mại điện tử Việt Nam là nữ

Theo DNSG 15/08/2018 06:28

Nghiên cứu cho thấy, nam giới nắm giữ tới 63% ở các cấp bậc quản lý ở Việt Nam (C-level, giám đốc, trưởng bộ phận và quản lý) trong khi chỉ có 37% vị trí lãnh đạo là phụ nữ.

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi iPrice cho thấy tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam chỉ là 37%, thấp hơn các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (40%) và Malaysia (42%).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

iPrice - Cổng thương mại điện tử tại 7 thị trường ASEAN (gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines, HongKong và Việt Nam) vừa công bố một nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong ngành thương mại điện tử.

Nghiên cứu cho thấy, nam giới nắm giữ tới 63% ở các cấp bậc quản lý ở Việt Nam (C-level, giám đốc, trưởng bộ phận và quản lý) trong khi chỉ có 37% vị trí lãnh đạo là phụ nữ.

Sự khác biệt ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Thái Lan. Theo đó, Thái Lan và Malaysia có số lượng phụ nữ ở vị trí lãnh đạo cao hơn tương ứng là 40% và 42%.

Theo iPrice, với ngành công nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam dự đoán trị giá 3,7 tỷ USD vào năm 2030, các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước cần phải vượt qua sự khác biệt về giới.

Theo số liệu thống kê từ comScore, phụ nữ chiếm 58% tổng số lượt tham gia mua sắm trực tuyến, và là yếu tố quyết định đến 83 - 87% xu hướng mua sắm của thị trường tiêu dùng.

Đặc biệt, tại Đông Nam Á, thời gian trải nghiệm trên các sàn giao dịch mua sắm trực tuyến của phụ nữ nhỉnh hơn đến 40% - một con số khá ấn tượng và đáng được các nhà đầu tư quan tâm, iPrice nhận định.

Chênh lệch giới tính tăng dần ở các cấp lãnh đạo cao hơn

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không hề thiếu vắng bóng dáng phụ nữ ở các chức vụ quản lý cấp trung khi có tới 44% phụ nữ nắm giữ chức vụ trưởng bộ phận và 46% phụ nữ giữ chức vụ quản lý. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cao hơn lại vắng bóng dấu ấn của phụ nữ.

Sự chênh lệch tăng dần ở các cấp lãnh đạo cao hơn, cụ thể chỉ có 29% phụ nữ giữ chức vụ giám đốc và con số chỉ là 23% ở các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là C-level.

"Các nhà lãnh đạo cấp cao của ngành thương mại điện tử phải thực hiện các bước đi tích cực để tăng cường vị thế của phụ nữ trong mọi nấc thang của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, chẳng hạn như chú ý nhiều hơn đến các vấn đề quan trọng như hỗ trợ trông con, đào tạo, kéo dài tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, tích cực tìm kiếm các nữ lãnh đạo tiềm năng để bồi dưỡng và phát triển cũng là một giải pháp để giảm bớt sự chênh lệch giới ở các cấp lãnh đạo", iPrice khuyến nghị.

Một nửa vị trí lãnh đạo cấp cao là người nước ngoài

Thống kê của iPrice cho thấy, người nước ngoài chiếm tỷ lệ cao ở các cấp lãnh đạo cao tại các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài. Tỷ lệ người nước ngoài đảm nhiệm vị trí giám đốc lên tới 50% và con số này ở vị trí C-level là 43%.

"Có một thực tế tồn tại là nguồn nhân lực ở trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn thương mại điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM, trong năm 2017 có đến 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và thương mại điện tử", iPrice dẫn chứng.

Để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho bài toán về nhân sự cấp cao, iPrice cho rằng các doanh nghiệp có thể tham khảo theo cách mà CEO Tiki từng làm để giải quyết bài toán nhân sự. Đó là tự đào tạo.

Theo đó, công ty này phải tuyển những người đẳng cấp quốc tế và dùng những người này để đào tạo cho người trong công ty mình. Vì thế, sẽ cần một khoảng thời gian nữa để thị trường Việt Nam đào tạo ra các lãnh đạo cấp cao trong ngành thương mại điện tử.

Theo DNSG