Văn hóa “nuốt chửng” chiến lược
Văn hóa tự nhiên như hơi thở, nhưng cũng có thể hóa thành cơn bão nhấn chìm doanh nghiệp.
Theo TS. Alok Bharadwaj, cựu Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược khu vực châu Á của tập đoàn Canon, văn hóa cơ bản là hành vi của mỗi thành viên trong tập thể đều toát lên một cách tự nhiên theo các giá trị chung. Mọi người cùng giận dữ, hay vui vẻ vì điều gì đó, hành vi tập thể chính là văn hóa doanh nghiệp. Mỗi công ty đều có sẵn văn hóa, nhưng không phải thứ văn hóa nào cũng giúp doanh nghiệp đi đúng mục tiêu. Điều khó nhất là tạo mối liên kết chặt chẽ từ chiến lược để xây dựng được văn hóa, đồng thời cho phép văn hóa thay đổi liên tục phù hợp với từng giai đoạn doanh nghiệp. Ông Alok chỉ ra rằng trước khi có văn hóa, doanh nghiệp cần xác định một dòng chảy rõ ràng.
Trong nghiên cứu “Vai trò của văn hóa trong thiết lập sự thay đổi tổ chức” do công ty tư vấn toàn cầu PwC thực hiện với 22.000 giám đốc kinh doanh, các số liệu thống kê đã chỉ ra: 96% số người được hỏi nói rằng cần có sự thay đổi về văn hóa tại doanh nghiệp của mình, và 51% cho rằng văn hóa của họ cần một cuộc đại tu lớn. Theo ông Alok, văn hóa sinh ra để lấp đầy khoảng trống thúc đẩy chiến lược. Chiến lược có trước, góp phần quy định ra văn hóa doanh nghiệp, nhưng ở một thời gian phát triển đủ dài, văn hóa sẽ tác động lại. Nhiệm vụ then chốt của doanh nghiệp là liên tục học hỏi và phát triển từ việc lắng nghe nhân viên và nhu cầu đổi mới từ khách hàng nhằm tăng cường sức tương thích của văn hóa với chiến lược. Bởi nếu thả nổi cho văn hóa tự phát triển, nó có thể kết thúc cả tổ chức.
Văn hóa ổn định khiến các nhà lãnh đạo Kodak trì hoãn việc tham gia thị trường do e sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu mảng máy in
TS. Alok Bharadwaj lấy tập đoàn Eastman Kodak làm ví dụ điển hình khi để văn hóa “nuốt chửng” doanh nghiệp. Là một trong ba hãng sản xuất phim chụp và giấy ảnh lớn nhất thế giới, tại thời kỳ hoàng kim, chiến lược kinh doanh của Kodak coi giấy ảnh là ưu tiên hàng đầu, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng dòng tiền ổn định từ sản phẩm độc tôn. Trong nhiều năm, Kodak ăn nên làm ra nhờ chiến lược này, điều này khiến các nhà lãnh đạo duy trì thứ văn hóa doanh nghiệp đề cao tính ổn định. Và chính thứ văn hóa này là bước ngoặt khiến Kodak rơi vào suy thoái trầm trọng. Năm 1975, Kodak đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số, tuy nhiên mãi đến năm 1991 họ mới tung ra thị trường chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên, nhưng lại quá đắt với giá gần 20.000 USD/chiếc. Văn hóa ổn định khiến các nhà lãnh đạo Kodak trì hoãn việc tham gia thị trường do e sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu mảng máy in.
Điều phải đến đã đến, Kodak phải đối đầu với làn sóng ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh. Kể từ cuối những năm 1990, Kodak đã phải vật lộn về tài chính do sự sụt giảm doanh số bán hàng của phim ảnh. Sau này chính CEO của hãng là Daniel A. Carp ngầm thừa nhận điều hiển nhiên rằng: mặc dù ông đã xác định được mối đe dọa chí mạng từ công nghệ kỹ thuật số với công ty, nhưng sự do dự khiến Kodak thay đổi quá chậm chạp. Thay vì mạo hiểm bước vào một lĩnh vực mới đầy triển vọng, công ty lại bảo toàn mình với những quy trình và chính sách nhằm duy trì lợi nhuận như cũ.
Bài viết được thực hiện với sự tham gia của Alok Bharadwaj, Là một chuyên gia tư vấn nổi tiếng về chiến lược phát triển doanh nghiệp, ông Alok Bharadwaj từng đảm trách nhiều vị trí cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia như: Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược Canon tại 23 quốc gia ở châu Á; Giám đốc bán hàng Motorola khu vực Nam Á. Hiện nay, ông là Giám đốc điều hành công ty tư vấn CreoVate, đồng thời là thành viên trong hội đồng cố vấn của Tạp chí Kinh doanh Harvard và đối tác tư vấn thuộc tập đoàn AON Hewitt.