Khi người quản lý vô tình làm suy yếu đội ngũ
Những hành vi người quản lý thường xảy ra có thể làm suy yếu năng suất của một đội ngũ và những gợi ý nhằm tránh xảy ra trường hợp này...
Những người làm sếp “hắc ám” và chỉ biết lo cho thân mình không phải là trở ngại duy nhất mà nhân viên đối mặt nơi làm việc. Ngay cả những người quản lý có thiện ý vẫn có thể vô tình cản trở sự phát triển của các thành viên trong nhóm mà không nhận ra điều này. Sau đây là những hành vi thường xảy ra có thể làm suy yếu năng suất của một đội ngũ và những gợi ý nhằm tránh xảy ra trường hợp này.
Trách nhiệm chính của người quản lý không phải là giám sát công việc của người khác. Việc yêu cầu nhân viên phải báo cáo mọi chuyện chỉ tạo thêm “một lớp quản trị hành chính”, ảnh hưởng đến năng suất và làm chậm quy trình. Nhà quản lý hiệu quả không mắc kẹt trong mọi diễn biến công việc mà nhân viên đang làm, đặc biệt đối với những nhân viên mà họ biết là có đủ năng lực. Thay vào đó, họ tạo ra những hệ thống để nhân viên làm tốt mọi thứ, càng ít cần đến sự kiểm soát của cấp trên càng tốt.
Thông thường, phải mất nhiều năm để các nhà quản lý nhận ra rằng họ đang quản lý theo kiểu vi mô và phải thêm vài năm nữa để họ có thể cải thiện cách tiếp cận của mình. Nếu bạn nghĩ rằng mình là một người sếp quản lý theo kiểu vi mô, nên bắt đầu có những cuộc họp riêng với từng thành viên trong nhóm. Trao đổi xem họ đang đối mặt với những khó khăn nào và đâu là giải pháp khả dĩ. Khi họ cảm thấy mình có tiếng nói góp phần xây dựng giải pháp cho toàn đội, họ cũng sẽ dễ tuân theo các giải pháp này và giúp cho mọi thứ thuận lợi hơn.
Không quan tâm xây dựng văn hóa tập thể
Văn hóa không phải là lĩnh vực độc quyền của bộ phận nhân sự hay của CEO. Tất cả nhà quản lý đều có vai trò trong việc hỗ trợ xây dựng văn hóa công ty. Mọi phòng ban, đội nhóm cần thể hiện văn hóa và giá trị chung của công ty, đồng thời hoàn thành vai trò riêng của nhóm trong tổ chức.
Điều này đòi hỏi một sự cân bằng nhất định. Chẳng hạn, văn hóa của đội bán hàng chắc hẳn khác với đội kỹ thuật, nhưng cả hai đều nên nuôi dưỡng tình đồng đội, sự tin tưởng, tôn trọng và tạo một môi trường vui vẻ. Nếu không có những yếu tố này, nhân viên có thể cảm thấy đơn độc và không được hỗ trợ. Là một nhà quản lý, bạn cần đầu tư xây dựng văn hóa đội nhóm, nghĩa là cần xác lập những mong đợi đối với hành vi của nhân viên trước khi có vấn đề xảy ra. Các hoạt động “team building” có thể hữu ích nhưng việc duy trì những hoạt động thường xuyên như ăn trưa cùng nhau mỗi tuần sẽ có tác động lâu dài.
Chỉ khen thưởng cá nhân mà không tưởng thưởng toàn đội
Người sếp cần khen thưởng những hành vi giúp hoàn thành mục tiêu của tập thể thay vì chỉ khen thưởng các cá nhân. Người lãnh đạo hiệu quả sẽ ghi nhận, tưởng thưởng và trao cơ hội dựa trên kết quả của toàn đội. Nhưng để tránh tình trạng các thành viên trong nhóm lẩn tránh trách nhiệm cá nhân, những ai có đóng góp quan trọng cho sự thành công của toàn đội cũng nên được thưởng riêng – đó là những người làm việc trễ, gánh vác cho đồng nghiệp và góp phần nâng cao thành công của nhóm. Bằng cách kết hợp khen thưởng cá nhân và khen thưởng tập thể, các thành viên sẽ cảm thấy được khích lệ cả về mặt tài chính và mặt xã hội; như thế, họ sẽ có động lực theo đuổi các mục tiêu chung và giúp cả đội thành công.
Chỉ ưu tiên kết quả mà phớt lờ mọi thứ khác
Năng suất là quan trọng, nhưng sếp không nên phớt lờ chuyện “làm thế nào để đạt được kết quả”. Nhà quản lý giỏi sẽ biết ghi nhận những hành xử tích cực của nhân viên như tinh thần hợp tác với đội nhóm khác hoặc nỗ lực giúp đỡ cộng sự. Nếu sếp chỉ tập trung vào các dự án và năng suất, họ sẽ tạo nên một văn hóa không gắn kết, quá cạnh tranh hoặc thậm chí “tìm cách loại trừ lẫn nhau”.