Nghệ sĩ livestream bán hàng và chuyện làm thương hiệu
Livestream bán hàng là một cách kinh doanh hay nhưng là nghệ sĩ, nếu xem hoạt động nghệ thuật là công việc chính và cần phải tạo dựng thương hiệu cho cuộc đời làm nghệ thuật lâu dài,
Trong khi chờ người vào xem livestream của mình trên tài khoản cá nhân ở mạng xã hội Facebook, nam nghệ sĩ nọ lấy mấy cái bánh cho vào miệng nhai… rột rột. Khi số người xem đã kha khá, anh nói ba điều bốn chuyện rồi đi đến nội dung chính là giới thiệu món gà xông khói.
Cũng gần như cảnh ban đầu, nghệ sĩ này xé gà rồi ngấu nghiến “cạp” cánh, đùi gà, thi thoảng lại “mút tay”, tấm tắc khen ngon và cuối cùng anh nhắn người hâm mộ là nếu muốn mua thì inbox (nhắn tin riêng).
Với hình thức quảng cáo qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, trước đây những nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu có tên tuổi thường được mời quảng cáo bằng những cách khá đơn giản như check-in (xác nhận vị trí đang ở đâu), hay đăng tải các nội dung giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Nay, tính năng livestream được ưa chuộng hơn bởi sự vượt trội về khả năng tương tác và không những chỉ quảng cáo thuê, nhiều người còn tự bán hàng qua kênh này.
Rảo qua trang cá nhân của một số người có tên tuổi sẽ thấy hàng loạt livestream kiểu như: Dạo này, cả nhà (từ hay được dùng để gọi bạn bè trên mạng xã hội) có thấy da mình trắng trẻo và căng mịn không? Đó là nhờ mình xài loại kem A, uống collagen B, đắp mặt nạ loại C; bữa giờ đóng phim bận rộn không có thời gian tập thể dục nhưng vẫn giữ dáng được là nhờ thực phẩm giảm cân hiệu D, cái đai nịt bụng hiệu F; hổm rày, ông xã hay thắc mắc sao người mình luôn có mùi thơm hấp dẫn, hí hí, bật mí với cả nhà đó là nhờ mình uống viên thơm để cơ thể tiết ra mùi thơm từ bên trong...
Sản phẩm, dịch vụ nào cũng được các thần tượng giới thiệu rất nhiệt tình, không chỉ nói về thương hiệu, công dụng của sản phẩm mà còn hướng dẫn sử dụng, dùng thử trực tiếp và bày cách mua hàng.
Có những người nói chuyện, pha trò rất duyên và tương tác tích cực với người xem nên các livestream của họ thu hút rất nhiều người xem. Chẳng hạn, livestream giới thiệu sản phẩm dành cho tóc của một nữ diễn viên đang nổi tiếng trong vai diễn của bộ phim làm lại từ phim Hàn Quốc đang chiếu trên truyền hình thu hút đến 3.300 lượt like (thích), 2.200 comment (bình luận) và hơn 2.000 lượt chia sẻ; livestream giới thiệu du lịch của một nam MC nổi tiếng có đến 6.700 lượt like, 8.100 lượt view (xem), đem lại hiệu quả lớn cho quảng cáo và bán hàng.
Tuy nhiên, cũng có những người thu hút người xem bằng những cách kém duyên. Trong đó, người giới thiệu đồ ăn, thức uống thì vừa nói vừa ăn uống nhồm nhoàm nhằm chứng tỏ món ngon. Người giới thiệu dịch vụ spa lại quay cận cảnh gương mặt đầy mụn để khán giả thấy dịch vụ tốt, sau chăm sóc là hết mụn. Có cô diễn viên giới thiệu sản phẩm mặt nạ dưỡng da thì lại vừa nói chuyện vừa trét một lớp mặt nạ đỏ như đang “nhát ma” người hâm mộ. Có người mời mọc khách mua hàng nhưng lỡ có ai hỏi câu không vừa ý là lớn tiếng mắng, lại có người vừa rao hàng vừa luôn miệng gọi người xem là “mấy má”, nghe không chút thuận tai.
Trong một chương trình truyền hình gần đây, nhiều nghệ sĩ ủng hộ chuyện livestream bán hàng vì cho rằng đó là một cách kinh doanh dựa trên thương hiệu, uy tín nghệ sĩ, là cách kiếm tiền chân chính. Có người chia sẻ thu nhập chính hiện không phải từ việc ca hát mà từ kênh này.
Nhận định trên không sai. Livestream bán hàng là một cách kinh doanh hay nhưng là nghệ sĩ, nếu xem hoạt động nghệ thuật là công việc chính và cần phải tạo dựng thương hiệu cho cuộc đời làm nghệ thuật lâu dài thì phải hết sức cân nhắc khi làm.
Khán giả chắc sẽ bớt phần cảm xúc khi diễn viên hóa thân thành công chúa xinh đẹp, đoan trang nhưng chỉ mới vài giờ trước lại livestream với khuôn mặt đầy mụn và miệng lép nhép ăn hàng. Các công ty đào tạo nghệ sĩ chắc hẳn cũng ngại ngần đầu tư dài hơi để xây dựng hình ảnh đẹp cho những người chỉ vừa mới có chút tiếng tăm đã biến trang cá nhân thành “cửa hàng xén”, bán đủ thứ “thượng vàng hạ cám” và nói năng bỗ bã với người xem.
Vài năm trước, khi được hỏi về khả năng tham gia thị trường quốc tế của diễn viên Việt Nam, một đạo diễn nổi tiếng người nước ngoài trả lời rằng, có thể nhưng khó. Ông nói có thể vì cho rằng nhiều diễn viên có khả năng diễn xuất tốt, chịu học hỏi. Nhưng khó là vì nhiều người chưa biết đầu tư cho thương hiệu. Chẳng hạn, có cô diễn viên khá có tiếng, xinh đẹp, diễn hay nhưng cứ mở ti vi lên thì thấy cô đứng trong nhà vệ sinh quảng cáo dung dịch vệ sinh phụ nữ, có lúc lại thấy giơ cánh tay lên để quảng cáo sáp lăn nách. Những hình ảnh đó sẽ đọng lại trong tâm trí khán giả, sẽ gắn tên người nghệ sĩ vào tên nhãn hàng, loại sản phẩm đó, cho nên sẽ là rào cản để phát triển thương hiệu trong tương lai.