Chuyển đổi số để thành công thời 4.0
Mỗi doanh nghiệp muốn khởi nghiệp trong thời buổi “bão tố” của cuộc cách mạng 4.0 phải có chiến lược chuyển đổi số để thành công.
Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là sử dụng một website hoặc sử dụng các công cụ thương mại điện tử để bán hàng là đủ. Thương mại điện tử chỉ là một phần để tích hợp và nâng cao hiệu suất lao động trong doanh nghiệp chứ không phải vấn đề cốt lõi của cuộc cách mạng chuyển đổi.
Phải chuyển đổi số từ cốt lõi
“Với trí thông minh nhân tạo, bộ phận kỹ thuật hoàn toàn có thể nắm được dữ liệu khách hàng, họ là ai, tâm tư nguyện vọng của họ như thế nào? Nhưng không phải cứ thấy người khác làm website là mình cũng làm website. Làm những thứ mình không hiểu rõ thì sẽ sai thật luôn, sai rất xa” – Ông Huỳnh Chuyên, sáng lập và là giám đốc điều hành công ty phần mềm Jazz ITup (Pháp) cho biết.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp khẳng định: “Đối với các công ty start-up, cần phải số hóa từ bên trong của chiến lược số hóa chứ không đơn thuần là bán hàng online, chăm sóc khách hàng trực tuyến”.
Chẳng hạn như các trung tâm giáo dục ở ta, mới chỉ chuyển đổi về mặt hình thức bán hàng, còn công cụ, phương tiện và phương pháp giáo dục thì vẫn truyền thống như cũ. “Website của các bệnh viện thời nay không chỉ đơn thuần là lưu dữ liệu mà phải tích hợp nhiều thứ trong đó, chẳng hạn như đặt lịch hẹn khám online, tư vấn online, ghi nhận hành vi cũng như thái độ của khách khi đến khám chữa bệnh. Trí tuệ nhân tạo giúp ghi lại toàn bộ những điều đó nhưng điều quan trọng là phải có chiến lược số hóa một cách thông minh để sử dụng các dữ liệu này” – Bà Linh Huỳnh, Quản lý chương trình lãnh đạo thương mại toàn cầu tại Châu Á – Quỹ Hinrich Foundation đưa ý kiến.
Muốn chuyển đổi số thì ngay cả các phương tiện kinh doanh đi kèm cũng phải chuyển đổi theo, chẳng hạn thay vì in các quyển giới thiệu sản phẩm thì quay video clip bán hàng đánh vào 5 giác quan và cảm nhận trực tuyến của người mua. Vì cảm giác chung của khách hàng là khi in ấn các ấn phẩm như vậy có vẻ như nó đã là hình ảnh quảng cáo chứ không phải sản phẩm thực tế nữa rồi.
Một trong những ví dụ sinh động cho thành công của start-up thời 4.0 là sàn đấu giá tranh và tác phẩm nghệ thuật trực tuyến Chọn Auction House mới vừa ra đời chưa được hai năm tuổi tại Hà Nội. Nhưng với ứng dụng số hóa trong nhiều công đoạn, đặc biệt là những phiên bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật đều được đưa lên online cho người tham dự có thể đấu trực tuyến với người có mặt tại khán phòng, thì doanh số tăng lên chóng mặt. Mới đây, trong phiên đấu giá tối 27-10, một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Trung đã bán thành công với mức giá 20.000 USD.
Xây dựng sơ đồ chuyển đổi số
“Cần xác định rõ hàm giá trị của khách hàng cùa từng doanh nghiệp cụ thể để rồi xác định được mức độ ưu tiên cao nhất cho mỗi phần số hóa, dần dần xây dựng bản đồ số hóa để trở thành công cụ kiểm soát các nhà cung cấp cho doanh nghiệp của mình, kết nối với khách hàng và xây dựng sơ đồ kinh doanh” – Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh khẳng định.
“Chuyển đổi số không phải một ngày mà có thể là cả năm, hoặc thậm chí cả mười năm. Đó là cả một quá trình lâu dài. Cần xác định phân khúc khách hàng và thị trường, rồi xác định xem doanh nghiệp mình cần chuyển đổi bao nhiêu phần trăm và thuộc phần nào trên sơ đồ chiến lược” – Ông Huỳnh Chuyên, sáng lập và là giám đốc điều hành công ty phần mềm Jazz ITup nói.
“Đầu tiên, phải tìm hiểu xem trong nhóm khách hàng thì ai là người có hành vi mua hàng? Nhu cầu của họ là gì? Để định hình chiến lược thực thi chứ không phải tốn tiền vô bổ cho các phần mềm không thực sự hữu dụng. Có những doanh nghiệp gặp tình huống khó là ông chủ muốn chuyển đổi số nhưng cả công ty không muốn, ngại thay đổi, vì mệt và lười. Trường hợp đó, người chủ còn phải làm thay đổi tư duy của toàn bộ cán bộ nhân viên công ty rồi mới ứng dụng được các chiến lược chuyển đổi số” – Bà Linh Huỳnh hướng dẫn chi tiết.
Các chuyên gia đều cho rằng muốn chuyển đổi số tức là phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp để phù hợp với thời 4.0. Phải phân rã toàn bộ dữ liệu của công ty rồi mới xây dựng được bản đồ chuyển đổi số. Và quan trọng nhất cuối cùng thì doanh số có tăng trưởng hay không? Nhân viên trong công ty có hài lòng không sau một thời gian chuyển đổi số? Khách hàng có hài lòng với các dịch vụ của doanh nghiệp hay không?
“Cần hiểu rõ cuộc cách mạng thứ tư là gì? Đối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, để đạt chuẩn của thị trường Mỹ hay Châu Âu, nhà máy họ cần nhập các loại máy gì, công nghệ sản xuất ra sao thì tất cả đều là bí mật chứ không phải cứ đem ra nói hết ngày này sang ngày khác. Hãy tỉnh táo và xác định rõ doanh nghiệp của mình cần chuyển đổi phần nào cho phù hợp” – Bà Linh Huỳnh tư vấn.
“Các loại chuyển đổi số gồm có bên ngoài và bên trong. Nếu không cân đối cả bên ngoài và bên trong thì sẽ rất khó để chuyển đổi thật sự. Quá trình số hóa thì giống nhau nhưng hành trình và lựa chọn số hóa thì phải tùy theo từng doanh nghiệp. Số hóa không phải mục đích mà là phương tiện, công cụ để tiến đến mục tiêu tiếp cận khách hàng, phân tích hành vi khách hàng và biến thành hiệu quả kinh doanh” – Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh khẳng định.