3 xu hướng chọn địa điểm đặt doanh nghiệp để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động
Một số nhà quản trị ở nước ta có vẻ như không đặt nặng việc xác định địa điểm đặt doanh nghiệp. Họ thường cho rằng đặt doanh nghiệp ở đâu thuận tiện và phù hợp nhất với khả năng là được.
Việc chọn địa điểm đặt doanh nghiệp rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định đối với việc sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Tại sao phải cân nhắc?
Xác định địa điểm đặt doanh nghiệp là quá trình phân tích và lựa chọn vùng và địa điểm nhằm bảo đảm thực hiện những mục tiêu chiến lược. Vùng ở đây có thể hiểu là một châu lục, một quốc gia, một tỉnh hoặc một vùng kinh tế. Địa điểm là một nơi cụ thể nào đó nằm trong vùng đã lựa chọn.
Việc lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp thường được tiến hành trong một số trường hợp, chẳng hạn mở rộng cơ sở hiện tại hoặc bỏ hẳn cơ sở cũ và chuyển sang nơi mới do không đạt hiệu quả kinh doanh hay buộc phải di dời vì một yếu tố nào đó.
Quyết định chọn địa điểm đặt doanh nghiệp hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chọn được địa điểm tốt có thể giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí về lao động, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm, giảm những lãng phí không cần thiết.
Nó còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nâng cao khả năng thu hút khách hàng, thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường mới, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Mặt khác, xác định địa điểm phù hợp có thể giúp doanh nghiệp tận dụng và phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường kinh doanh thuận lợi tại chỗ, thậm chí còn ảnh hưởng đến phát phiển kinh tế và dân cư trong vùng. Như vậy, có thể thấy địa điểm đặt doanh nghiệp không tốt có thể gây ra nhiều bất lợi và kéo dài, khó khắc phục.
Lựa chọn thế nào?
Để đạt mục tiêu, các nhà quản trị có thể sử dụng nhiều phương pháp, bao gồm cả phân tích định tính lẫn phân tích định lượng. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp nào thì cũng cần lưu ý đến các xu hướng và nhân tố ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng.
Hiện nay, có ba xu hướng chính xác định địa điểm doanh nghiệp. Một xu hướng quan trọng là chia nhỏ doanh nghiệp hoặc các cơ sở, đặt ngay tại thị trường tiêu thụ, nhờ đó mà doanh nghiệp duy trì được mối quan hệ gần gũi với khách hàng, nắm bắt sở thích, thị hiếu của khách hàng nhằm cải tiến sản phẩm, dịch vụ hiện có, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Xu hướng này cũng giúp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng và tăng các điều kiện thuận lợi trong dịch vụ sau khi bán hàng, nên đang được các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đặc biệt quan tâm.
Xu hướng thứ hai đang được doanh nghiệp sản xuất, gia công, chế biến, chế tạo chú ý là ở khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tận dụng những lợi thế về cơ sở hạ tầng, thông tin, xử lý nước thải, thị trường lao động, cung cấp linh kiện, phụ kiện bổ trợ.
Thứ ba là sự phát triển của các công ty, tập đoàn kinh tế đa quốc gia và xuyên quốc gia đã thúc đẩy xu hướng đặt doanh nghiệp ở nước ngoài. Lựa chọn này nhằm mở rộng thị trường, nắm bắt thông tin, tận dụng lợi thế của nước ngoài, chuyển giao công nghệ, những chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất... và tránh được rào cản thương mại.
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định địa điểm đặt doanh nghiệp, vai trò và tầm quan trọng của mỗi nhân tố không giống nhau. Khi xây dựng phương án địa điểm đặt doanh nghiệp, chỉ tập trung đánh giá những nhân tố quan trọng nhất.
Khi phân tích lựa chọn vùng, cần xét đến các điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, khí tượng, tài nguyên, môi trường sinh thái...), các điều kiện văn hóa - xã hội (nguồn nhân lực, kinh tế và cơ sở hạ tầng của địa phương, trình độ công nghệ, chính sách và sự phát triển của các ngành bổ trợ trong vùng...), cũng như các nhân tố kinh tế như gần thị trường tiêu thụ, gần nguồn nguyên liệu, gần nguồn nhân công, vận chuyển thuận lợi.
Nếu những nhân tố ảnh hưởng đến chọn vùng được đánh giá ở phạm vi rộng hơn thì những nhân tố ảnh hưởng đến chọn địa điểm cụ thể lại rất chi tiết.
Những nhân tố chủ yếu cần đánh giá, phân tích ở khâu này bao gồm điều kiện giao thông nội vùng và khả năng kết nối với hệ thống giao thông chung của khu vực, khả năng cung ứng điện, nước và các dịch vụ khác như thông tin, ngân hàng, yêu cầu về môi trường nơi xả chất thải, hệ thống thu gom rác, xử lý nước thải; giá thuê đất, mặt bằng kinh doanh, khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh và các công trình công cộng sẵn có.
Mặt khác, cũng cần quan tâm đến tình hình trật tự an ninh, phòng cháy chữa cháy tại địa bàn cũng như các dịch vụ y tế, hành chính, quy định của chính quyền địa phương về các lệ phí dịch vụ....
Như vậy, không thể lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp một cách sơ sài mà nhà quản trị phải phân tích cẩn thận, xem xét một cách toàn diện và tính đến khả năng phát triển, mở rộng doanh nghiệp trong tương lai gần...