Tạo động lực để làm việc mình không thích
Động lực là một kỹ năng có thể học hỏi và phát triển được trong trí tuệ cảm xúc.
Thực tế là trong cuộc đời sẽ có vô số lần chúng ta rơi vào những hoàn cảnh phải làm những việc không có hứng thú, mà không có lựa chọn nào khác! Khi đó bạn sẽ làm gì? Để cảm giác nhàm chán, khó chịu đeo bám và làm sói mòn lòng tự tin vào bản thân mình? Buông xuôi để cho tình huống trở nên tồi tệ hơn và khiến người khác nghi ngờ về năng lực của mình? Hay tìm cách tự tạo ra động lực để cải thiện tình hình hoặc ít ra là hạn chế những tác động tiêu cực của hoàn cảnh?
Theo một khảo sát của tổ chức nghiên cứu The Conference Board (Mỹ) tiến hành gần đây với 5.000 hộ gia đình ở Mỹ, chỉ có 45% người được hỏi hài lòng với công viêc của họ so với 60% khi cuộc khảo sát này được tiến hành lần đầu tiên vào năm 1987. Áp lực từ cuộc sống, môi trường và từ chính bản thân khiến ngày càng có nhiều người gặp phải tình huống như trên, không loại trừ những người đang thành công và nắm giữ những vị trí cao trong tổ chức.
Tại sao cần phải có động lực?
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được thành công đó là sự đam mê và yêu thích những gì mình làm. Khi đam mê chúng ta chẳng cần phải cố tạo ra động lực, mà tự nhiên say mê làm việc mình muốn làm. Vấn đề của nhiều người thành công ở đây là vì quá say mê những gì mình muốn làm, họ bỏ quên mất, đôi khi là những điều không kém phần quan trọng trong đời mình, như sức khoẻ, niềm vui của bản thân, gia đình và các mối quan hệ... Một vấn đề nữa là đôi khi họ áp đặt suy nghĩ của mình cho nhân viên và không thể hiểu được tại sao nhân viên của mình lại hời hợt, thụ động như vậy, hay nói một cách khác là họ không biết làm thế nào để có thể truyền lửa cho nhân viên.
Kết quả là có nhiều người bỏ cuộc với suy nghĩ: nhân viên của mình cứ làm hết trách nhiệm, theo đúng yêu cầu, vậy cũng may lắm rồi. Đây là một điều thực sự đáng tiếc vì nó làm mất cơ hội tạo ra niềm vui và ý nghĩa trong công việc cho nhân viên, làm giảm đáng kể hiệu suất công việc. Theo thống kê của tạp chí Harvard Business Review (Mỹ), hơn 500 nghiên cứu đã chỉ ra một quan hệ tương đồng giữa động lực và kết quả công việc: một người làm việc có động lực rõ ràng và mạnh mẽ thì kết quả và chất lượng công việc cũng tốt hơn nhiều, và ngược lại.
Thế nào là động lực?
Trong quá trình làm khai vấn, tôi phát hiện ra một điều là có rất nhiều người băn khoăn về việc mình không có động lực, và họ nghĩ có động lực đồng nghĩa với việc phải cảm thấy hào hứng, thích thú, đam mê. Sai lầm là ở đó. Theo Daniel Goleman, người đã giúp thế giới biết đến khái niệm Trí tuệ Cảm xúc (EQ) thì khả năng tự tạo ra động lực là một kỹ năng, đồng thời là một khía cạnh quan trọng của EQ, và “bốn yếu tố tạo nên động lực đó là: nỗ lực cá nhân để cải thiện và đạt được mục tiêu; cam kết với các mục tiêu của mình; chủ động, hoặc sẵn sàng hành động khi có cơ hội; sự lạc quan và khả năng phục hồi.”
Nếu bạn đã làm hết sức mình và không thay đổi được tình hình, thì bạn có hai lựa chọn, một là thay đổi hoặc loại bỏ, hai là chấp nhận
Động lực là một kỹ năng có thể học hỏi và phát triển được trong EQ - yếu tố then chốt quyết định thành công trong công việc và cuộc sống của mỗi người. Những người có chỉ số EQ cao có khả năng tự tạo động lực và cảm hứng để làm việc chứ không phải chờ đến khi gặp được hoàn cảnh, con người, tình huống, công việc phù hợp. Động lực xuất hiện khi chúng ta hành động, kết quả của công việc giúp tăng sự tự tin của chúng ta vào khả năng của mình, và tăng tính cam kết thực hiện hành động.
Có những kiểu động lực nào?
Con người sẽ được thúc đẩy hành động bởi hai kiểu động lực: một là động lực hướng tới mục tiêu, kết quả và niềm vui đem lại bởi kết quả đó; hai là động lực né tránh những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra nếu không đạt được mục tiêu.
Động lực hướng tới mục tiêu dễ dàng được tìm thấy ở những người có tham vọng, có chí tiến thủ. Đây là tuýp người mà khi tôi chỉ cần giúp họ hình dung ra bản thân họ trong bức tranh tươi đẹp trong tương lai (đã đạt được mục tiêu của mình), họ ngay lập tức biết mình cần phải làm gì và không ngần ngại xắn tay vào hành động. Điều mà họ cần tôi hỗ trợ đó là giữ được sự cân bằng, tránh bị mắc vào cái bẫy “ám ảnh bởi mục tiêu” và phải trả giá sau khi đạt được mục tiêu của mình.
Động lực né tránh những hậu quả tiêu cực có thể được hiểu là khi chúng ta hành động vì một người mà mình quan tâm; chúng ta làm để không còn bị cảm giác hồi hộp, lo lắng; hay làm để khỏi phải lo nghĩ về nó nữa... Trong cuộc sống hàng ngày hoặc ở cơ quan, có nhiều việc bạn không thích nhưng vẫn phải làm. Nếu bạn chủ động tìm ra ý nghĩa, mục đích và lý do khiến bạn bắt tay vào công việc, thì đó chính là tạo động lực. Tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi người và đôi khi là bản chất của công việc ở từng thời điểm, tìm ra được những động lực thực sự sẽ đóng vai trò đòn bẩy, giúp chúng ta tăng tính cam kết hành động để đạt được mục tiêu.
Cái gì lấy mất động lực?
Để tạo ra động lực, chúng ta cũng cần tìm hiểu điều gì khiến con người mất động lực, ví dụ như nhân viên không nhiệt tình, mất lòng tin vào đối tác, quá nhiều đối thủ cạnh tranh, quá trình thay đổi diễn ra liên tục? Với nhóm nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố bên ngoài như nêu trên thì câu hỏi bạn cần phải đặt ra cho mình là “tôi đã làm hết sức mình để cải thiện hoàn cảnh chưa”? Nếu bạn đã làm hết sức mình và không thay đổi được tình hình, thì bạn có hai lựa chọn, một là thay đổi hoặc loại bỏ, hai là chấp nhận.
Vấn đề mất động lực hoặc thiếu động lực ở đây xuất phát từ suy nghĩ, thái độ của chúng ta chứ không còn phải từ hoàn cảnh nữa. Chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng cũng không chịu chấp nhận hoàn cảnh, tình huống và con người xung quanh mình, từ đó những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực tiếp tục nảy sinh. Đại đa số chúng ta thường cố gắng thay đổi hoàn cảnh và người khác, nhưng lại không chịu thay đổi chính mình – hay nói chính xác hơn là thay đổi suy nghĩ và thái độ của mình.
Trái lại, nếu chúng ta học cách chấp chấp nhận hoàn cảnh, tìm ra mục đích và lý do để mình cần phải làm việc đó, vào thời điểm đó, suy nghĩ của chúng ta không còn hướng đến việc trách cứ, đổ lỗi, cáu giận... thay vào đó là nhận trách nhiệm về mình vì đó là lựa chọn của mình. Chúng ta đã chuyển từ tâm lý nạn nhân sang tâm lý của một người làm chủ.
Làm sao để tạo ra động lực?
Một công thức rất đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng để tạo ra động lực là:
Sự chấp nhận ở đây không đồng nghĩa là né tránh, buông xuôi hay vô trách nhiệm. Nó chỉ có ý nghĩa sau khi chúng ta đã cố gắng hết sức có thể để thay đổi hoàn cảnh; là tự nhận trách nhiệm về mình và thay đổi suy nghĩ, thái độ và sự kỳ vọng của bản thân mình. Điều tuyệt vời là khi nhận trách nhiệm về mình, tự nhiên chúng ta lại nhìn ra vô số cách giúp thay đổi tình huống và khiến mình vui vẻ, hài lòng hơn, mọi việc chuyển biến theo một hướng tích cực hơn, thậm chí hơn cả mong đợi. Đây cũng là câu chuyện từ một “coachee” (người được khai vấn) của tôi. Cô là trưởng bộ phận marketing của một công ty thời trang có tiếng ở Việt Nam. Sau 4 năm chịu đựng căng thẳng trong quan hệ với gia đình chồng, cô quyết định sẽ ra ở riêng mặc sự can ngăn của chồng. Trong buổi khai vấn đầu tiên, cô nhận ra là mình đã né tránh vấn đề trong nhiều năm bằng cách lao vào công việc. Cô đổ lỗi cho người khác và không chịu chấp nhận sự khác biệt của họ. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi cô quyết định sẽ đối mặt với vấn đề, thư thay đổi hoàn cảnh một lần cuối trước khi quyết định chuyển ra ngoài. Cô học cách chấp nhận, tập trung vào thay đổi những gì mình có thể thay đổi, cụ thể là thái độ và cách ứng xử. Sau đúng 3 tháng khai vấn, quan hệ của cô với gia đình chồng hoàn toàn được tháo gỡ, cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc và vui vẻ khi ở nhà. Bầu không khí tích cực trong gia đình cũng khiến tính cách của cô mềm mại hơn, cô trở thành một người sếp vui vẻ, thấu hiểu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong công việc!
Câu nói của Dale Carnegie trong cuốn sách Quẳng gánh lo đi mà sống, rằng: “Nếu số phận chỉ cho ta một quả chanh, hãy cố gắng pha thành ly nước chanh” là ví dụ của việc học cách chấp nhận (một cách tích cực) để tự tạo động lực cho mình. Và điều tôi có thể đảm bảo với các bạn là khi bạn thay đổi, thế giới xung quanh bạn sẽ thay đổi.
Làm sao để biến động lực thành hành động?
Thuyết phục được bản thân mình là chưa đủ. Để biến động lực thành hành động cần phải có một kế hoạch. Tuy nhiên kế hoạch để làm những việc mình không thích không nên quá lớn, vì nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy ngán ngẩm hơn nữa. Dưới đây là một số gợi ý của Elizabeth Grace, một chuyên gia khai vấn, về quản lý thời gian để các bạn tham khảo:
1. Tìm ít nhất một người đồng hành, giao một phần việc cho người khác, lập nhóm cùng làm, hoặc nhận trách nhiệm với ai đó. Cảm giác có một người đang làm việc cùng mình, hoặc khiến mình phải chịu trách nhiệm (thay vì chúng ta tự chịu trách nhiệm với chính mình) là một kiểu áp lực xã hội tích cực sẽ giúp chúng ta có động lực hoàn thành công việc tốt hơn.
2. Làm việc khó/không mấy hứng thú trong một môi trường tạo cảm hứng, ví dụ hoàn thành một bài trình thuyết trình hoặc một bài viết ở một quán cafe yêu thích; vừa dọn dẹp nhà cửa vừa nghe nhạc,…
3. Thiết lập một hệ thống buộc mình vào kỷ luật, ví dụ mỗi ngày dành ít nhất 10 phút để viết sách sau đó có thể quyết định làm tiếp hay thôi; mỗi tuần phải hoàn thành một việc liên quan đến hoàn thiện hệ thống quản lý khách hàng; hoàn thành một việc đơn điệu trước khi làm một viêc đòi hỏi sự tập trung.
Động lực xuất phát từ bên trong mỗi cá nhân, chứ không phải từ ngoại cảnh. Đó là lý do tại sao nhiều nhà quản lý, lãnh đạo gặp khó khăn trong việc tạo ra động lực cho nhân viên của mình. Tìm ra động lực cũng giống như việc chúng ta làm đất, bón phân, chuẩn bị thật chu đáo trước khi gieo trồng để đảm bảo một vụ mùa bội thu. Để tạo ra động lực, còn cần phải hiểu điều gì khiến con người mất động lực, điều gì thực sự quan trọng với chúng ta. Với mỗi cá nhân, chấp nhận và nhận trách nhiệm thay đổi về mình là điều quan trọng nhất. Những hành động và thay đổi nhỏ được làm một cách có ý thức sẽ giúp tạo ra hứng thú và động lực để đạt được mục tiêu lâu dài.
Bà Quách Hương, là chuyên gia khai vấn lãnh đạo, người sáng lập công ty khai vấn Coach For Life, chuyên gia khai vấn liên kết của BTS Coach International. Trước khi trở thành coach chuyên nghiệp, bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế, và gần đây nhất là vị trí Giám đốc Thay đổi và Quản lý các Dịch vụ công tại đại sứ quán Anh tại Myanmar. Bà Hương có bằng MBA, chương trình cao học CFVG, và nhiều năm kinh nghiệm cùng kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực quản lý dự án, quản trị nhân sự, quản lý tài chính, lãnh đạo thay đổi và phát triển tổ chức.