2019 đầu tư vào đâu
Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2018 đã và đang tạo nên sức ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, từng khu vực, mỗi quốc gia và tại mỗi doanh nghiệp.
Sự tác động đó được dự báo sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2019. Lựa chọn kênh đầu nào, nắm bắt xu hướng ra sao sẽ luôn là những vấn đề mà mọi nhà đầu tư và doanh nghiệp đều quan tâm. Doanh Nhân đã có cuộc trò chuyện với ông Don Lam, Tổng Giám đốc điều hành của VinaCapital về những dự báo về xu hướng đầu tư trong năm 2019.
- Theo ông, đâu sẽ là những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2019?
Năm 2019, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Lãi suất sẽ tăng, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động của nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở một mặt khác, cuộc chiến này sẽ có lợi cho Việt Nam trong ngắn và trung hạn khi các công ty Mỹ chọn đặt hàng với nhà cung ứng ở Việt Nam thay vì Trung Quốc để tránh thuế. Năm 2019, các nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty có sức khỏe tài chính tốt, tỷ lệ vay nợ ở mức phù hợp, có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt và định giá hợp lý như Hòa Phát, Coteccons, PNJ, Vietjet… Một số công ty trong thị trường có tiềm năng hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ là những lựa chọn đáng cân nhắc. Ngoài ra, các công ty có tính chất phòng thủ như trong nhóm ngành điện nước, dược phẩm và thực phẩm/đồ uống cũng sẽ là chỗ trú ẩn an toàn vì có lợi tức cao và tăng trưởng tuy không nhiều nhưng ổn định, trong khi mức định giá hợp lý.
- Kinh tế vĩ mô sẽ có chiều hướng tích cực hơn năm 2018 hay không?
Tôi nghĩ triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ vẫn rất tươi sáng, mặc dù lãi suất được dự báo sẽ tăng khoảng 25 tới 50 điểm phần trăm. Dòng vốn FDI sẽ tích cực do các nhà sản xuất tới Việt Nam cung ứng cho Samsung, Vinfast và để tránh hiệu ứng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cán cân thương mại cũng sẽ đạt được mức thặng dư nhất định do xuất khẩu được dự báo tăng mạnh hơn nhập khẩu. Đồng tiền Việt Nam vẫn sẽ ổn định do Ngân hàng Nhà nước đã tích trữ được một lượng ngoại hối dồi dào, tương ứng khoảng 2,9 tháng nhập khẩu và lực cung – cầu đối với đồng đôla Mỹ không quá căng thẳng nhờ thặng dư cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư FDI.
- Trong năm 2018, VinaCapital đã lập quỹ 100 triệu USD đầu tư vào các start-up. Tại sao VinaCapital quyết định lập quỹ vào thời gian này, khi mà đã có rất nhiều quỹ hay trung tâm hỗ trợ khác dành cho các công ty khởi nghiệp, thưa ông?
2018 là năm bản lề của hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo ở Việt Nam khi Chính phủ và các ban ngành đẩy mạnh thông qua truyền thông sự kiện và mở rộng các chính sách, hành lang pháp lý để các nhà khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam.
Trong vòng 2 – 3 năm tới sẽ là khoảng thời gian bùng nổ của hoạt động đầu tư cũng như thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, theo ENTEXT sẽ có 2-3 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam.
Quỹ VinaCapital Ventures (V2) của chúng tôi không định vị mình là vườn ươm hay các trung tâm hỗ trợ ngắn hạn. Chúng tôi ra đời để tiếp thêm nguồn vốn, hỗ trợ mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nước, tư vấn xây dựng chiến lược phù hợp với tình hình thị trường để các doanh nghiệp đi nhanh hơn, chắc chắn hơn, bảo đảm về sự phát triển và tăng trưởng. Khi đầu tư vào doanh nghiệp, V2 sẽ không tham gia vào việc điều hành, tất cả quyền và nghĩa vụ điều hành doanh nghiệp cho chính đội ngũ sáng lập viên (founder) thực hiện. Chúng tôi sẽ là đứng phía sau hỗ trợ doanh nghiệp khi họ cần tư vấn và hỗ trợ. Thế mạnh của quỹ VinaCapital Ventures chính là mối quan hệ với hơn 60 công ty mà các quỹ của tập đoàn VinaCapital quản lý đầu tư, mang lại những cộng hưởng và hợp tác mang tính chiến lược cho các doanh nghiệp mới.
- Được biết, VinaCapital đã rót vốn vào FastGo, một tân binh trong lĩnh vực cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ. Ngoài FastGo, VinaCapital có thể bật mí về các start-up mà Quỹ đang quan tâm hiện nay?
Như nói ở trên, nhờ những kinh nghiệm và hiểu biết của các đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau, ở V2 chúng tôi hiểu được những nhu cầu cấp thiết ở các ngành căn bản ở Việt Nam. Hiện tại chúng tôi chú trọng vào những giải pháp công nghệ ở các lĩnh vực logistics, vận tải, tài chính và các mô hình media/giải trí số, các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp, sản xuất…
- Các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các start-up, cần đáp ứng những tiêu chí gì để có thể hợp tác cùng VinaCapital, thưa ông?
Chúng tôi quan tâm đến các start-up khi hội tụ được các tiêu chí: ngành lớn, quan trọng cho người Việt Nam; các giải pháp có thể mở rộng ra khu vực và thế giới; các nhà sáng lập có suy nghĩ sáng tạo, năng động và có tinh thần làm việc tập thể, tinh thần kết nối.
- Thông thường sẽ mất thời gian khoảng bao lâu kể từ thời gian VinaCapital biết đến doanh nghiệp đến lúc quyết định xuống tiền đầu tư?
Thường thì vài tuần cũng có lúc đến vài tháng. Thời gian sẽ linh động đối với từng trường hợp. Khi doanh nghiệp đã hội tụ đủ tiêu chí của chúng tôi thì còn rất nhiều yếu tố cần xem xét như: cấu trúc của doanh nghiệp, số tiền đầu tư, doanh nghiệp đã gọi vốn hay chưa, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
100 triệu USD là con số không nhỏ, nhưng cũng không phải là quá lớn. Đặc biệt là với các start-up công nghệ, chi phí đầu tư ban đầu vô cùng lớn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khác khi mới gia nhập thị trường Việt Nam như Grab hay Go Việt, đều phải “đốt” rất nhiều tiền để giành lấy thị phần. VinaCapital có lộ trình tăng vốn nếu như việc đầu tư cho start-up ngày càng đòi hỏi nguồn tài chính dồi dào hơn?
Tất cả những gì tôi và các bạn thấy hôm nay chỉ là bắt đầu, trong đó có cả quỹ 100 triệu USD của chúng tôi. Như tôi đã nói, sẽ còn rất nhiều nguồn vốn dồi dào từ những nhà đầu tư, các tập đoàn trong nước, nước ngoài rót vào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Sẽ là ngây thơ nếu chúng tôi tham vọng “che cả bầu trời” nên tôi luôn mong muốn tìm kiếm những đối tác thương mại trong và ngoài nước để cùng chúng tôi viết câu chuyện thành công của khởi nghiệp Việt Nam.
- Là một quỹ đầu tư, lại rất gắn bó với mô hình start-up, ông đánh giá phong trào khởi nghiệp có khởi sắc hơn trong năm 2019? Để thành công, theo ông các start-up cần phải đặc biệt lưu tâm những yếu tố nào?
Tất cả những gì tôi chứng kiến là những tín hiệu cực tốt cho 2019 rực rỡ. Không chỉ Việt Nam, năm 2018 có hơn 10 quỹ mới ở khu vực được thành lập với số vốn vài trăm đến vài tỷ USD, thế nên gọi vốn có thể sẽ dễ thở hơn cho các start-up trong khu vực. Thế nhưng tôi có 1 vài lời khuyên như sau:
* Nên có mục tiêu trung và dài hạn rõ ràng nên biết mình đang ở đâu từ đó biết phải làm gì để đến mục tiêu.
* Khi đã biết mình phải làm gì, chọn quỹ và người quản lý quỹ mang lại được giá trị cộng thêm ngoài tiền cho khởi nghiệp để giúp bù đắp những thứ đội ngũ mình đang thiếu. Cách tốt nhất là các bạn nói chuyện với những công ty được đầu tư trước khi chấp nhận khoản đầu tư.
* Khi cần giúp đỡ hãy mạnh dạn lên tiếng, đừng cố gắng tự giải quyết mọi vấn đề. Cộng đồng lớn, nên khả năng người khác đã gặp khó khăn tương tự là rất cao …
- Thời gian gần đây người ta nhắc nhiều đến cách mạng 4.0, vốn đã tác động không nhỏ đến nhiều ngành nghề trên thế giới. Trong ngành tài chính, cuộc cách mạng 4.0 đã đem đến những thay đổi gì cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và VinaCapital nói riêng, thưa ông?
Ngành tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm là những ngành đã, đang và sẽ số hóa rất nhanh ở Việt Nam. Chúng ta thấy ví điện tử, ngân hàng số, các nền tảng tư vấn đầu tư tự động (robo advisor), vay ngân hàng... xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều. Ngay cả VinaCapital chúng tôi là một tập đoàn quản lý tài sản chuyên nghiệp cung đang trải qua những thay đổi dựa trên nền tảng cộng nghệ, cho nên V2 được mở ra cũng vì lí do đó.
- Chân thành cảm ơn ông!
Don Lam là đồng sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc điều hành của VinaCapital. Tốt nghiệp Đại học Toronto (Canada) chuyên ngành Thương mại và Khoa học chính trị và là thành viên của Hiệp hội Kế toán Canada, ông từng giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Pricewaterhouse Cooper Việt Nam, trực tiếp phụ trách mảng Tài chính doanh nghiệp và tư vấn quản lý tại khu vực Đông Dương. Don Lam cũng từng giữ chức vụ quản lý cao cấp tại Deutsche Bank và Coopers & Lybrand tại Việt Nam cũng như Canada. Ngoài ra, ông Don Lam hiện đang là Phó Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.