2019 - năm của livestream

PV 15/02/2019 08:30

Trước xu hướng phát triển mạnh livestream, các doanh nghiệp cần có chiến lược tận dụng một cách bài bản, hướng tới dài hạn.

Tại Trung Quốc, công nghệ livestream lần đầu xuất hiện vào đầu năm 2005, khi trang mạng xã hội YY bắt đầu cho phép người dùng tổ chức những buổi trò chuyện tương tác trực tiếp. Thế nhưng, phải đến tận năm 2015, cùng với sự cải tiến và phát triển của mạng internet 4G và các kỹ thuật đường truyền chuyên dụng, video livestream trên các trang mạng xã hội như YY, Weibo và các website thương mại điện tử như Taobao, Tmall mới thực sự bùng nổ. Tính đến cuối năm 2016, livestream đã tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD), theo báo cáo của hãng thông tấn Reuters (Anh). Con số này dự kiến sẽ tăng hơn 300% vào năm 2019.
So với Trung Quốc, Việt Nam đón nhận xu hướng này chậm hơn 4 năm. Vào năm 2009, lần đầu tiên công nghệ livestream được sử dụng trong một vài buổi biểu diễn ca nhạc của các nghệ sỹ lớn. Thế nhưng, giống như ở Trung Quốc, livestream cũng mất một khoảng thời gian khá dài để thực sự khẳng định vị thế tại Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Duy Liêm, nhà đồng sáng lập Gostream, công ty cung cấp dịch vụ livestream chuyên nghiệp nhận định, phải đến nửa cuối năm 2017 và năm 2018, livestream mới bắt đầu có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng (sales) và tiếp thị (marketing). Thế nhưng, trên thực tế, nhiều thương hiệu vẫn chưa thực sự có cái nhìn đúng đắn về vai trò và tầm ảnh hưởng của livestream, thậm chí chỉ coi đây là nền tảng dành cho những cá nhân bán hàng trực tuyến đơn lẻ. Theo ông Liêm, năm 2019 chính là thời điểm để livestream tại Việt Nam thực sự khẳng định vị thế khi các thương hiệu ý thức rõ về sức ảnh hưởng và có sự đầu tư bài bản vào nền tảng này.

Tại sao nên lựa chọn livestream?

Ông Nguyễn Hùng Lâm, Giám đốc Điều hành Bread N’ Tea, đơn vị cung cấp sản phẩm livestream sáng tạo chia sẻ, nền tảng này có triển vọng phát triển nhờ tính tiện lợi cho người dùng và những hiệu quả rõ ràng cho doanh nghiệp.

Trước hết, livestream tạo nên không gian thuận tiện để thương hiệu và người dùng có thể tương tác hai chiều trực tiếp, tức thời với nhau. Theo nghiên cứu vào tháng 5/2018 của Lead Connect, đơn vị cung cấp dịch vụ marketing tự động hoá (Mỹ), nếu doanh nghiệp có thời gian phản hồi yêu cầu của khách hàng muộn hơn 10 phút thì 80% là đã đánh mất cơ hội kinh doanh. Người tiêu dùng ngày nay kỳ vọng người bán hàng phải luôn ở trạng thái có sẵn (available) để tư vấn, đáp ứng những nhu cầu tức thời của họ. Livestream là nền tảng đáp ứng được tâm lý đó khi người dùng và thương hiệu có những sự tương tác ngay lập tức và vô cùng gần gũi. Người dùng có thể để lại câu hỏi trong các bình luận (comment) ngay trong thời gian livestream, doanh nghiệp sẽ giải đáp thắc mắc của từng cá nhân.

Mặc dù xu hướng mua sắm trực tuyến đã phát triển mạnh trong thời gian qua, người dùng vẫn nghi ngờ, lo lắng về chất lượng thực tế của sản phẩm/dịch vụ khi họ chỉ được tiếp cận qua một vài hình ảnh và những dòng chữ giới thiệu. Livetream cũng có thể giải quyết vấn đề này bởi người dùng sẽ có thêm nhiều niềm tin khi được quan sát sản phẩm thực tế. Ví dụ, khi mua sắm quần áo, thay vì một vài hình ảnh chụp sẵn, qua livestream, họ có thể nhìn thấy màu sắc, kiểu dáng, đánh giá mức độ phù hợp với bản thân khi nhìn sản phẩm được người mẫu thử; cùng lúc đó, nhanh chóng được giải đáp những thắc mắc về chất liệu, kích thước, giá cả… Kết quả là, khi bán hàng qua livestream, tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng sẽ tăng đáng kể, TaobaoLive (kênh livestream của trang thương mại điện tử Taobao) đã ghi nhận sự tăng trưởng đến 32% trong 3 tháng đầu chạy kênh này.

Một lý do khác khiến livestream được nhiều doanh nghiệp ưu chuộng là khả năng tiết kiệm chi phí. Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nền tảng đã cung cấp tính năng livestream hoàn toàn miễn phí như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter … Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư ngân sách vào việc sáng tạo nội dung, thuê người nổi tiếng (KOL) tham gia livestream (nếu muốn) và các hoạt động PR đi kèm khác.

SMEs tối ưu hóa livestream bằng cách nào?

Theo ông Liêm, mặc dù hiểu được sức ảnh hưởng và xu hướng phát triển của livestream, nhiều công ty vẫn đang sử dụng nền tảng này một cách nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư nghiêm túc và thiếu chiến lược dài hạn. Nếu xác định livestream là một kênh marketing và bán hàng, điều quan trọng đầu tiên là cần thực hiện một cách định kỳ. Cũng giống như các chương trình truyền hình truyền thống, livestream định kỳ sẽ tạo được thói quen cho tập khách hàng tiềm năng, theo thời gian sẽ gây dựng được một cộng đồng với số lượng người ổn định chờ đợi đến chương trình livestream thường kỳ.

Cùng với việc thực hiện định kỳ, để làm nên thành công cho livestream, còn phải sáng tạo nội dung hấp dẫn. Theo ông Lâm, việc sáng tạo nội dung vẫn luôn bắt nguồn từ việc trả lời các câu hỏi cơ bản: bạn là ai? bạn hướng đến tập khách hàng nào? sản phẩm/ dịch vụ của bạn có tính năng gì đặc biệt? hoạt động livestream này đem đến cho người xem những giá trị gì? Sau khi hiểu được điều đó, doanh nghiệp bắt tay vào việc xây dựng kịch bản cụ thể cho chương trình livestream. Kịch bản này thường bao gồm hai phần: “kéo” và “đẩy”. Trong phần “kéo”, doanh nghiệp cần tối ưu nội dung trong khoảng thời gian đầu tiên của livestream để thu hút và lan toả nội dung đến nhiều người. Những yếu tố để “kéo” người xem thường là: giao diện mở đầu chuyên nghiệp, hấp dẫn; có sự tham gia của những KOL phù hợp với tập khách hàng; truyền tải được rõ những giá trị đem tới cho người xem livestream. Trong phần “đẩy”, thương hiệu có thể lần lượt giới thiệu những tính năng cụ thể của sản phẩm/dịch vụ và những ưu đãi đi kèm dành riêng cho người xem livestream.
Livestream sẽ tiếp tục phát triển ra sao?

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), livestream được đánh giá là một trong 5 xu hướng marketing sẽ phát triển mạnh trên toàn thế giới trong năm 2019. Tại Việt Nam, tương lai của nền tảng này là như thế nào? Ông Liêm đã đưa ra một vài dự đoán:

1. Sự tham gia của lĩnh vực bất động sản (BĐS) và các sản phẩm tiêu dùng chậm

Tại thời điểm hiện tại, livestream đang được ứng dụng rộng rãi nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh như mỹ phẩm, thời trang. Thế nhưng, trong thời gian tới, rất có thể nó sẽ được mở rộng sang cả lĩnh vực BĐS và các sản phẩm tiêu dùng chậm như xe máy, ô tô… Ví dụ, với BĐS, livestream có thể thay thế cho hoạt động tư vấn bằng telesales vốn chưa đem lại nhiều hiệu quả. Mỗi người hoạt động trong lĩnh vực này thường có một cộng đồng khách hàng quen thuộc, khi muốn giới thiệu dự án mới, thay vì trao đổi qua điện thoại hoặc gửi thông tin qua email, họ có thể tận dụng nền tảng livestream để cung cấp thông tin một cách trực quan nhất. Người xem sẽ có cái nhìn thực tế về những yếu tố như: vị trí địa lý của dự án, cấu trúc tổng thể toà nhà, đặc điểm bên trong/ bên ngoài căn hộ, tầm nhìn (view)… Đối với BĐS hay các sản phẩm tiêu dùng chậm, có thể quyết định mua hàng không thể diễn ra ngay trong thời gian livestream, nhưng đây sẽ là hình thức “window shopping” mới. Khách hàng sẽ chỉ đến khảo sát dự án thực tế hoặc đến cửa hàng trưng bày (showroom) khi đã thực sự có hứng thú sau khi xem các chương trình livestream tư vấn.

2. Kết hợp với công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR)

Về các kỹ thuật đi kèm, hiện nay, một số đơn vị đã cung cấp các chức năng hỗ trợ như chèn thêm hình ảnh, video trong khi livestream. Trong tương lai, rất có thể các ứng dụng VR hay AR cũng sẽ được tích hợp cùng nền tảng livestream này. Quay trở lại ví dụ về BĐS, rất nhiều dự án bắt đầu tìm kiếm khách hàng khi vẫn còn đang thi công, chưa có sản phẩm hoàn thiện. Với sự phát triển của của AR, VR, người ta hoàn toàn có thể xây dựng những mô hình BĐS đầy đủ, chi tiết giống như thật. Khi tích hợp những ứng dụng như vậy vào livestream, người xem vừa được nghe tư vấn, giới thiệu, vừa có thể trở thành một nhân vật ảo đang trực tiếp tham quan dự án từ tổng thể toà nhà đến chi tiết bên trong căn hộ.

3. “Chợ livestream” – tương lai mới của thương mại điện tử

Tại Trung Quốc, nhiều trang web thương mại điện tử đã được phát triển thành các “chợ livestream” khi hàng loạt thương hiệu liên tiếp thực hiện các hoạt động livestream để giới thiệu sản phẩm, bán hàng… Tại Việt Nam, ông Liêm khẳng định, xu hướng tương tự cũng sẽ phát triển. Trên các trang thương mại điện tử, những hình ảnh giới thiệu sản phẩm như hiện nay sẽ dần được thay thế bằng những video trực quan mà người xem có thể tương tác, đặt câu hỏi và được thương hiệu tư vấn trực tiếp. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), người tư vấn có thể là chatbot đã được “học” và không ngừng cập nhật những thông tin chi tiết về sản phẩm, những câu hỏi thường gặp, những băn khoăn, trăn trở của khách hàng… Nhân viên của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò giám sát, điều phối và giải đáp những câu hỏi mà tạm thời chatbot chưa thể trả lời được. 

Phạm Ngọc Duy Liêm là Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Tiếp thị của Gostream, công ty cung cấp dịch vụ livestream chuyên nghiệp. Trước đó, ông từng là Giám đốc kinh doanh của công ty truyền thông Sao Bắc Đẩu Digital (thuộc Sao Bắc Đẩu Group) và trưởng phòng kinh doanh phía Nam công ty VTN (thuộc tập đoàn VNPT Việt Nam).

Nguyễn Hùng Lâm là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành agency Bread n Tea, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ tương tác, sản phẩm livestream sáng tạo cùng dịch vụ tổ chức sự kiện. Trước đó, ông có 7 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông – báo chí dưới vai trò là Phó giám đốc Kênh 14 và Giám đốc tạp chí điện tử Saostar.

PV