Lãnh đạo thời 4.0 - Chỉ tài giỏi thôi chưa đủ
Dù cơn lốc 4.0 xuất hiện và thay đổi toàn bộ cách thức con người hoạt động, tương tác thì có những điều đối với một DN vẫn không thay đổi: đó là ý thức, cái tâm làm kinh doanh & đóng góp cho xã hội.
Người ta vẫn nói về kinh doanh với sự tài giỏi mưu chước, lợi thế cạnh tranh, nắm bắt thời cơ để không bị bỏ lại phía sau. Nhưng thời thế cho thấy sự tài giỏi đôi khi không thể giúp người quản lý, lãnh đạo cứu vãn được sự sụp đổ của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể khởi đầu chỉ là một cửa tiệm, hay chỉ là một ý tưởng nhờ sự tài giỏi nhưng có thể đi bao xa và đi bao lâu đều nhờ vào đức, vào tâm làm kinh doanh.
Hãy nhìn các vấn đề xảy ra với doanh nghiệp theo lăng kính khách quan nhất. Ngày hôm nay đối tác, khách hàng lớn của bạn vừa tuyên bố chấm dứt hợp đồng; một số khác nợ tiền và bạn có khả năng không thể đòi lại được. Một nhân sự giỏi nghỉ việc và bạn cảm thấy như bị phản bội vì mình đã hết lòng nâng đỡ họ. Hay doanh số của công ty sụt giảm nghiêm trọng và bạn đã nỗ lực để đốc thúc đội ngũ bán hàng nhưng chiều hướng không hề khá lên. Những sự việc xảy ra chúng ta thường tìm giải pháp nhưng lại không tìm nguyên do gốc rễ. Và chính vì vậy, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn luôn lặp lại những sai lầm, đi trên vết xe đổ của chính mình.
Sự thực là, các sự việc bắt nguồn từ chính chúng ta. Mỗi sự việc xảy ra đều được ghi lại vào “tâm” của chúng ta như một cái máy quay phim. Chính chúng ta là người quyết định sẽ quay hình ảnh ấy như thế nào. Một dấu ấn đẹp sẽ dẫn đến những kết quả đẹp và ngược lại. Khi nhìn vào bộ phim đang chiếu bạn có thể đoán được nó phát ra từ hạt giống nào. Giả sử việc bạn bị lừa trong công việc kinh doanh, rất có thể bạn đã từng nói dối ai đó. Bạn bị mất tiền, rất có thể bạn đã có hoạt động gây ra sự hao hụt cho người khác.
Đó chính xác là những triết lý sâu xa mà chương trình Năng Đoạn Kim Cương – Hạt giống kinh doanh thành công chia sẻ cho người làm kinh doanh, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp. Chương trình này nói rằng mọi sự việc xảy ra đều xuất phát từ chính chúng ta. Đồng thời Năng Đoạn Kim Cương cũng chia sẻ để kinh doanh thuận lợi, thành công, người điều hành hãy gieo những dấu ấn tốt.
Nếu bạn muốn kinh doanh thành công thì đừng cạnh tranh mà hãy mang trí tuệ, công sức, thời gian tiền bạc để giúp đỡ cho kế hoạch của đối tác, bạn bè, đồng nghiệp được thành công trước. Nếu bạn muốn nhân viên tận tụy, hết lòng vì công ty: bạn hãy đối xử thật tốt, chân thành với chính gia đình, người thân, những người xung quanh bạn mỗi ngày. Nếu bạn muốn tìm những đối tác tốt, phù hợp hãy giúp người khác tìm kiếm mối quan hệ như ý và đừng bao giờ nói lời chia rẽ khiến các mối quan hệ gặp vấn đề. Nếu bạn không muốn bị lừa, bị mất tiền, hãy chắc chắn rằng công việc kinh doanh của bạn tuân thủ theo quy định của pháp luật, không lách thuế, không dối trá về sản phẩm…
Điều này có thể lạ với những ai vẫn theo đuổi tiền bạc, vẫn thường kiệt sức với những cuộc chạy đua trên thương trường. Tuy nhiên, trong kinh tế học có giả thuyết, nếu muốn trở nên giàu có, không phải chỉ cần “có tầm nhìn, giỏi nắm bắt cơ hội…”, mà quan trọng hơn là phải có ý thức kinh doanh “có thể cầm 7 phần thì chỉ lấy 6 phần, có thể cho 3 phần thì cho 4 phần”. Triết lý của Năng Đoạn Kim Cương bao quát hơn, ở đây không chỉ là cho đi mà còn phải sống tử tế, sống với cái tâm để kinh doanh thành công.
“James Bond” của giới từ thiện - Tỉ phú Chuck Feeney từng chia sẻ lý do làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”. Không chỉ có Chuck Feeney, rất nhiều tỷ phú trên thế giới và cả ở Việt Nam đã nhận ra sứ mệnh của họ, chính là tạo ra nhiều tài sản, vật chất cho xã hội, giải quyết nhu cầu của con người, cống hiến cho cộng đồng thông qua công việc kinh doanh.
Chúng ta biết rằng, để một sự vật chấm dứt chẳng cần gì khác hơn là khiến nó bắt đầu. Sự nghiệp kinh doanh của của bạn cũng vậy. Hãy để cuộc đời và doanh nghiệp của bạn sẽ có một ý nghĩa nào đó bởi vì chắc chắn một ngày kia chúng sẽ chấm dứt… Phải chăng nó đã xứng đáng? Phải chăng nó là cách tốt nhất để trải qua một đời người ngắn ngủi và quý báu?