Nhận diện cách làm việc của thế hệ Z để giữ chân người tài

Theo Nhịp Sống Kinh Tế 08/05/2019 06:35

Thế hệ Z mang một phong cách làm việc hoàn toàn khác vào môi trường doanh nghiệp khiến nhiều người quản lý bị “sốc” văn hóa của giới trẻ.

Về vấn đề này, bà Bùi Hằng – Giám đốc phát triển nguồn nhân lực Appota - công ty công nghệ giải trí đã có những chia sẻ thú vị. Bà Bùi Hằng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, đào tạo, quản lý nhân sự những công ty có lượng nhân sự trẻ dưới 30 tuổi chiếm hơn 80%. Thế hệ Z (sinh từ 1996 trở về sau) cung cấp lượng lớn nhân sự cho các doanh nghiệp, mang tới luồng gió mới mạnh mẽ về phong cách làm việc, văn hóa. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm cách "hòa nhập" với thế hệ nhân sự này.

- Dựa trên kinh nghiệm và quan sát của bà, sự khác nhau giữa phong cách làm việc của thế hệ Z và các thế hệ trước như thế nào?

Đầu tiên phải công nhận thế hệ Z là một thế hệ nhân sự rất tự tin và giỏi về công nghệ, họ cảm thấy thoải mái với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Nhân sự trẻ hiện nay dùng thành thạo rất nhiều công cụ như tìm kiếm, soạn thảo văn bản, Excel, Power Point, Photoshop, quay dựng… Nếu cách đây nhiều năm, người ta vẫn nói chuyện đi xin việc phải có tiếng Anh bằng C và chứng chỉ tin học, thì giờ đây chẳng ai dùng "Chứng chỉ tin học" để làm thước đo cho kỹ năng văn phòng nữa cả.

Các bạn biết cách tự phát triển tài năng, thích tìm hiểu, khám phá. Chính vì thế sự sáng tạo và tập trung theo đuổi mục tiêu của các bạn rất tốt. Khác với các thế hệ khác trước đó, thế hệ Z không thích sự áp đặt, thích phá vỡ quy tắc, bạn gần như không thể ép họ làm việc theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào đó, đấy cũng là một thách thức không hề nhỏ các các doanh nghiệp khi sử dụng và làm việc với thế hệ này.

- Thế hệ này có những điểm mạnh và hạn chế gì trong công việc?

Cá tính và sự sáng tạo giúp họ tạo ra nhiều đột phá trong công việc. Đó là điều mà doanh nghiệp cần để tăng tính khác biệt và sự cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, họ cũng là nhóm có nhiều trải nghiệm bởi thích được dịch chuyển hoặc sớm tham gia các hoạt động tập thể, làm việc trong các doanh nghiệp từ năm thứ nhất đại học.

Thế hệ Z rất thẳng thắn, có quan điểm cá nhân, sống thực tế. Ngoài ra họ có xu hướng nhảy việc, sau một thời gian học việc, được đào tạo, tham gia các dự án, thu thập những kiến thức nhất định, đến thời điểm chín muồi, học sẽ "dứt áo ra đi" để tìm kiếm cơ hội mới. Tuy duy về "cống hiến" của họ cũng ít hơn, các thế hệ trước "sự trách nhiệm" trong công việc được đề cao và coi trọng hơn.

- Bà nghĩ sự khác nhau đó ảnh hưởng gì đến môi trường làm việc hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam?

Trường hợp, doanh nghiệp có sự phân hóa nhiều về độ tuổi, thế hệ làm việc, nó sẽ phân hóa thành các nhóm, ít sự gắn kết, rời rạc. Điều này bắt buộc các hoạt động văn hóa cũng như chế độ đãi ngộ phải được lưu ý hơn, đa dạng hơn để đảm bảo sự hài hòa nhu cầu, tính cách mỗi thế hệ. Với thế hệ Z, bản thân công ty cũng như leader sẽ cần phải đào tạo hướng dẫn, định hướng và trao cơ hội thử thách cho các bạn.

Kênh truyền thông nội bộ trong văn phòng trước đây chủ yếu dựa vào các văn bản một chiều không còn tương thích với tâm lý của nhân sự trẻ nữa. Bởi họ có nhu cầu cao trong việc tương tác, phản hồi lập tức.

- Appota và các doanh nghiệp Việt nên làm gì để có thể giữ chân các nhân sự trẻ tài năng?

Hiện tại ở Appota, chúng tôi có hơn 50% nhân viên là những bạn thuộc thế hệ Z. Chúng tôi khuyến khích nhân viên trải nghiệm để luôn khiến bản thân tươi mới, được thử thách và cảm thấy thú vị khi làm việc ở đây.

Nhiều dự án của công ty thực hiện thành công đến từ các bạn trẻ, chúng tôi cũng có chính sách thưởng nóng dựa trên hiệu quả công việc thậm chí là thưởng dựa trên ý tưởng ban đầu.

Bên cạnh đó, cách thức giao tiếp tương tác nhiều chiều trong công ty là điều Appota rất coi trọng. Chúng tôi xây dựng nhiều kênh trao đổi dựa trên mạng xã hội, các ứng dụng chat, livestream, xây dựng hệ thống truyền thông nội bộ tích cực để luồng thông tin, không khí làm việc trong công ty luôn nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng.

Điều này không chỉ để chúng tôi "chiều" nhân sự trẻ mà để tầng nhân sự lớn hơn cũng được trẻ hóa, được sôi nổi và cống hiến. Bên cạnh đó, Appota mang đến không gian làm việc cởi mở, thoải mái, văn hóa tôn trọng lẫn nhau, nơi leader dễ dàng chia sẻ, hướng dẫn nhân viên của mình, tạo điều kiện để nhân viên được "lớn", được phát triển.

Chúng tôi xây dựng công ty như một nơi vừa để làm việc, vừa giải trí, trở thành môi trường học tập và phát triển. Tôi tin rằng những doanh nghiệp bắt kịp xu hướng công ty là trường học này sẽ là nơi thu hút nhân sự thế hệ Z và giữ chân được nhân tài.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế