Ý nghĩa đằng sau tên gọi của các thương hiệu nổi tiếng
Với một số thương hiệu, đằng sau tên gọi là cả một câu chuyện...
Hầu hết khách hàng có tương tác với ít nhất một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới mỗi ngày. Tuy nhiên, không nhiều người biết ý nghĩa đằng sau tên gọi của những thương hiệu này.
Tên gọi của một công ty là một trong những thứ quan trọng nhất giúp tạo ấn tượng tốt ban đầu với khách hàng. Và tên gọi cần phải dễ nhớ và không phức tạp. Vì vậy, các công ty thường đặt tên ngắn gọn và linh hoạt. Trong một số trường hợp, các công ty sáng tạo tên như thuộc hẳn một ngôn ngữ khác, như Google, Venmo, hay Twitter. Với một số thương hiệu, đằng sau tên gọi là cả một câu chuyện.
Dưới đây là ý nghĩa đằng tên gọi của các thương hiệu lớn như Amazon, Nike, Adidas, và Pepsi, theo Business Insider.
Pepsi: Tên gọi theo thuật ngữ y học của chứng khó tiêu
Người phát minh ra Pepsi, Caleb Davis Bradham, từng muốn trở thành một bác sĩ nhưng khủng hoảng trong gia đình khiến ông phải bỏ học trường y và trở thành một một dược sĩ. Phát minh đầu tiên của ông, được gọi là "Brad's Drink", là hỗn hợp đường, nước, caramen, dầu chanh và hạt nhục đậu khấu. 3 năm sau, Bradham đặt lại tên cho thức uống mà ông cho là có thể hỗ trợ tiêu hóa này thành Pepsi-Cola, lấy cảm hứng từ thuật ngữ y học dyspepsia - có nghĩa là khó tiêu.
Google: Tên gọi đến từ lỗi phát âm
Tên gọi của Google ra đời tại một buổi học tại trường đại học Stanford. Một trong số các gợi ý được đưa ra là "googolplex" - từ để mô tả những con số lớn nhất. Cái tên "Google" được đưa ra sau khi một sinh viên vô tình phát âm sai từ này. Người sáng lập Larry Page sau đó đã sử dụng tên gọi đó để đăng ký công ty.
McDonald's: Tên người điều hành cửa hàng burger "gốc"
Raymond Kroc, người sáng lập của McDonald's, là một nhân viên bán máy lắc sữa khi ông gặp anh em Dick và Mac McDonald lần đầu tiên - những người đang điều hành một nhà hàng burger tại San Bernardino, California. Kroc đã rất ấn tượng với cửa hàng burger của anh em McDonald nên quyết định trở thành đại lý của họ và mở các cửa hàng nhượng quyền trên khắp nước Mỹ. Nhiều năm sau đó, ông mua lại quyền sử dụng tên gọi McDonald's.
Adidas: Không phải là từ viết tắt của "All Day I Dream About Soccer"
Nhiều người cho rằng Adidas là từ viết tắt của "All Day I Dream About Soccer" (cả ngày tôi mơ về bóng đá), nhưng điều này không chính xác. Tên gọi của thương hiệu thể thao này được đặt theo tên người sáng lập Adolf Dassler - người đã bắt đầu sản xuất giày thể thao sau khi trở về từ Thế chiến thứ nhất, theo LA Times. Adidas là kết hợp giữa biệt danh Adi và 3 chữ cái đầu trong họ của ông.
Rolex: Tên gọi từ lời thì thầm của một vị thần
Hans Wilsdorf, người sáng lập của Rolex, muốn đặt cho thương hiệu đồng hồ của mình một cái tên có thể nói được trong mọi ngôn ngữ. "Tôi đã cố gắng kết hợp các chữ cái theo nhiều cách", Wilsdorf nói, theo Rolex. "Với cách này, tôi có hàng trăm cái tên nhưng không cái nào mang lại cho tôi cảm giác 'đúng'". Một buổi sáng, khi đang đi dọc trên con phố Cheapside của London, một vị thần đã thì thầm vào tai tôi từ 'Rolex'".
Lululemon: Tên gọi với mục đích gây khó phát âm
Người sáng lập Chip Wilson đặt tên cho thương hiệu đồ tập yoga của mình là Lululemon bởi ông nghĩ rằng người Nhật sẽ không thể phát âm từ này. Một đại diện của Lululemon cho biết cái tên này được chọn ra từ 20 tên gọi và 20 logo bởi một nhóm 100 người.
Zara: Đổi từ tên gốc Zorba
Người sáng lập của thương hiệu Zara - Amancio Ortega ban đầu đặt tên cho công ty của ông theo bộ phim "Zorba the Greek" năm 1964. Tuy nhiên, khi Zara mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1975 tại La Coruña, tên cửa hàng bị trùng với một quán bar có tên Zorba cách đó 2 dãy phố. Ortega đã quyết định đổi tên đặt lại tên thương hiệu thành Zara để tránh bị trùng với quán bar đó.
IKEA: Không phải là một từ trong tiếng Thụy Điển
Người sáng lập Ingvar Kamprad của IKEA đã đặt tên cho công ty nội thất của mình với các chữ cái đầu trong tên ông, IK, kết hợp với các chữ cái đầu trong tên của trang trại và ngôi làng nơi ông lớn lên tại miền nam Thụy Điển: Elmtaryd và Agunnaryd.
Gap: Khoảng cách thế hệ giữa người lớn và trẻ em
Cửa hàng đầu tiên mở cửa vào năm 1969 với mục tiêu bán quần jeans chất lượng tốt. Tên gọi "Gap" ý muốn nói đến khoảng cách thế hệ giữa người lớn và trẻ em.
Nike: Tên nữ thần chiến thắng Hy Lạp
Nike được thành lập vào năm 1964 dưới tên gọi Blue Ribbon Sports và phải tới tận năm 1971 mới có tên gọi hiện tại. Nike được đặt theo tên của nữ thần chiến thắng Hy Lạp và được nghĩ ra bởi nhân viên đầu tiên của hãng thời trang thể thao này.
Amazon: Đặt tên theo dòng sông lớn nhất thế giới
Khi Amazon được thành lập vào năm 1995, người sáng lập Jeff Bezos muốn gọi cửa hàng sách trực tuyến của mình là Cadabra, theo cuốn sách của Brad Stone về công ty. Tuy nhiên, luật sư đầu tiên của Amazon, Todd Tarbert, đã thuyết phục ông rằng tên gọi đó nghe tương tự như Cadaver - có nghĩa là xác chết. Bezos cũng được cho là thích cái tên Relentless, và hiện tại khi truy cập vào trang Relentless.com, khách hàng sẽ được dẫn tới trang web của Amazon. Cuối cùng Bezos đã đặt tên cho công ty là Amazon, theo dòng sông lớn nhất thế giới và lồng ghép hình ảnh dòng sông này vào logo đầu tiên của công ty.