Hai điểm yếu cốt tử trong quản trị của doanh nhân Việt

Theo Theleader 20/06/2019 07:33

Người đứng đầu thiếu khả năng quản trị chiến lược cũng như không biết cách quản trị rủi ro là những yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó.

TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội VACD

TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội VACD

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98% trong tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn doanh nghiệp thành lập mới nhưng số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động cũng không hề ít. Như năm ngoái, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới hơn 90,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Theo TS. Nguyễn Đức Thuận, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), một tổ chức muốn lớn mạnh thì người lãnh đạo phải xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển, quản lý và đặt ra các mục tiêu để đạt được kế hoạch ấy. Việc quản trị chiến lược này bao gồm quản lý, chỉ huy và kiểm soát.

Tuy nhiên, một thực trạng đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay được ông Thuận chỉ ra là rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt không có khả năng quản trị. Trong hàng ngũ doanh nhân Việt Nam không thiếu người có tài năng, tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ rất lớn chủ doanh nghiệp hình thành theo con đường tự phát.

Cụ thể, vì gia nhập thị trường khá muộn, không có nhiều kinh nghiệm cũng như không được đào tạo bài bản nên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng quản trị còn kém.

Đáng báo động, nhiều người chỉ cần có vốn và ý tưởng liền thành lập công ty, tự làm lãnh đạo. Việc bổ nhiệm vị trí cấp cao, đặc biệt ở các công ty nhỏ, đôi khi còn dựa trên mối quan hệ thân quen mà bỏ qua yếu tố kỹ năng, kiến thức.

Người đứng đầu phải có tầm, có kiến thức về quản trị chiến lược, phải có khả năng hoạch định, xây dựng chiến lược”, ông Thuận nhấn mạnh.

Phó chủ tịch VACD chỉ ra, người làm kinh doanh ở các nước phát triển quan niệm giám đốc điều hành (CEO) là một nghề, đã là nghề thì phải có kỹ năng hành nghề. Trên thế giới, tổng giám đốc của các tập đoàn lớn đều được thuê qua quá trình thi tuyển khắt khe.

Trong khi ở Việt Nam, nhiều người quan niệm CEO chỉ đơn thuần là một vị trí, chức vụ mà không nhận thức được vai trò to lớn của một người lãnh đạo có năng lực.

Ông Thuận nhấn mạnh: “Cần phải nhớ rằng giám đốc là một nghề, không có kỹ năng hành nghề thì không bao giờ làm tốt được. Phải biết đọc báo cáo tài chính, sắp xếp nhân sự đúng vị trí, ra quyết định đúng thời điểm, khi ký một hợp đồng phải lường trước nếu tranh chấp xảy ra thì sẽ được và mất cái gì”.

Các tiêu chuẩn của một CEO theo quan niệm của Đại học Harvard được vị lãnh đạo này nêu ra bao gồm: có phẩm chất đạo đức, có kiến thức pháp luật, có kỹ năng sử dụng con người, có tố chất của người làm thủ lĩnh, khả năng đối ngoại, có kiến thức về nghề nghiệp và lĩnh vực hoạt động.

Trong một lần đứng lớp cho một khoá đào tạo gồm học viên là các CEO, tôi hỏi có bao nhiêu người ở đây hội tụ đủ những tố chất này, con số thu về chỉ ở khoảng 10%”, ông Thuận kể lại.

Do khả năng quản trị chiến lược còn kém để từ đó xác định tầm nhìn và mục tiêu, nhiều CEO cũng có nguy cơ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn, thậm chí phá sản khi không có khả năng quản trị rủi ro.

Từng làm lãnh đạo một doanh nghiệp quân đội, ông Thuận kể lại, có một thời kỳ Việt Nam có nhu cầu cao nhập các vật tư, hoá chất từ Trung Quốc để sản xuất công nghiệp. Hai yếu tố cần lưu ý khi nhập khẩu từ Trung Quốc là biến động tỷ giá và chất lượng hàng hoá không ổn định, tuỳ từng chuyến hàng.

Để tránh rủi ro thứ nhất, ông Thuận đã quyết định mua bảo hiểm tỷ giá. Đối với rủi ro thứ hai, ông yêu cầu phải có biên bản xác nhận nghiệm thu chất lượng của người sử dụng với nhà cung cấp. Nhờ quản trị rủi ro tốt, ông đã tiết kiệm được cho công ty khoảng vài chục tỷ đồng.

Lãnh đạo của doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có khả năng lường trước được những rủi ro có thể xảy ra và đưa ra các phương án, biện pháp khống chế, kiểm soát và tránh được thiệt hại cho doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VACD khuyến cáo.

Ông cũng cho rằng Chính phủ cần có chính sách đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân có kỹ năng quản trị một cách bài bản, qua đó giúp nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế đất nước nói chung.

Theo Theleader