Cạnh tranh nhân lực hàng không: Bài toán cần lời giải
Không chỉ thiếu nhân lực phi công người Việt đáp ứng nhu cầu cho các hãng hàng không, ngay nhân lực của Cục Hàng không để giám sát hoạt động này cũng thiếu.
Thời gian qua, do sự phát triển nóng của ngành hàng không, đặc biệt là sự ra đời của một số doanh nghiệp vận tải hàng không nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các hãng hàng không về nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công và nhân viên kỹ thuật tàu bay.
Chưa thể đào tạo độc lập
Có thể thấy, mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời, hay khi một lô máy bay mới được bàn giao cho phía Việt Nam, câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không lại diễn ra căng thẳng. Đặc biệt với phi công người Việt. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Tuy vậy, hiện việc đào tạo phi công trong nước gặp không ít khó khăn, vướng mắc ngay từ luật, khi Luật Hàng không chủ yếu quy định về khai thác hàng không thương mại, các chính sách, quy định cho đào tạo phi công chưa đầy đủ, rõ ràng, hay tạo điều kiện cho phát triển…
Nội dung này đã được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thừa nhận trong báo cáo lên Bộ GTVT ngày 24/6 về nhân lực ngành hàng không. Theo Cục Hàng không, hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập (phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài) do hệ thống chính sách đào tạo nhân lực hàng không vẫn còn những bất cập và chưa tạo được động lực đủ mạnh để người sử dụng lao động, người lao động quan tâm.Có thể thấy, mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời, hay khi một lô máy bay mới được bàn giao cho phía Việt Nam, câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không lại diễn ra căng thẳng. Đặc biệt với phi công người Việt. Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Tuy vậy, hiện việc đào tạo phi công trong nước gặp không ít khó khăn, vướng mắc ngay từ luật, khi Luật Hàng không chủ yếu quy định về khai thác hàng không thương mại, các chính sách, quy định cho đào tạo phi công chưa đầy đủ, rõ ràng, hay tạo điều kiện cho phát triển…
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có không ít đề án mở trường đào tạo phi công dân dụng, đào tạo huấn luyện bay thực hành trong nước. Đề án đầu tiên triển khai từ những năm 1995. Tuy nhiên, tới nay dù một số tàu bay huấn luyện đã nhập về, nhưng chưa thể cất cánh, do vướng quy định. Chỉ duy nhất Trường phi công Bay Việt (thuộc Bộ GTVT) đào tạo được một phần lý thuyết trong nước, còn phần thực hành bay vẫn phải ra nước ngoài.
Trong khi chưa thể tự chủ đào tạo thì Cục Hàng không cho biết, dự kiến nhu cầu phi công cho các hãng hàng không tính đến năm 2020 đang thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kỹ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kỹ thuật viên và 5 năm tới, ngành hàng không sẽ cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kỹ thuật.
Không chỉ thiếu nhân lực phi công người Việt đáp ứng nhu cầu cho các hãng hàng không, ngay nhân lực của Cục Hàng không để giám sát hoạt động này cũng thiếu.
Điển hình là hồi tháng 4 vừa qua, khi một hãng hàng không xin được tăng số lượng tàu bay khai thác từ 10 chiếc lên 40 chiếc trong năm 2019, Cục Hàng không đã phải “kêu khó”, khi nhân lực giám sát an toàn của cơ quan này chỉ đủ giám sát 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Nếu tăng thêm 40 chiếc nữa, sẽ vượt quá năng lực giám sát 21 chiếc.
Ngoài ra, máy bay mới liên tục được các hãng hàng không mua sắm, với công nghệ thay đổi, yêu cầu phải đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý với đội ngũ cán bộ công chức của Cục Hàng không. Tuy nhiên, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động này rất thiếu và hạn hẹp.
Cơ quan này cho hay, tới năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn. Thế nhưng, thay vì tăng thêm người, thì hằng năm Cục Hàng không đang phải thực hiện tinh giảm biên chế theo chủ trương chung. Thậm chí, hiện Cục Hàng không đang đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám, khi một số nhân sự giỏi liên tục nhận được lời mời từ các hãng hàng không, với các chế độ đãi ngộ vượt trội.
Kỳ vọng vào sự tham gia của khối tư nhân
Trong báo cáo của Bộ GTVT trình lên Chính phủ ngày 11/7, Bộ GTVT cho biết, nguồn nhân lực hiện tại đang đáp ứng được quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không hiện nay. Tuy nhiên, do đang có sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực giữa các hãng hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân viên kỹ thuật dẫn đến hoạt động khai thác của các hãng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm, huỷ chuyến.
Do đó, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã và đang thực hiện giám sát để đảm bảo nguồn lực hiện có của các hãng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn hàng không khi thực hiện các chuyến bay.
Về giải pháp, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không cần phải tiếp tục củng cố các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận, đảm bảo duy trì và nâng cao năng lực đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hẹp, chuyên sâu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nhân lực ngành hàng không nhằm khai thác tối đa nguồn lực từ bên ngoài; áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quốc tế để đánh giá năng lực, chất lượng của các trung tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hàng không.
Đặc biệt, Bộ GTVT cũng đề xuất lên Chính phủ giải pháp về việc cần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức xây dựng, tổ chức đào tạo huấn luyện nhân viên kỹ thuật tàu bay và người lái tàu bay nhằm tạo ra nguồn cung ứng nhân lực cho ngành hàng không. Xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực phi công người Việt Nam bên cạnh việc xây dựng cơ chế quản lý nguồn lực phi công nước ngoài nhằm đáp ứng hoạt động khai thác tại Việt Nam được đúng luật, đảm bảo an toàn và ổn định.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh về giải pháp sẽ phê duyệt kế hoạch bổ sung biên chế hằng năm với giám sát viên tàu bay; triển khai kịp thời việc thuê giám sát viên bay, giám sát viên đủ điều kiện bay.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về lĩnh vực hàng không diễn ra tháng 6 vừa qua. Thủ tướng giao Bộ GTVT có biện pháp quản lý để phát triển hàng không tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực.
Việc thành lập mới, hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không; năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách; khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay…); và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không. Đồng thời, các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ…
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã rất nhanh nắm bắt được sự cần thiết về nhân lực hàng không. Có thể kể đến như việc Tập đoàn Vingroup thông báo đã ký thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy (Canada) để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và kỹ thuật viên tàu bay. Dự kiến, các trường này sẽ tuyển sinh trong tháng 8 tới.
Hãng hàng không Vietjet Air cũng cho biết sắp tới sẽ tự chủ được việc đào tạo nhân lực cho hãng hàng không của mình, hạn chế việc thuê phi công nước ngoài như hiện nay.