Lãnh đạo độc đoán hay dân chủ?
Đi theo số đông, chúng ta chỉ có sự quân bình. Người lãnh đạo xuất chúng là người biết khi nào nên đi ngược lại ý kiến của tất cả mọi người.
Cuối cùng, sau gần 30 năm cống hiến, Jony Ive - nhà thiết kế những iMac, iPod, và iPhone cách mạng - đã rời Apple, chính thức chấm dứt kỷ nguyên của những “kẻ độc đoán” tại công ty có giá trị vốn hoá lớn thứ hai thế giới hiện tại này.
Quan điểm lãnh đạo đối lập
Ban đầu, Jony Ive vốn không phải là một nhà thiết kế công nghiệp, càng không phải là một nhà thiết kế nổi tiếng. Trước khi gia nhập Apple, ông chỉ là một người thiết kế đồ nội thất tầm trung ở London. Ông gia nhập Apple năm 1992, tham gia vào một số hoạt động thiết kế nhưng không để lại ấn tượng gì nổi bật.
Steve Jobs quay trở lại Apple năm 1997 trong tình cảnh công ty bên vực phá sản, với tầm nhìn muốn tạo ra một cuộc cách mạng trong thiết kế sản phẩm.
Steve Jobs tình cờ gặp Jony Ive, và ngay lập tức trao cho ông chức Phó chủ tịch cấp cao Thiết kế kiểu dáng công nghiệp, cho ông toàn quyền quyết định thiết kế của các sản phẩm mới, và chỉ phải báo cáo trực tiếp với chính Steve Jobs.
“Anh ấy không chỉ là một nhà thiết kế. Đó là lý do tại sao anh ấy làm việc trực tiếp với tôi. Anh ta có nhiều quyền lực hơn bất kỳ ai khác tại Apple ngoại trừ tôi. Không ai có thể nói cho anh ta biết nên làm gì, hay cản trở công việc của anh ấy. Đó là cách tôi muốn mọi thứ phải diễn ra”, ông Steve Jobs chia sẻ.
Một quyết định rất khó hiểu như chính con người của Jobs. Một quyết định đi ngược lại mọi lý thuyết quản trị và mọi quy trình đề bạt. Một quyết định chỉ có thể được đưa ra bởi một người độc đoán như Steve Jobs.
Cả Steve Jobs và Jony Ive đều là những “thiên tài cô độc”. Họ có tầm nhìn riêng của mình, họ bảo thủ, không nghe lời ai, khi có ai đó dám thách thức tầm nhìn của họ, họ sẵn sàng dành cả mạng sống của mình để đáp trả lại. Họ là những người ra quyết định duy nhất và cuối cùng. Steve Jobs và Jony Ive là đại diện cho tinh thần của Apple thời đại trước - thiên tài, lập dị, đi trước thời đại và không thể đoán được.
Sau khi Jony Ive rời đi, Apple thay thế vị trí của ông bằng 2 người phối hợp nhau làm việc. Và 2 nhân sự mới này không báo cáo trực tiếp cho Tim Cook, mà phải báo cáo thông qua Giám đốc vận hành (COO). Một động thái ngược lại hoàn toàn triết lý trước đây của Steve Jobs.
Bàn luận về sự ra đi của Jony Ive, Tim Cook cũng khẳng định rằng không một người nào tại Apple có quyền quyết định mọi thứ: “Những quyết định quan trọng nhất đều phải có sự tham gia của một vài người, đó là cách chúng tôi vận hành”. Một câu hoàn toàn ngược lại so với câu nói thuở nào của Steve Jobs.
Lựa chọn phong cách lãnh đạo
Có thể nói, Tim Cook là tất cả những gì mà chúng ta kỳ vọng cho một vị lãnh đạo thời hiện đại: tốt nghiệp đại học Harvard danh giá, cứu Apple bằng việc di cư khâu sản xuất sang Trung Quốc, xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ cho công ty, đưa “Táo khuyết” trở thành công ty có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới trong 21 quý liên tiếp, quan trọng hơn hết là sự dân chủ trong việc ra quyết định và được mọi người yêu mến.
Trong khi, Steve Jobs là sự ngược lại của tất cả những điều trên, là đại diện cho một gã bảo thủ thời đại trước: Độc tài, bị ám ảnh bởi sự hoàn mỹ của sản phẩm mà bỏ qua mọi khía cạnh khác trong kinh doanh, R&D quá mức cần thiết, là nỗi khiếp đảm của nhân viên.
Nhưng đó cũng là lý do Steve Jobs cùng Jony Ive đạt đến đỉnh cao, cho ra đời những sản phẩm “thay đổi thế giới” như iPod, iPhone. Điều đó cho thấy, đôi khi, sự độc đoán lại là con đường dẫn đến những thứ vĩ đại.
Như Plato từng viết rằng: Một nguời nắm quyền là tốt nhất và cũng là tồi tệ nhất, vài người nắm quyền thì bớt tốt hơn và bớt xấu hơn, còn nhiều người nắm quyền thì ít tồi tệ nhất nhưng cũng chẳng có gì tốt.
Sự độc đoán là con dao 2 lưỡi, nếu người độc đoán chưa đủ tài, sẽ dẫn đến cuộc chia ly giữa Jobs và Apple năm 1985. Nhưng khi đã đủ tài, sự độc đoán của Steve Jobs đã biến những sản phẩm điện tử gia dụng của Apple thành những tác phẩm nghệ thuật tỷ người si mê.
Sự dân chủ, tuy có thể mang lại sự đồng lòng, cũng như giảm thiểu rủi ro do sai lầm cá nhân, nhưng chắc chắn không thể đạt được đỉnh cao như những gì sự độc đoán có thể mang lại.
Apple thời nay được vận hành bài bản, có những nhân viên hài lòng, đạt hết thành công này đến thành công khác. Nhưng ai đã từng trải qua Apple thời Steve Jobs mới thấy Apple hiện nay vẫn thiếu một cái gì đó, một sự điên rồ và bùng nổ của Jobs. Apple thời Jobs như là một tôn giáo của giới trẻ, Apple thời nay… ừm thì là một công ty tốt.
Vậy tại sao Tim Cook không đi theo triết lý của Steve Jobs? Bởi vì Tim Cook không giống Steve Jobs, có lẽ Tim biết phong cách của Jobs, chỉ có Jobs mới theo đuổi được. Để theo đuổi phong cách độc đoán, theo nghĩa tốt, một người lãnh đạo phải vừa có năng lực vừa có cá tính. Nếu không, lãnh đạo theo phong cách dân chủ là một sự lựa chọn thông minh.
Apple hiện nay không có một thiên tài nào đủ khả năng sử dụng sức mạnh của độc đoán. Tim Cook bắt buộc áp dụng phong cách dân chủ. Và ông cũng đã thành công với lựa chọn của mình - không ai có thể chối bỏ những gì ông đã làm được với Apple hiện tại.
Độc đoán và dân chủ không tuỳ theo ý thích. Độc đoán và dân chủ tuỳ theo cá tính và năng lực của người lãnh đạo. Vậy phong cách lãnh đạo của bạn là gì?