Nhãn hàng hóa còn là vấn đề đạo đức và văn hóa
Chính phủ cần ban hành một Nghị định chung về ghi nhãn hàng hóa hoặc đề xuất Quốc hội ban hành một văn bản luật về vấn đề này.
Sau nghi vấn Công ty Asanzo dán nhãn “Made in Vietnam” cho các mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc, dư luận đã dậy sóng và thậm chí các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng để làm rõ bản chất hàng hóa của Asanzo là hàng gì. Tuy nhiên, vẫn có quan điểm khác cho rằng Asanzo không vi phạm pháp luật.
Chúng ta đang đối mặt vấn đề gì trong lĩnh vực quản lý việc ghi nhãn hàng hóa?
Câu chuyện liên quan đến Công ty Asanzo rất có ích ở chỗ nó cho chúng ta thấy một thực tế rằng sau nhiều năm thực hành kinh tế thị trường và ký kết nhiều hiệp định về tự do thương mại và hội nhập kinh tế, cả nhận thức và quy định pháp lý về một vấn đề nhạy cảm là ghi nhãn hàng hóa vẫn chưa hoàn chỉnh.
Căn cứ vào luật hiện hành, chúng ta đang có hai văn bản pháp luật gần gũi và có liên quan nhất là Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa và Nghị định 31/2018 về xuất xứ hàng hóa, do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương xây dựng cho các mục tiêu khác nhau và tách biệt.
Văn bản về nhãn hàng hóa chỉ coi đó là các thông tin có tính chỉ dẫn cho người tiêu dùng về giá trị sử dụng và chất lượng sản phẩm, trong khi văn bản về xuất xứ hàng hóa lại chỉ nhằm xác định các tiêu chí để đi qua hàng rào thuế quan tại cửa khẩu mỗi nước nhập khẩu theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, nếu tạm để vấn đề sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa sang một bên thì vẫn còn một khía cạnh khác rất quan trọng chưa được đề cập và xử lý, đó là cách thức ghi nhãn hàng hóa thế nào để cho nó có khả năng tiếp thị tốt nhất trên thị trường xét theo quan điểm kinh doanh. Thực chất, khía cạnh này liên quan đến pháp luật về quảng cáo sản phẩm và cạnh tranh tự do, công bằng giữa các doanh nghiệp.
Có một câu hỏi thú vị được đặt ra: Trong bối cảnh của hoạt động kinh doanh thương mại theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu như một tất yếu thì ai cũng biết rằng hầu hết các sản phẩm, hàng hóa không thể do một nơi và một người sản xuất. Vậy thì việc ghi nhãn “Made in Vietnam” hay ở đâu đó, chẳng hạn như trường hợp của Asanzo, sẽ có ý nghĩa gì? Ở đây không chỉ bàn đến đòi hỏi về sự cung cấp thông tin trung thực đến từ phía cơ quan quản lý hay người tiêu dùng, mà còn cả sự khôn khéo tới mức nghệ thuật của nhà sản xuất và bán hàng.
Trước hết, nhà sản xuất hay bán hàng phải hiểu cũng như biết chiều và lựa theo thị hiếu của người tiêu dùng. Thị hiếu này khác nhau tùy theo mặt hàng và thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, nếu là hàng mỹ phẩm cao cấp cho phụ nữ mà lại ghi “Made in Vietnam” thì có lẽ sẽ khó bán cho chị em, thay vào đó việc ghi nhãn sẽ tìm cách ám chỉ rằng đó là hàng ngoại nhập từ các nước phát triển. Còn hiện nay, trong khi nhiều sản phẩm của Trung Quốc đang bị coi là rẻ tiền và kém chất lượng, thậm chí so với hàng Việt Nam, thì đang có xu hướng truyền thông tới người tiêu dùng thông qua nhãn hàng rằng mặt hàng được bán chính là hàng nội.
Thứ hai, sự nhạy bén của nhà sản xuất và bán hàng còn được nâng lên ở mức nhạy cảm chính trị. Chẳng hạn, một khi có sự đối đầu hay xung đột giữa hai quốc gia đang có giao thương về kinh tế - thương mại, để thể hiện lòng yêu nước, người dân của một nước sẵn sàng tẩy chay hàng hóa của nước kia chỉ bằng một cách đơn giản là xem các dấu hiệu về xuất xứ ghi trên nhãn hàng.
Thứ ba, ở nhiều nước và ngay tại Việt Nam, Chính phủ có thể ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng hàng nội. Thậm chí, đối với các dự án mua sắm cụ thể, chủ đầu tư cũng có thể đặt ra yêu cầu có một tỷ lệ hàng hóa nhất định có nguồn gốc nội địa. Đó là chưa nói tới việc áp dụng các ưu đãi về thuế mà Chính phủ Việt Nam đã từng áp dụng nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài sử dụng sản phẩm, hàng hóa cho xây dựng cơ bản thay thế hàng nhập khẩu. Để tranh thủ hưởng lợi từ các chính sách này, nhà sản xuất và bán hàng cũng có thể tìm cách ghi nhãn “Made in Vietnam” cho hàng hóa của mình.
Với ý nghĩa như vậy, rõ ràng là việc cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu không có các nguyên tắc, quy chuẩn hay chế tài để áp dụng và xử lý đối với các hành vi ghi nhãn hàng hóa gắn với động cơ không lành mạnh để lạm dụng và trục lợi.
Thế giới xử lý vấn đề này như thế nào?
Chúng ta có cả chính sách và phong trào khuyến khích và tôn vinh “Thương hiệu Việt” hay thậm chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Có thể nói những tên gọi đó nghe rất hay nhưng e rằng mang tính động viên chính trị hơn là tạo ra ý nghĩa thiết thực và sự có ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bởi không thể tôn vinh cái gì mà không ai biết nó là gì cụ thể theo cách hiểu và đánh giá của chính họ.
Các nhãn hàng hóa, về cơ bản, được quy định và giám sát chặt chẽ nhất ở mọi quốc gia, dù có thể được gọi tên hay sử dụng kèm hình ảnh khác nhau, thường bao gồm “Made in...” (sản xuất tại...) và “Product of...” (sản phẩm của...). Theo đó, sản phẩm “Product of...” buộc phải có ít nhất 98% hàm lượng giá trị trực tiếp được tạo ra ở nước liên quan, trong khi đối với sản phẩm “Made in...”, yêu cầu về giá trị tương ứng thường ở mức thấp hơn, chỉ khoảng trên 50%.
Điều đáng nói là các nước đề ra tiêu chí phân loại rất đơn giản và dễ hạch toán, đó là giá trị trực tiếp, thay cho các định nghĩa phức tạp về kỹ thuật. Tại sao? Bởi đối với các chính phủ, quan tâm hàng đầu là việc làm và thu nhập của người dân.
Anh nói hàng hóa của anh làm ở trong nước, tuy nhiên người lao động của nước anh chỉ hưởng một chút thu nhập trong đó thì sao gọi đó là hàng nội được ? Đồng thời, nếu người tiêu dùng do lòng yêu nước mà mua hàng nội thì đó không phải vì chính phủ hay doanh nghiệp mà chính vì các lợi ích mang lại cho người dân lao động trong nước.
Bên cạnh hai nhãn hiệu cơ bản nói trên, pháp luật các nước cũng có quy định cụ thể về các nhãn hàng hóa khác, có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn “Assembled in...” (lắp ráp tại...) hay thậm chí lắp ráp hay chế biến bao nhiêu phần trăm tại..., “Designed in/by...” (thiết kế tại hay bởi...), “Trademark of...” (thương hiệu của...)...
Nói chung, bởi việc gắn nhãn rất nhạy cảm cho việc tiếp thị hàng hóa cũng như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, các quy định pháp luật của các nước đều cụ thể, vừa dễ thực hiện đối với doanh nghiệp, vừa dễ kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
Việt Nam có thể học được gì từ thế giới để giải quyết vấn đề của mình khi mà rất nhiều sản phẩm vẫn chỉ là gia công, lắp ráp?
Chúng ta cần phải có tư duy và cách tiếp cận thực chất và thực tế trong vấn đề này. Thực chất đòi hỏi đánh giá có tính khách quan. Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, về cơ bản Việt Nam vẫn là một quốc gia gia công, lắp ráp, do đó tham vọng có nhiều sản phẩm này mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” hay “Product of Vietnam” theo đúng thông lệ quốc tế chưa phù hợp.
Tuy nhiên, vấn đề hoàn toàn khác đối với các sản phẩm nông nghiệp và chế biến. Do đó, việc định ra các nhãn hiệu đa dạng và tương thích đối với các sản phẩm khác nhau mà Việt Nam đang có theo hướng phản ánh thông tin trung thực về nguồn gốc và quy trình tạo ra sản phẩm là quan trọng và cần thiết.
Trong nhiều năm qua, chúng ta có cả chính sách và phong trào khuyến khích và tôn vinh “Thương hiệu Việt” hay thậm chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Có thể nói những tên gọi đó nghe rất hay nhưng e rằng mang tính động viên chính trị hơn là tạo ra ý nghĩa thiết thực và sự có ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi không thể tôn vinh cái gì mà không ai biết nó là gì cụ thể theo cách hiểu và đánh giá của chính họ.
Do đó, bên cạnh hai nghị định điều chỉnh các vấn đề riêng rẽ như đã nói, hoặc Chính phủ cần ban hành một Nghị định chung về ghi nhãn hàng hóa hoặc đề xuất Quốc hội ban hành một văn bản luật về vấn đề này. Mục tiêu của văn bản đó là quy định cụ thể và chi tiết về các vấn đề liên quan đến ghi nhãn và cung cấp thông tin trên bao bì sản phẩm và hàng hóa, không chỉ thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, kinh doanh hay pháp lý mà còn cả đạo đức và văn hóa dân tộc.
(*) Thành viên NHQuang & Associates
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam