Sai lầm phổ biến của doanh nghiệp nhỏ trong quản lý nhân viên
Các ông chủ doanh nghiệp nhỏ thường sẵn sàng hy sinh nhu cầu cá nhân để cống hiến sức lực và thời gian hướng tới sự thành công của công ty.
Họ không ngần ngại thức khuya, dậy sớm, làm việc ngoài giờ thường xuyên để giải quyết các công việc của công ty.
Và họ thường nghĩ rằng nhân viên của mình cũng sẽ sẵn sàng hy sinh cho công việc chung của doanh nghiệp. Đây chính là một quan niệm sai lầm trong quản lý nhân viên ở các doanh nghiệp nhỏ. Theo các chuyên gia, các ông chủ doanh nghiệp nhỏ còn mắc phải một số sai lầm phổ biến khác sau đây trong quản lý nhân sự…
1. Muốn nhân viên đối xử với mình như người trong gia đình
“Công ty chúng ta nhỏ nên mọi người phải như các thành viên trong một nhà”. Đó là suy nghĩ phổ biến của những người chủ doanh nghiệp nhỏ và điều này nghe có vẻ rất lý tưởng. Nhưng ít người chú ý rằng gia đình nào cũng thường có một, hai thành viên “có vấn đề”.
Chủ doanh nghiệp có thể quan niệm rằng bằng cách đối xử với các nhân viên của mình như “người trong nhà”, nhân viên sẽ làm việc tận tâm tận lực cho doanh nghiệp vì họ sẽ nghĩ mọi người cũng làm việc vì mình.
Thế nhưng, thực tế cho thấy các nhân viên lại không thích được đối xử như những người trong gia đình. Những điều cơ bản nhất mà các nhân viên mong muốn là có một mức lương cao, tiền thưởng khá và tồn tại ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân. Họ không muốn bị sếp gọi vào lúc nửa đêm hay phải tham dự những bữa tiệc có tính bắt buộc.
2. Áp dụng chính sách “Vào sau thì ra trước” trong sử dụng nhân sự
Khi hoạt động của hệ thống doanh nghiệp gặp khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đối diện với vấn đề cắt giảm nhân sự và họ thường áp dụng chính sách chỉ giữ lại những nhân viên có thâm niên làm việc lâu nhất, chứ không phải những nhân viên có đóng góp hay tạo ra nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải thay đổi quan niệm này và nên giữ lại những nhân viên giỏi nhất khi gặp khó khăn.
3. Không quan tâm đúng mức đến Luật Lao động
Chủ các doanh nghiệp nhỏ có tổng số nhân viên dưới 50 người thường hay mắc phải sai lầm này. Chủ doanh nghiệp nghĩ rằng công ty mình quá nhỏ nên các cơ quan quản lý sẽ không để ý đến hoặc các nhân viên sẽ không bao giờ phản bội chủ. Chính suy nghĩ này đã khiến không ít doanh nghiệp nhỏ bị xóa sổ trên thị trường khi bị thua trong các vụ kiện vi phạm Luật Lao động.
4. Thích tuyển dụng bạn bè và người thân
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ cho rằng họ chỉ tuyển dụng những người mà chính họ tin tưởng. Điều này cũng chẳng có gì là sai nếu người được tuyển dụng thật sự phù hợp với công việc.
Nhưng nếu những nhân viên “người nhà” ấy không phù hợp với công việc thì việc sa thải họ sẽ gặp nhiều rắc rối và ảnh hưởng xấu đến quan hệ cá nhân của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, theo các chuyên gia, nên “bất vị thân” trong vấn đề tuyển dụng nhân sự và áp dụng tiêu chí hàng đầu là “đúng người, đúng việc”.
5. Không sa thải ngay các nhân viên có vấn đề
Sa thải nhân viên là việc rắc rối và khó khăn cho người chủ doanh nghiệp, thậm chí có người chủ chẳng muốn nhìn thấy nhân viên mà mình không muốn sử dụng nữa mà vẫn không thể sa thải người ấy ngay.
Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp phải kiên quyết xử lý những nhân viên có vấn đề, nhưng phải làm theo đúng Luật Lao động để nhân viên bị sa thải không thể kiện tụng hoặc tìm cách làm hại chủ doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, tránh ảnh hưởng xấu đến các nhân viên khác cũng như khách hàng.
Khi một nhân viên có vấn đề, nên lập các biên bản vi phạm cần thiết, ra văn bản khuyến cáo và sau đó thực hiện các thủ tục buộc người đó thôi việc. Không nên kéo dài thời gian bằng các biện pháp tình thế như không giao việc và nghĩ rằng bản thân anh ta sẽ cảm thấy chán nản và tự rút lui.