"Bí quyết" chọn đại sứ thương hiệu du lịch
Travel Influencer (những người ảnh hưởng trong cộng đồng du lịch) được ví như “đại sứ” thương hiệu giúp các DN lữ hành truyền tải thông điệp nhanh nhất, trọn vẹn nhất đến các khách hàng của mình.
Công cụ marketing tự nhiên đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lữ hành lựa chọn. Travel influencer- công cụ sử dụng những người ảnh hưởng (influencer), đang được xem là hình thức marketing hiệu quả theo xu hướng này.
Công cụ marketing huyền bí
Manh nha xuất hiện vào những năm 1920 với sự thành công của chiến dịch “Những người phụ nữ thắp lên ngọn lửa tự do” do ông tổ Edward Bernays ngành Public Relations (PR) thực hiện cho công ty thuốc lá American Tobacco, Influencer Marketing chủ yếu tập trung vào những người nổi tiếng. Sau đó, nhờ sự phổ cập của Internet và mạng xã hội, Influencer Marketing đã mở rộng ra nhiều đối tượng hơn, được phân loại cho các nhóm ngành riêng như thực phẩm, làm đẹp, du lịch,… Trong đó, ngành du lịch được hưởng lợi lớn nhất từ công cụ marketing huyền bí này.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, Travel influencer được các doanh nghiệp sử dụng nhiều thông qua hình thức đưa nội dung vào các kênh truyền thông của các influencer, trở thành “đại sứ” thương hiệu giúp các doanh nghiệp du lịch truyền tải thông điệp nhanh nhất, trọn vẹn nhất, mang lại hiệu quả truyền thông cao với chi phí thấp hơn quảng cáo.
“Ở Việt Nam hiện có một nhóm khoảng 10 influencer đang “chạy đua” cán mốc đi tới 100 quốc gia. Trong đó có thể kể tới những cái tên như Nguyễn Hoàng Bảo - Thầy giáo ngành du lịch với trải nghiệm du lịch trên 80 quốc gia, hay Nhà văn Nguyễn Đông Thức hoặc các nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những chuyến du lịch hấp dẫn ở Châu Âu, Địa Trung Hải… cùng những bài viết có giá trị”, Chuyên gia Võ Văn Quang cho biết.
Các Influencer nổi tiếng sở hữu lượng người hâm mộ khủng, nhờ vậy mỗi bài chia sẻ về chuyến đi của
họ sẽ kích thích những người theo dõi tìm hiểu thông tin về điểm đến du lịch. Điều này góp phần quan trọng vào việc đưa ra quyết định đi du lịch của khách hàng.
“Lung lay” niềm tin
Nhờ vào lượng người theo dõi cao ngất ngưởng như vậy, các travel influencer vô hình trung trở thành “sao hạng nặng” trong giới lữ hành và được khá nhiều các hãng du lịch săn đón và mời làm đại sứ thương hiệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh niềm tin của khách hàng dành cho các influencer đang có dấu hiệu “lung lay” thì việc lựa chọn influencer trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp lữ hành.
Theo báo cáo mới nhất của InfluencerDB, tỷ lệ tương tác của những hot boy, hot girl, blogger, fashionista… trên mạng xã hội đang có chiều hướng đi xuống. Số liệu này được dựa theo tương quan so sánh số lượng người theo dõi với số lượt thích, bình luận trên các fanpage của các influencer.
Cụ thể, tỷ lệ này giảm xuống mức 2,4% trong giai đoạn đầu năm 2019, so với con số 4% tại cùng thời điểm của 3 năm trước. Các bài đăng thông thường cũng chứng kiến mức giảm tương tự, từ 4,5% xuống 1,9%. Theo đó, các tài khoản sở hữu trên 10.000 lượt theo dõi có tỷ lệ tương tác trung bình ổn định ở mức 3,6% trên toàn thế giới.
Xu hướng giảm này diễn ra ở mọi nghề nghiệp phổ biến của các influencer. Tỷ lệ tương tác của các travel influencer, nhóm những người đứng đầu về mức độ phủ sóng trên Instagram, đã giảm từ 8% vào năm ngoái xuống còn 4,5% vào năm nay. Các lĩnh vực khác như làm đẹp, thời trang, thực phẩm, lối sống và thể thao cũng chứng kiến sự đi xuống tương tự. Vậy các doanh nghiệp phải cân nhắc khi lựa chọn Influencer và phối hợp như thế nào để tạo nên một chiến dịch marketing thành công?
Phối hợp sao để thành công?
Theo các chuyên gia thương hiệu, doanh nghiệp phải lựa chọn được influencer uy tín, trở thành hình mẫu độc nhất, được tin tưởng. Kiểu quảng cáo “chộp giật”, nói sai sự thật có thể khiến “đại sứ” thương hiệu bị tẩy chay.
Còn nhớ vào tháng 3 vừa qua, Yovana Mendoza – blogger 29 tuổi nổi tiếng với cuộc sống sang chảnh, du lịch khắp nơi và luôn nói về chế độ ăn uống thuần thực vật bị lộ cảnh ăn cá khiến những người theo dõi cô không khỏi phẫn nộ.
Bên cạnh độ lan truyền và tính nổi bật, những câu chuyện mà influencer đưa ra phải là trải nghiệm thực; đưa ra hình ảnh, câu chuyện giải thích hình ảnh đó để đảm bảo sự trung thực. Một nghiên cứu từ Bazaarvoice cho thấy rằng, 47% khách hàng đã mệt mỏi với nội dung của influencer xuất hiện không chính xác và 62% khách hàng tin rằng các influencer đang lợi dụng người theo dõi để kiếm tiền.
Thậm chí có những trường hợp influencer không thực sự thích và sử dụng sản phẩm của thương hiệu mà họ đang hợp tác. Nếu khách hàng có thể nhìn thấu điều này, thì cả thương hiệu và influencer đều mất uy tín. Do đó, doanh nghiệp cần hợp tác với những Influencer đã sử dụng và thích sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu trước cả khi trở thành “đại sứ” thương hiệu, hoặc ít nhất, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ hợp tác với những Influencer có kết nối xác thực với thương hiệu của họ.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng được mạng lưới Influencer uy tín. “Mạng lưới influencer của doanh nghiệp sẽ cung cấp những bài viết phù hợp theo từng địa điểm du lịch, như địa điểm du lịch hoang dã phải là influencer yêu thích du lịch trải nghiệm, địa điểm du lịch văn hoá như Hy Lạp, Ai Cập…phải là các influencer có kiến thức văn hoá vùng….”, Chuyên gia Võ Văn Quang chia sẻ.
Ngoài ra, nền tảng để triển khai phương pháp marketing này cũng là vấn đề cần được doanh nghiệp cân nhắc. Theo đó, hiện nay facebook hay Instagram là những nền tảng thể hiện được sự lan toả tốt hơn cả.