Vai trò đạo đức hành nghề trong tăng năng suất lao động
Đạo đức là vấn đề cốt lõi của một con người, nó sẽ quyết định đến sự thành công của mỗi người trong quá trình lao động.
Ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường, ông Lê Duy Tiến, Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (Liên hiệp Hội Việt Nam) có bài tham luận về vai trò của đạo đức hành nghề trong việc tăng năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh trong thị trường lao động tại diễn đàn khoa học do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức.
Dưới đây là nội dụng bài tham luận:
I. Một số khái niệm về năng suất, năng suất lao động
Theo quan niệm truyền thống: Khái niệm năng suất được hiểu là mối tương quan giữa đầu ra và đầu vào. Nếu đầu ra lớn hơn đạt được từ một lượng đầu vào giống nhau hoặc với với đầu ra giống nhau từ một đầu vào nhỏ hơn thì có thể nói rằng năng suất cao hơn.
Tuy nhiên những năm gần đây khái niệm năng suất được hoàn thiện bổ sung thêm những nội dung mới để thích ứng với tình hình kinh tế xã hội và những thay đổi của môi trường kinh doanh hiện nay, do đó khái niệm này được đưa ra trong từ điển Oxford là “Năng suất là hiệu quả của hoạt động sản xuất được đo bằng việc so sánh giữa khối lượng sản xuất trong thời gian hoặc nguồn lực được sử dụng để tạo ra nó”;
Khái niệm này theo từ điển kinh tế học hiện đại của MIT (USA) thì là “Năng suất là đầu ra trên một đơn vị đầu vào được sử dụng”. Tăng năng suất là tăng tính hiệu quả của các bộ phận vốn, lao động. Rất cần thiết phải đo năng suất bằng đầu ra thực tế, nhưng rất ít khi tách riêng biệt được năng suất của nguồn vốn và lao động.
Tổ chức hợp tác kinh tế châu Âu năm 1950 đưa ra khái niệm như sau: “Năng suất là Thương số thu được bằng cách chia đầu ra cho một trong những nhân tố sản xuất”. trong trường hợp này có thể nói về năng suất của Vốn, năng suất đầu tư hoặc năng suất của nguyên vật liệu, tùy theo việc xem xét đầu ra trong mối quan hệ với vốn, đầu tư hay nguyên vật liệu.
Do dó công thức chung nhất là: “Năng suất là tỷ số giữa đầu ra và những đầu vào được sử dụng để tạo ra đầu ra đó”, được biểu diễn chung bằng công thức toán học:
P = Tổng đầu ra/Tổng đầu vào.
Đối với các doanh nghiệp: Đầu ra được tính bằng tổng giá trị sản xuất hay giá trị gia tăng hoặc khối lượng hàng hóa tính bằng đơn vị hiện vật. Ở cấp độ vĩ mô người ta thường sử dụng GDP như đầu ra chủ yếu để tính năng suất. Đầu vào được tính theo các yếu tố đưa vào để sản xuất ra đầu ra; Đó là Nguyên vật liệu, lao động, vốn, thiết bị, năng lượng, kỹ thuật, kỹ năng quản lý; trong đó yếu tố lao động là trung tâm.
Theo cách tiếp cận mới về năng suất: Năng suất là trạng thái tư duy. Nó là một thái độ nhằm tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại, có thể chắc chắn rằng ngày hôm nay con người có thể làm việc tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Đó là những cố gắng không ngừng để thích ứng với các hoạt động kinh tế trong những điều kiện luôn luôn thay đổi và mong muốn ngày càng hoàn thiện tốt hơn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong cuốn Đo lường năng suất, đo lường tốc độ tăng năng suất tổng thể và năng suất ngành xuất bản năm 2002:
Năng suất lao động là tỉ lệ giữa đầu ra và đầu vào. Nếu đầu ra là tổng giá trị quốc nội hoặc tổng giá trị gia tăng thì đầu vào lại là giờ công lao động, lực lương lao động và số lượng lao động đang làm việc.
Công thức tính: Năng suất lao động bằng đầu ra chia cho đầu vào lao động.
Các yếu tố tác động:
- Phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư vào nguồn nhân lực làm tăng năng lực của lực lượng lao động. Cụ thể là những lao động chất lương cao sẽ có năng suất cao và ngược lại.
- Cơ cấu vốn: Đây là yếu tố giúp cho các doanh nghiệp có thể vạch ra chiến lược kinh doanh của mình.
- Tái cơ cấu nền kinh tế: Phân bổ lại các nguồn lực hợp lý sẽ dẫn đến việc các ngành kinh tế và thành phần kinh tế có năng suất cao hơn phát triển mạnh mẽ, từ đó năng suất cả nền kinh tế sẽ tăng lên.
- Tăng nhu cầu: Tăng nhu cầu là cách để tăng sử dụng sản phẩm tiềm năng. Từ đó, việc sản xuất sẽ được kích thích.
- Khoa học-công nghệ: Trình độ công nghệ cao là liều thuốc kích thích quan trọng để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
II. Những yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động, tương đương 4.118 USD/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6,05% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,72%/năm.
Tăng NSLĐ của năm 2017 cao hơn mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đưa ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.
Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng NSLĐ bình quân 3,45%/năm, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng 4,35%/năm và giai đoạn 2011-2017, tốc độ tăng NSLĐ bình quân là 4,72%/năm. Xét riêng năm 2016-2017, tốc độ tăng bình quân đạt 5,66%/năm.
Năng suất lao động của nền kinh tế chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố như:
- Môi trường kinh tế - xã hội - chính trị: Môi trường chính trị ổn định, xã hội không bất ổn là tiền đề để người lao động yên tâm công tác, tạo ra tâm lý an toàn khi lao động.
- Chính sách kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường: Chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có hướng đi đúng và kết hợp yếu tố gặp thị trường thuận lợi sẽ thúc đẩy tiêu dùng, chi tiêu, có lợi có việc sản xuất hàng hóa, từ đó tạo thêm động lực cho doanh nghiệp trả lương cao hơn cho người lao động, khuyến khích tăng năng suất lao động.
- Phát triển khoa học và công nghệ: Có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đây là yếu tố mạnh mẽ nhất làm tăng năng suất lao động. Trình độ kỹ thuật của sản xuất được biểu hiện thông qua tính năng của công cụ sản xuất, trình độ sáng chế và sử dụng các đối tượng lao động, các quá trình công nghệ sản xuất. Ngày nay, ai cũng thừa nhận máy móc hiện đại là yếu tố mạnh mẽ làm tăng năng suất lao động. Sự phát triển của lực lượng sản xuất thường bắt đầu từ sự thay đổi của công cụ sản xuất, lấy máy móc thay thế cho lao động thủ công, lấy máy móc hiện đại thay thế cho máy cũ.
- Trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, mối quan hệ lao động - quản lý: Với trình độ quản lý, tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô, tính chất của từng doanh nghiệp, từng đơn vị sẽ đẩy mạnh hợp lý hóa trong sản xuất, giảm thiểu những chi phí và các công đoạn không cần thiết, từ đó làm tăng năng suất lao động.
- Khả năng về vốn: Có số lượng vốn lớn, đồng thời có kiến thức để sử dụng vốn hiệu quả sẽ góp phần rất lớn cho tăng năng suất lao động.
- Chất lượng nguồn nhân lực: Nhân lực càng được đào tạo cẩn thận, càng được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, có kinh nghiệm, có tinh thần và đạo đức tốt thì năng suất lao động càng được cải thiện.
Chất lượng nhân lực của Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) trong khi một số nước trong khu vực như Malaysia là 5,59/10, Thái Lan là 4,94/10; Việt Nam đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực còn rất hạn chế.
III. Phát triển nguồn nhân lực và vấn đề đạo đức trong hành nghề
Theo nghĩa rộng: phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các hoạt động học tập có tổ chức được tiến hành trong những khoảng thời gian nhất định để nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động.
Theo nghĩa hẹp: phát triển là các hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc trước mắt của người lao động, nhằm mở ra cho họ những công việc mới dựa trên cơ sở những định hướng tương lai của tổ chức hoặc phát triển khả năng nghề nghiệp của họ.
Một cách định nghĩa khác: Phát triển được hiểu là quá trình làm tăng kiến thức, kỹ năng, năng lực và trình độ của cá nhân người lao động để họ hoàn thành công việc ở vị trí cao hơn trong nghề nghiệp của bản thân họ.
Phát triển xét trên phạm vi phát triển con người thì đó là sự gia tăng giá trị cho con người về cả tinh thần, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ, kỹ năng lẫn thể chất. Phát triển nguồn lực con người nhằm gia tăng các giá trị ấy cho con người, làm cho con người trở thành những người lao động có năng lực và phẩm chất cần thiết, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Về khái niệm: Đạo đức là hệ thống quy tắc chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Suy thoái kinh tế thường chỉ gây ảnh hưởng xấu trong vài năm, còn suy thoái đạo đức thì gây ảnh hưởng xấu tới nhiều thế hệ suốt hàng trăm năm, vì vậy suy thoái đạo đức chính là thứ nguy hiểm nhất đối với xã hội, nhưng lại ít người nhận ra sự nguy hiểm đó.
Nhà bác học Lê Quý Đôn nổi tiếng chỉ ra 5 nguy cơ có thể khiến các triều đại sụp đổ; đó là: 1. Trẻ không kính già (đạo đức suy đồi); 2. Trò không trọng thầy (giáo dục suy đồi); 3. Binh kiêu tướng thoái (quân đội suy đồi); 4. Tham nhũng tràn lan (quan lại suy đồi); 5. Sĩ phu ngoảnh mặt (lòng yêu nước suy đồi).
Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể; hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.
Nguyên tắc rèn luyện đạo đức và mối quan hệ với năng suất, hiệu quả và tính cạnh tranh trong thị trường lao động:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nguyên tắc đạo đức của Người: Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Trong lao động, hành nghề, đặc biệt là hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp thì ba nguyên tắc trên vẫn còn nguyên giá trị, nhất là những nguyên tắc này có tác động không nhỏ đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả của công việc.
* Nguyên tắc thứ nhất: Nói phải đi đôi với làm, luôn nêu gương về đạo đức và khách quan, công tâm.
Đối với mỗi người đều nói nhiều mà làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một nẻo thì chỉ đem lại hậu quả phản tác dụng. Việc nêu gương thì không ở lĩnh vực nào mà vấn đề nêu gương lại được đặt ra như trong lĩnh vực đạo đức. Trong gia đình: Đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy, cô giáo đối với học sinh; trong tổ chức, tập thể, Nhà nước là tấm gương của những người đứng đầu, phụ trách, lãnh đạo, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội thì đó là tấm gương của người này đối với người khác.
Trong công việc, đặc biệt là đối những việc đòi hỏi sự khéo léo, kỹ thuật thì người nói được phải làm được, không khoe mẽ, khoe khoang về kỹ năng, kiến thức hoặc nói quá về năng lực thực tế của bản thân để nhận hoặc tranh những công việc quá năng lực, dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, chậm thời gian/tiến độ của công việc hoặc công trình.
Là người kỹ sư hoặc lao động có thâm niên hơn thì làm gương cho kỹ sư trẻ, lao động mới; chỉ bảo, hướng dẫn kỹ sư trẻ, lao động mới để họ tiếp cận công việc nhanh hơn, tránh những lỗi cơ bản trong quá trình hành nghề, từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình lao động, thi công các công trình, đảm bảo tiến độ và chất lượng của công việc được giao.
Là lãnh đạo nhóm, trưởng nhóm, lãnh đạo cơ quan càng phải trau dồi đức tính nêu gương như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: "Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Phải thật thà nhúng tay vào việc". Ngoài việc giỏi về chuyên môn, kỹ thuật cần có sự khách quan, công tâm khi đánh giá năng lực của các nhân viên, kỹ sư thuộc nhóm, cơ quan mình. Việc đánh giá đúng năng lực, công tâm, khách quan trong giao việc, phân công nhiệm vụ vừa đảm bảo sự nể phục của đội ngũ nhân viên, kỹ sư trong nhóm đối với lãnh đạo, trưởng nhóm, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhân viên, đội ngũ kỹ sư và cũng vừa đảm bảo công việc sẽ được hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
* Nguyên tắc thứ hai:Xây đi đôi với chống, vận dụng linh hoạt các phạm trù đạo đức trong cuộc sống và lao động, sản xuất
Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái đạo đức và cái vô đạo đức vẫn còn đan xen nhau, đối chọi nhau, thông qua hành vi của mỗi một con người khác nhau. Thậm chí, những đan xen và đối chọi ấy còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi một con người. Do đó việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức hoàn toàn là điều không đơn giản. Để xây và chống có hiệu quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Trong cơ quan, đơn vị hay trong nhóm hành nghề kỹ sư cũng như vậy. Để hình thành nên một tập thể có đạo đức tốt đòi hỏi sự rèn luyện bền bỉ của từng cá nhân, đồng thời các cá nhân cũng phải chủ động phát hiện những hành vi được cho là không phù hợp với phạm trù đạo đức để kiên quyết loại bỏ. Tuy nhiên nếu vận áp dụng quá máy móc các phạm trù đạo đức đôi khi triệt tiêu sự sáng tạo hoặc làm cho môi trường lao động nặng nề .
* Nguyên tắc thứ ba là: Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Bởi mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Trong thực tiễn, có người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ gian khổ, hy sinh, nhưng đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, biến thành người có tội.
Đối với mỗi con người việc rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công, sinh hoạt, học tập, lao động; trong mọi mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường, đoàn thể, xã hội; từ quan hệ bạn bè đến anh em, cấp trên, cấp dưới và cả trong quan hệ quốc tế.
Nói tóm lại, đạo đức là vấn đề cốt lõi của một con người, nó không chỉ quan trọng trong gia đình hay khi ngồi ghế nhà trường mà nó sẽ quyết định đến sự thành công của mỗi người trong quá trình lao động.
Đạo đức trong hành nghề chỉ là một phạm trù nhỏ trong vấn đề đạo đức, nó cũng chỉ là một khía cạnh trong phát triển nguồn nhân lực nói chung. Tuy nhiên, đạo đức hành nghề là cái căn cốt, nó có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị hay từng nhóm lao động và nó đóng vai trò rất quan trọng trong chất lượng nguồn nhân lực.