11 người tiết lộ điều họ muốn cho sếp biết
Khi nói tới công việc, hẳn bạn cũng có điều bạn muốn cho cấp trên của mình biết.
Dù là chia sẻ những mục tiêu lâu dài hay về cách làm việc riêng của mình, việc giao tiếp với sếp có thể đem lại nhiều thay đổi tích cực đến sự nghiệp của bạn.
Chúng tôi đã hỏi 11 người liệu có điều gì họ muốn cho sếp biết không, và đây là kết quả.
Có thể bạn có những thứ bạn muốn cho sếp mình biết, đặc biệt là những điều có thể gây ảnh hưởng lớn đến năng suất làm việc của bạn, nhưng vì lý do nào đó bạn lại không nói ra.
Vì vậy mà công việc của bạn không được lý tưởng như bạn mong đợi.
“Giao tiếp hiệu quả là một yếu tố quan trọng để tạo dựng nên một mối quan hệ tốt đẹp với sếp của bạn”, Julia Rock, CEO của Rock Career Development, chia sẻ với Business Insider. “Chúng ta thường cảm thấy chán nản vì cấp trên không đáp trả hay động viên như ta mong muốn, hoặc ta cảm thấy như mình không thể làm đúng kỳ vọng của họ. Nhưng bạn cần nhớ, việc giao tiếp cần sự tham gia của cả đôi bên”.
Julia còn đưa ra ví dụ, nếu sếp không biết rõ cách làm việc của bạn ra sao (như tự quản hay chờ lệnh chẳng hạn), có thể bạn sẽ thấy bị choáng ngợp, hay bị bỏ rơi.
“Một phần trách nhiệm của một người sếp là cho bạn biết về kỳ vọng cũng như kết quả họ muốn bạn đạt được, nhưng bạn cũng có trách nhiệm cất tiếng và trực tiếp hỏi xin thứ mình đang cần”.
Chúng tôi đã hỏi một số người để tìm hiểu xem họ muốn cho cấp trên biết những điều gì. Một số đã cho phép chúng tôi dùng tên của họ, và cũng có vài trường hợp cho bí danh để bảo vệ danh tính thật của mình.
Sau đây là những điều các nhân viên muốn sếp họ biết.
“Cách tôi làm việc”
“Vào thời điểm tôi mới vào công ty, điều tôi thật sự muốn sếp phải biết chính là cách tôi làm việc”, Olga Mykhoparkina, Giám đốc marketing ở Chanty, chia sẻ với Business Insider.
“Thay vì làm trong một khoảng thời gian nhất định, cá nhân tôi cảm thấy có động lực hơn khi có deadline. Vì vậy tôi thích làm ra một danh sách, rồi hoàn thành từng cái một”.
Cô chia sẻ rằng vấn đề nằm ở chỗ có rất nhiều người phụ thuộc vào kết quả làm việc của cô, và họ chọn cách làm việc ở công ty từ 9g sáng tới 5g chiều, nên tất cả phải đồng nhất với nhau.
“Nếu có ngày tôi thành lập công ty của riêng mình, nhất định tôi sẽ đặt giờ làm việc linh hoạt”, Olga nói, “Nhưng tôi cũng hiểu cách này sẽ không hợp với tất cả mọi người”.
Shayne Sherman, CEO của TechLoris, cũng chia sẻ với Business Insider rằng anh cũng từng muốn cấp trên của mình biết cách khiến anh ấy làm việc với năng suất cao nhất có thể.
“Chúng ta ai cũng có cách làm việc năng suất khác nhau, nên tôi luôn cảm thấy kiểu “hợp với một người sẽ hợp với tất cả” mang lại nhiều thiếu sót”.
Anh chia sẻ rằng, dù đó là cách hiệu quả nhất với nhân viên, không có nghĩa nó cũng hiệu quả với chính anh ấy.
“Tôi đã thừa biết nó gây ảnh hưởng xấu đến khả năng làm việc của mình, và tôi không thích điều đó tí nào”, Shayne bảo, “Vì vậy mà gần đây tôi luôn tìm tới nhân viên của mình và hỏi xem liệu cách nào sẽ giúp họ trở nên năng suất nhất. Thật sự không có gì tệ hơn việc phải sử dụng một phương pháp hợp với tất cả mọi người, nhưng lại cản trở chính bạn”.
“Tôi là một người hướng nội”
David Pipp, một blogger chuyên viết về tài chính cá nhân và lối sống tiết kiệm ở LivingLowKey.com, cũng là trưởng giám sát sản xuất của một công ty thiết bị y học lớn.
“Bí mật của tôi hả. Sếp của tôi thật sự nên biết điều này, đó là tôi là một người hướng nội”, anh chia sẻ với Business Insider, “Tôi giám sát một tầng sản xuất với hơn 50 nhân viên báo cáo cho tôi mỗi ngày. Và tôi thường xuyên phải phát biểu trước đám đông, bắt chuyện với nhân viên cấp dưới, và trình bày kết quả dữ liệu khi đi dự họp cùng các cấp trên”.
Anh bảo không ai lại nghĩ anh là kiểu người hướng nội, nhưng sự thật là anh rất mệt mỏi khi suốt ngày phải giả vờ làm người hướng ngoại.
“Suốt cả ngày tôi phải tỏ ra hướng ngoại và thuyết phục, nhưng nói thật thì tôi không hề thích phát biểu trước đám đông hay thuyết trình trước cấp trên tí nào cả”, David chia sẻ.
Anh không nói cho sếp của mình biết bởi dĩ anh biết rõ những khó khăn mà người hướng nội sẽ gặp phải trong một công việc như thế này.
“Thật khó để tạo dựng sự tin tưởng và lòng trung thành với đội nếu bạn không giỏi tương tác với người khác, hay thích núp sau bàn làm việc cả ngày trời. Một đội ngũ vững mạnh sẽ giúp cải thiện bảng đánh giá cuối năm, nên mỗi ngày tôi gượng ép trở thành một người hướng ngoại để động viên tất cả làm việc thật tốt”.
Nghĩ theo mặt tích cực thì “bí mật” này cũng giúp anh ấy bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, như vậy giúp bản thân phát triển thành một nhân viên và một con người tốt hơn.
“Tôi có thể cân bằng hai bên khá tốt”, David chia sẻ.
“Những mục tiêu lâu dài của tôi”
“Khi làm việc cho IBM, tôi đã muốn cấp trên biết được những mục tiêu lâu dài của mình và họ sẽ nhận ra những tiềm năng mà tôi có”, Jeff Skipper của Jeff Skipper Consulting chia sẻ với Business Insider. “Vấn đề nằm ở chỗ họ không biết hỏi “đúng”, và tôi cũng không biết cách cất tiếng lên. Nhìn lại thì lỗi cũng nằm ở tôi”.
Anh chia sẻ mình từng muốn được giao phó thêm trách nhiệm và khả năng để tư vấn ở trình độ cao hơn, như hiện tại ở công ty riêng của mình.
“Thứ tôi cần là được một chuyên gia chỉ giáo trực tiếp để học được tất cả về việc tư vấn”, Jeff chia sẻ, “Gần đây, khi huấn luyện các nhà lãnh đạo cách để đạt được thành quả tốt hơn, chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc tìm hiểu nguyện vọng và khuyến khích các nhân viên chia sẻ chúng”.
Ciara Hautau, một chiến lược gia tiếp thị số ở Fueled, chia sẻ với Business Insider rằng cô cũng từng muốn cấp trên biết về những mục tiêu lâu dài của mình.
“Hồi mới bắt đầu làm việc ở công ty hiện nay, tôi kiên quyết đặt ranh giới giữa bản thân và những viên chức cấp cao, không để họ biết gì ngoài mặt chuyên nghiệp của mình”, cô chia sẻ, “Tôi nghĩ rằng khi có một công việc mới, hay được giao phó cho một người sếp mới, thật khó để mình tỏ ra yếu đuối. Ta rất muốn tạo ấn tượng với sếp và tỏ ra mạnh mẽ, nhưng nếu làm vậy, ta cũng tước đi cơ hội để họ hiểu được con người thật của ta”. Nhưng một khi đã gỡ bỏ các bức tường thành xuống, cô nhận ra công việc của mình đã trở nên thoải mái hơn trước.
“Mối quan hệ giữa tôi và sếp cũng trở nên bền vững hơn”, cô chia sẻ.
“Tôi bị suy sụp tinh thần”
Nicole, người muốn được dùng bí danh, từng là giám đốc ở một công ty chuyên về quan hệ công chúng khi nghe tin em trai (cũng là bạn thân nhất của cô) bị chẩn đoán với bệnh ung thư không có cách chữa.
“Với tôi đó là một trải nghiệm rất đau lòng, và tôi trải qua thứ tôi gọi là “suy sụp tinh thần từ từ”, nhưng tôi không nghĩ mình thật sự hiểu chuyện gì đã xảy ra”, cô chia sẻ với Business Insider. “Dần dần tôi trở nên u ám, nóng nảy, và càng ngày càng bất an. Còn tệ hơn, lúc đó tôi là một nhân viên cấp cao trong một văn phòng đầy rẫy những con người trẻ tuổi – những người không tài nào hiểu được tôi đang đau đớn tới nhường nào”.
Nicole chia sẻ, mọi chuyện đã tới hồi kết thúc khi cô bị sếp gọi vào văn phòng và bảo không ai muốn làm việc chung với cô nữa. Điều này đã khiến cô trở nên sợ hãi và hoang tưởng, và sau đó bị sa thải.
“Tôi ước tình hình đã được xử lý một cách tinh tế hơn”, Nicole bảo, “Trầm cảm là một căn bệnh hay bị phóng đại ở chỗ làm việc, và tôi nhận ra một điều, phần lớn mọi người đều né tránh những ai bị trầm cảm như thể đó là bệnh truyền nhiễm vậy. Tôi nghĩ khi một nhân viên lâu năm, như tôi đây, thay đổi quá nhiều trong một thời gian thật ngắn như vậy, công ty nên bày tỏ lòng thông cảm thay vì khiến tình trạng tồi tệ hơn”.
“Tôi không muốn phải tổ chức mọi hoạt động của công ty”
Rachel Davidson, nhà thành lập Houston Party Ride, đã từng làm việc trong một nhóm 18 nhân viên cho một tập đoàn. Chia sẻ với Business Insider, suốt thời gian làm việc ở đó, cô luôn được chọn làm người tổ chức các hoạt động nhóm và các sự kiện đòi hỏi nhân viên lập nhóm để có thể tham gia.
“Điều tôi tha thiết sếp của mình biết rằng mặc dù rất thích việc tổ chức các hoạt động nhóm và các bữa tiệc cho công ty, tôi thỉnh thoảng cũng muốn được nghỉ tay”, cô chia sẻ, “Tôi biết trước đây mình đã tình nguyện làm công việc mà không ai muốn, nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi lúc nào cũng sẽ tình nguyện để làm điều y hệt”.
Chỉ một lần, cô muốn được làm cầu thủ thay vì trọng tài.
“Tôi cảm thấy mình không trải nghiệm được tinh thần đồng đội ở những sự kiện như thế này vì lúc nào tôi cũng là người ngoài”, cô chia sẻ.
“Tôi ước sếp biết về bệnh của tôi”
Olivia Sod, một chuyên gia về sự nghiệp và lối sống của thế hệ Y trên TheDIYFeminist.com, và cũng là một giáo viên dạy tiếng Anh trên internet.
“Tôi ước sếp biết về bệnh của tôi, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)”, cô chia sẻ với Business Insider, “Sống chung với bệnh PMDD tức là 10 ngày trước khi “tới tháng”, tôi sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác: không còn tí năng lượng nào trong người, cảm thấy tuyệt vọng và bất an, và tôi sẽ bật khóc mà không vì lý do gì cả”.
Cô bảo rằng dù đã cố gắng hết sức để kiểm soát các triệu chứng, thật sự không có cách nào để khiến cô khỏi hẳn. Và vì vậy, đã có những lần cô không thể đi làm.
“Thay vì nói ra, tôi sẽ gửi email với lý do bệnh giả”.
Tương tự như vậy, Dana, một bí danh khác, chia sẻ với Business Insider rằng cô ước sếp mình biết rằng bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (hay còn gọi là ADHD) không đơn thuần chỉ là một cái cớ để nghỉ việc, và nó cũng không biến cô thành một nhân viên tồi.
Cô chia sẻ rằng chính cô cũng đã phải chật vật với bệnh ADHD và ước rằng mình là một người khỏe mạnh, nhưng không may thay lại bị mắc bệnh. Tuy vậy, cô vẫn làm việc một cách chăm chỉ, năng nổ và hoạt bát. Có những lúc chính sự hoạt bát đó lại là nguyên nhân cho những lỗi lầm nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể sửa được.
“Tôi phải làm việc trong một khuôn khổ nhất định, dù rằng nó không đem về bao nhiêu lợi ích trong một thế giới doanh nghiệp”, Dana chia sẻ, “Vì vậy, các cấp trên phải biết làm việc với tôi theo phương diện đó, cho tôi không gian và sự thoải mái, và hỏi xem tôi cần gì để đem lại lợi ích cho đôi bên”.
“Tôi ước họ thường xuyên nói lời cảm ơn”
Igor Mitic, nhà đồng sáng lập của Fortunly.com, từng muốn sếp của mình thường xuyên bày tỏ lòng cảm kích tới nỗ lực của anh.
“Thay vì chỉ để ý đến những lỗi lầm, tôi ước anh ấy nói lời cảm ơn, hay “làm tốt lắm”, thường xuyên hơn”, Igor chia sẻ với Business Insider.
Cũng chính vì vậy mà anh ấy chọn ở lại công ty lâu hơn mức cần thiết, đặc biệt nếu sếp cho phép anh ấy làm việc một cách thoải mái và không bị giới hạn.
Adrienne Redelings, một bà mẹ ba con với công việc làm trợ lý luật sư ở một công ty luật bận rộn, cũng từng mong muốn được sếp khuyến khích và động viên.
“Tôi ước gì sếp biết được tôi đã tận tâm thế nào tới sự thành công của anh ta”, cô chia sẻ với Business Insider. “Tôi cố gắng làm hết sức mình khi ngồi xuống bàn làm việc – thường xuyên tới sớm, bỏ bữa trưa, và ở lại trễ để bắt kịp với nhu cầu của công việc. Thậm chí tôi còn bỏ qua thời gian quý báu với gia đình để kiểm tra email vào buổi tối, và như vậy sẽ bớt được việc cho ngày hôm sau”.
Mặc dù hiểu rõ mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới là như thế nào, cô vẫn cảm thấy khó chịu khi thấy sếp sải bước vào văn phòng sau một ván golf, sau một bữa trưa dài với đồng nghiệp hay chuyện cá nhân nào đó, và hỏi tại sao cô vẫn chưa hoàn thành cái này hay cái nọ, trong khi cô vẫn còn tới hàng trăm thứ trong danh sách cần làm.
“Anh ta có thể tự do ra ngoài tùy thích, tôi không quan tâm. Nhưng khi đang phải chật vật để theo kịp mỗi ngày và bị coi như lười biếng hay không chịu làm việc, tôi cũng thấy vô cùng tổn thương”, Adrienne chia sẻ. “Thay vì vậy, tôi nghĩ cấp cao nên dành thời gian để đánh giá công việc của nhân viên và bày tỏ lòng cảm kích khi biết họ đã làm vượt mức mong đợi. Một tí cảm kích và cảm thông sẽ đem lại nhiều lợi ích trong thời gian dài, cũng như giúp giữ nhân viên trung thành và tận tâm với thành công của bạn”.