Học gì từ Joel Greenblatt?
Dù con báo chạy rất nhanh, nhưng chỉ khi nào xác định bắt được con mồi, thì mới tấn công.
Trong đầu tư tài chính, Joel Greenblatt cũng vậy, và chính nhờ nguyên tắc đầu tư này, ông luôn là kẻ chiến thắng trên phố Wall.
Quá trình đầu tư, những bài học kinh nghiệm cũng như triết lý đầu tư giá trị của ông cũng đáng để các nhà đầu tư (NĐT) nghiệp dư, kể cả các NĐT chuyên nghiệp phải học tập.
TỰ THÂN VẬN ĐỘNG
Nhà đầu tư huyền thoại W. Buffett, cũng như nhiều NĐT huyền thoại luôn khuyên các NĐT hãy tự mình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng từng doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Có như vậy, NĐT mới nắm chắc phần thắng trong thị trường tài chính đầy rủi ro.
Ông Joel Greenblatt cũng rất đồng tình với quan điểm nói trên, và luôn đề cao sự độc lập trong việc phân tích, tránh nghe theo các tin đồn thổi, thông tin các dự án “tiềm năng” được thêu dệt bởi các doanh nghiệp đang muốn phát hành hay bán cổ phiếu ra thị trường. Điều này hoàn toàn đúng với môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay khi các NĐT đều ngại tìm hiểu kỹ các cơ hội đầu tư và hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin được công bố rộng rãi trên thị trường. Mọi thông tin đến với đại bộ phận các NĐT thì nhiều khả năng sẽ không nhiều giá trị, bởi giá cổ phiếu đã có thể ở mức cao.
KIỂM CHỨNG TƯ VẤN TRƯỚC KHI ĐẦU TƯ
Bài học mà Joel GreenBlatt khuyến cáo cho các NĐT, đó là nếu nhà tư vấn tài chính hay quản lý tài sản hoặc người môi giới nào quá trẻ tuổi, thì nhiều khả năng họ vẫn chưa đủ trình độ để có thể tư vấn đầu tư cho chúng ta.
Các nhà môi giới chứng khoán trên thế giới hay các nhà quản lý quỹ giỏi và tài năng thường phải đạt được độ tuổi chín trong nghề nghiệp, có nghĩa là họ phải va chạm và thu được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trên thị trường cũng như trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên viên tư vấn của các công ty chứng khoán, kể cả các công ty lớn, thường còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm và phụ trách một hoặc rất ít các nhóm ngành để tư vấn cho các khách hàng cá nhân cũng như tổ chức trong và nước ngoài. Thông thường, họ chỉ tư vấn mua các mã cổ phiếu ở những nhóm ngành mà họ phụ trách. Do đó, các NĐT chưa kiểm chứng được cơ hội ở từng mã tư vấn đó so với các mã thuộc các nhóm ngành khác họ mà không phụ trách. Do đó, các NĐT cần có sự kiểm chứng, đặc biệt là so sánh giữa các mã cổ phiếu trước khi quyết định đầu tư.
CHỌN CHỖ ĐỨNG CHO MÌNH
Joel Greenblatt cũng rất đồng tình với W. Buffet về việc lựa chọn phạm vi an toàn và vùng hiểu biết của mỗi NĐT. Ông khuyên các NĐT hãy chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà mình hiểu rõ và chọn lựa những cơ hội đầu tư phù hợp để “xuống tiền” một cách hiệu quả.
Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về lượng và chất. Số lượng cổ phiếu niêm yết đã tăng mạnh, vượt hơn 1.620 mã chứng khoán niêm yết trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM. Cơ hội xuất hiện càng lớn thì việc sàng lọc kỹ lưỡng các mã cổ phiếu tốt càng khó khăn.
Do đó, nếu NĐT tìm thấy những mã cổ phiếu phù hợp với tiêu chí đầu tư của mình, dựa trên cả phân tích cơ bản và kỹ thuật, thì mới cân nhắc giải ngân.
Joel Greenblatt cũng đưa ra ví dụ để có thể minh họa quan điểm đầu tư này khi nói đến bộ môn bóng chày, chúng ta có thể lựa chọn trong nhiều cú ném bóng để chỉ có thể tung ra số ít những cú đánh gậy trúng bóng hiệu quả, thậm chí có thể đạt được những cú “home run”.
MUA CHỌN LỌC - ĐỪNG MUA QUÁ MỨC
Liên quan đến mảng quản lý doanh mục đầu tư, Joel Greenblatt cũng cảnh báo các NĐT không nên mua quá nhiều hay dàn trải danh mục ở nhiều mã cổ phiếu. Ông cho rằng việc đầu tư tập trung vào số ít các cổ phiếu sẽ mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, nếu không tìm được các cơ hội tốt hơn các cổ phiếu đang nắm giữ thì NĐT cũng nên giữ tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc tích trữ tiền mặt để chờ cơ hội mới trên thị trường chứng khoán, đừng quá mạo hiểm để mất tiền một cách vô ích.
KHÔNG NÊN LẠM DỤNG HỆ SỐ BETA
Chắc hẳn giới đầu tư không còn lạ gì Beta- hệ số đo lường rủi ro. Beta là một thước đo khả năng biến động của một cổ phiếu (hay một danh mục) trong mối quan hệ với phần còn lại của thị trường. Beta được tính cho từng doanh nghiệp riêng biệt bằng phương pháp phân tích hồi quy. Theo đó, một cổ phiếu biến động mạnh so với thị trường chung thì sẽ rủi ro hơn là những cổ phiếu ít biến động hơn so với thị trường.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, quy luật trên lại không phải như vậy, Joel Greenblatt cho rằng thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng ứng nghiệm với câu nói “lợi nhuận càng lớn, rủi ro càng cao”. Theo Joel Greenblatt, điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của các NĐT thì mới có được “lợi nhuận cao- rủi ro thấp”. Theo đó, chọn mua một cổ phiếu chưa được thị trường để ý, ít biến động về giá tại thời điểm mua vào, nhưng có tiềm năng tăng trưởng lại chính là chiến lược mang lại cho các NĐT những thành tích siêu việt.
KHÔNG CHỈ CÓ DUY NHẤT MỘT CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG
Joel GreenBlatt cũng chia sẻ rằng, không chỉ tồn tại một con đường đi đến Thành Rome mà có nhiều cách, nhiều chiến lược để có thể thành công trên thị trường cổ phiếu. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều chiến lược giao dịch hoặc đầu tư giá trị để có những kết quả đầu tư tốt qua nhiều năm.
Ông cho cho rằng, NĐT hãy tìm ra những phương pháp phù hợp với phong cách, tính cách của mình. Ngay cả các NĐT vĩ đại cũng đều theo đuổi các trường phái đầu tư các khác nhau. Một số người theo đuổi phương pháp giao dịch ngắn hạn, một số người theo đuổi phương pháp đầu tư tăng trưởng, trong khi số khác lại ưa thích chiến lược đầu tư giá trị. Một số thích phân tích cơ bản, một số khác lại hay sử dụng phân tích kỹ thuật để áp dụng cho giao dịch ngắn hạn.
Kể cả trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ có duy nhất 1 phương pháp thành công mà có nhiều phương pháp khác để các NĐT có thể áp dụng, hoặc có thể học theo phong cách đầu tư của các nhà đầu tư nổi tiếng, hay tuân thủ trường phái đầu tư mà Joel GreenBlatt đã gặt hái được nhiều thành công.
Xuất thân trong 1 gia đình Do Thái truyền thống ở Great Neck, New York, Joel Green- blatt nổi tiếng không chỉ là nhà quản lý quỹ phòng hộ mà còn là nhà văn, giáo viên thỉnh giảng của trường Đại học Colombia. Năm 1985, ông thành lập và điều hành Quỹ Gotham Capital với đối tác của mình- Robert Goldstein. Ngoài ra, ông còn là cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alliant Techsystems và là người sáng lập Tập đoàn đấu giá chứng khoán New York. Ông cũng là Giám đốc tại Công ty Quản lý quỹ Pzena Investment Management.
Những thành tích đáng nể của Joel Greenblatt tại Quỹ Gotham Capital khi ông cùng các đối tác tạo ra hiệu suất đầu tư 40%/năm trong giai đoạn 1985 - 2006, đã được giới đầu tư biết đến rộng rãi và đầy thán phục.