Bí quyết biến khủng hoảng thành cơ hội từ các doanh nhân nổi tiếng

Theo DNSG 07/10/2019 15:57

Nếu khủng hoảng và khó khăn là vật cản không thể tránh khỏi trên con đường đi đến thành công thì hãy tận dụng nó biến chúng thành những cơ hội

Tên tuổi của các tập đoàn lớn thành công được cả thế giới biết đến như: Google, Apple, Amazon, Berkshire Hathaway,… đều có một điểm chung họ đã từng rơi vào những cuộc khủng hoảng đứng trước nguy cơ của sự phá sản. Và họ đều có chung một công thức biến những thách thức, khủng hoảng, khó khăn trước mặt mình thành những “bệ phóng” cho sự phát triển và mở rộng.

Andy Grove - cựu CEO của Intel - từng nhận xét: "Công ty yếu sẽ bị phá hủy bởi khủng hoảng. Công ty tốt sẽ tồn tại trong khủng hoảng. Còn công ty lớn mạnh thì ngày càng đi lên nhờ khủng hoảng".

Nếu khủng hoảng và khó khăn là vật cản không thể tránh khỏi trên con đường đi đến thành công thì hãy tận dụng nó biến chúng thành những cơ hội, công cụ để doanh nghiệp trưởng thành và lớn mạnh hơn. Dưới đây là những bí quyết được đúc kết từ những năm thương trường đầy “máu lửa” của các doanh nhân nổi tiếng như: John D. Rockefeller, Thomas Edison hay Steve Jobs,… Họ đã làm gì để đối mặt với các khủng hoảng?

1. Luôn giữ bình tĩnh

John D. Rockefeller – ông vua dầu mỏ Hoa Kỳ, năm 1857 khi cuộc khủng hoảng dầu đầu tiên diễn ra, thay vì ngồi than khóc thời điểm biến động kinh tế, ông chọn cách chấp nhận. John D. Rockefeller coi đó như một cơ hội để học hỏi và trải nghiệm. Sự bình tĩnh, lạc quan và có thiên hướng tìm thấy cơ hội trong mọi thảm hoạ của Rockefeller, trong vòng 20 năm kể từ cuộc khủng hoảng, ông đã vươn lên kiểm soát gần 90% thị trường dầu mỏ.

Một minh chứng khác, LinkedIn và Microsoft đều được thành lập trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng nhưng họ vẫn phát triển, lớn mạnh và thành công. Điều đó chỉ ra rằng, mọi khó khăn, thất bại xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều có nguyên do và mục đích của nó. Nếu luôn giữ được bình tĩnh, tỉnh táo trước những áp lực, cơ hội có thể nằm chính trong sự rủi ro.

2. Dám nghĩ khác biệt

Sự khác biệt sẽ tạo nên thành công, kẻ đi trước mới là người chiến thắng đáng được nể phục. Khi Steve Jobs đặt hàng mẫu màn hình mặt kính cho chiếc iPhone đầu tiên, các đồng sự đều đã vô cùng kinh hãi trước deadline mà ông đưa ra.

"Đừng sợ", Jobs nói. "Bạn có thể làm được. Hãy suy nghĩ về nó. Bạn hoàn toàn có thể làm được".

Jobs đã sử dụng phiên bản mẫu của iPhone được vài tuần và màn hình của nó bị trầy xước do va chạm với những vật dụng khác khi chiếc điện thoại được đặt trong túi. Thế là, Jobs đã tập hợp các đồng sự của mình lại giữa lúc mà còn 1 tháng nữa là ra mắt iPhone cũng như yêu cầu phải thay màn hình và hoàn tất nó trong vòng đúng... 6 tuần.

Cuối cùng, may mắn thay, Apple đã kịp hoàn thành mục tiêu của mình. Sự khẳng định của Jobs đã thúc đẩy họ vượt xa những gì mà họ nghĩ là họ có thể làm được. Đứng trước một khủng hoảng, thay vì bàn lùi, hãy thử tất cả những giải pháp bạn nghĩ là nó sẽ hiệu quả. Niềm tin vào khả năng của mình là động lực vô cùng quý giá. Vượt qua được những thử thách và khó khăn, khi nhìn lại bạn sẽ ngạc nhiên về chính mình.

3. Bỏ qua các quy tắc không phù hợp

Samuel Zemurray - nhà sáng lập của Cuyamel Fruit Company - từng nói rằng ông không thể xây dựng cây cầu mà ông cần để bắc qua sông ở Trung Mỹ, bởi vì các quan chức chính phủ đã bị hối lộ bởi United Fruit - một trong những công ty kinh doanh trái cây mạnh nhất Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

Vì vậy, thay vì xây cầu, Zemurray đã cùng 2 kỹ sư của mình xây dựng hai cầu tàu dài qua trung tâm dòng sông. Khi cần, họ sẽ bắc cầu phao tạm thời để có thể vận chuyển hàng qua sông chỉ trong vài giờ. Khi United Fruit phàn nàn, Zemurray chỉ cười và trả lời: "Tại sao lại phàn nàn? Chúng tôi đâu có xây cầu".

Có những lúc, chúng ta bị buộc phải hành động táo bạo và phớt lờ đi những quy định đã lỗi thời để có thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh. Cái gì làm được việc, cái đó sẽ đúng!

4. Amor fati – biết chấp nhận số phận

Khi toàn bộ khuôn viên nghiên cứu và sản xuất của Thomas Edison bị đốt cháy, ông đã không tức giận hay chán nản gì cả. Thay vào đó, nhà phát minh kiêm doanh nhân lại càng trở nên tràn đầy sinh lực và hăng hái. Chỉ trong vòng 3 tuần, nhà máy đã được phục hồi phần nào và có thể tiếp tục hoạt động, tất cả vì Edison đã thực hiện những gì mà những người sống theo chủ nghĩa khắc kỷ gọi là Amor fati - chấp nhận số phận của mình.

Nếu không thể thay đổi được hãy chấp nhận. Chấp nhận thất bại để hướng tới thành công trong tương lai. Thành công sẽ đến với những người kiên trì, nỗ lực không dừng bước.

Theo DNSG