6 kiểu nhân viên khó thăng tiến
Nếu năng lực, trình độ và kinh nghiệm đã đầy đủ nhưng mãi không thể thăng tiến thì đây có thể là những lý do bạn nên xem lại.
Trong lý tưởng của nhiều người, khả năng thăng tiến không nên bị giới hạn bởi tính cách và những yếu tố khác ngoài năng lực công việc. Tuy nhiên, điều đó là không thực tế vì có nhiều thứ ngoài năng lực, trình độ hay kinh nghiệm có thể ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo. Theo Business Insider, một số loại tính cách có cơ hội thăng tiến cao hơn, trong khi 6 kiểu nhân viên sau đây thì không.
Người buôn chuyện
Người hoạt bát thường nhận được sự chú ý tích cực từ cấp quản lý. Tuy nhiên, nếu định nghĩa của bạn về "giao tiếp tốt" liên quan đến việc lan truyền tin đồn và dành thời gian rảnh để nói chuyện với đồng nghiệp, thì thái độ đó sẽ không thể hiện bạn là một ứng cử viên triển vọng để nhận thêm trách nhiệm cũng như tiền lương.
Người cam chịu
Các nhân viên giỏi thường tìm cách hoàn thành nhiệm vụ được giao bất cứ khi nào khả thi. Tuy nhiên, những người nhận hết các yêu cầu từ cấp trên dù vượt khả năng xử lý và không lên tiếng khi bị quá tải thì không phải là người chuyên nghiệp. Đây là kiểu người khó có thể đặt trọng trách để ra các quyết định lớn.
Người tiêu cực
Những người này thường xuyên từ chối đề xuất của đồng nghiệp, phàn nàn mà không tìm cách cải thiện vấn đề của bản thân. Họ cũng hiếm khi dùng từ tích cực cho bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì trong văn phòng. Kiểu nhân viên này sẽ không thể nhận được đánh giá cao từ cấp trên. Khả năng thăng tiến của họ khá ít.
Người đổ lỗi
Một tố chất quan trọng để là thành viên tích cực của đội ngũ là biết chịu trách nhiệm về những sai lầm và thực tế nhìn nhận những điểm yếu của bản thân. Nếu bạn thường xuyên cho mình là nạn nhân, đổ lỗi cho người khác về thất bại trong nhiệm vụ và năng suất thấp thì bạn sẽ khó lòng lấy được niềm tin của đồng nghiệp, và dĩ nhiên là cấp lãnh đạo.
Người nóng giận
Nóng giận không phải là hành động có thể chấp nhận được với những người đã trên 5 tuổi. Nhưng một số nhân viên không nhận ra sự thật này. Thay vào đó, họ sẵn sàng giải phóng sự tức giận với các đồng nghiệp vô tội. Ở vai trò quản lý, tính khí nóng nảy sẽ tạo ra văn hoá sợ hãi, một yếu tố độc hại và không mang lại kết quả tối đa trong môi trường công việc.
Người biết tuốt
Nhà tuyển dụng chắc chắn muốn tìm kiếm những người lao động có kiến thức, ham học hỏi và nhiệt tình chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên sửa lỗi đồng nghiệp khi không được yêu cầu, khăng khăng rằng các ý tưởng và chiến lược của mình là sáng suốt nhất thì đó là sự thể hiện quá đà. Nói chung, nếu bạn tự xem mình là thông minh nhất nhóm, bạn có nguy cơ bị đồng nghiệp lẫn cấp trên xa lánh. Và tất nhiên, hệ quả là khó lòng được thăng tiến.