Thời đại công nghiệp game và 4 bài học dành cho Video Marketing
Ngành công nghiệp game đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Nhìn vào thành quả của những “gã khổng lồ” ngành game, sau đây là 4 bài học mà thương hiệu có thể tiếp thu và thực hiện trong các chiến lược tiếp thị của mình.
1. Sáng tạo cộng đồng
Sự thành công của Fortnite trong năm qua là một hiện tượng trong ngành công nghiệp game khiến các nhà tiếp thị đặc biệt lưu tâm. “Cơn sốt” Fortnite Battle Royale đã vượt ra khỏi vị thế của nó là một trò chơi điện tử để trở thành một không gian xã hội, nơi người chơi có thể chia sẻ và trải nghiệm cùng nhau.
Một ví dụ hoàn hảo về sự phát triển trong tiếp thị của Fortnite đó là buổi hòa nhạc ảo với DJ người Mỹ Marshmello. Sự kiện đã biến một tựa game có trải nghiệm solo thành một khoảnh khắc kết nối hơn 10 triệu người trên toàn thế giới.
Bài học rút ra: Khán giả ngày nay không chỉ dễ dàng tiếp nhận và sẵn sàng tham gia vào các cộng đồng, mà họ còn mong đợi điều đó hơn bao giờ hết. Để tiếp tục phát triển, các thương hiệu cần tìm cách tạo ra một xã hội thu nhỏ, nơi tất cả mọi người mong muốn đóng góp một phần trong đó và sẽ ủng hộ lâu dài.
2. Không nội dung nào đứng độc lập
Trong thế giới kỹ thuật số, bạn cần suy nghĩ về chiến lược dài hạn và kết nối nội dung giữa ba giai đoạn chính: dạo màn, ra mắt và sau ra mắt. Các trailer, video giới thiệu hình ảnh đồ họa đã được quảng bá ngay từ đầu, nhờ đó tạo ra nhận thức và hành vi người dùng, thuận lợi cho việc phát hành tựa game sau đó.
Bài học rút ra: Video không chỉ xuất hiện trong giai đoạn chính. Nó có thể được tận dụng trong mọi giai đoạn trong chiến lược marketing. Các thương hiệu cần xem xét một kế hoạch phân phối dài hạn cho nội dung của mình và suy nghĩ về những gì mình thực sự muốn khán giả hành động sau khi xem video.
3. Giải quyết phản hồi tích cực và tiêu cực
Theo Google, 87% game thủ đã mua các sản phẩm hoặc dịch vụ điện tử và có khả năng giới thiệu chúng cho người quen, 69% trong số đó cũng sẵn lòng đánh giá và review trên các kênh bán hàng trực tuyến. Đây hẳn là điều mà các nhà tiếp thị đều khao khát, nhưng cũng rất dễ phản tác dụng trong trường hợp nhận được những ý kiến trái chiều .
Bài học rút ra: Hãy dự đoán trước mọi tình huống có thể xảy ra khi ra mắt nội dung video. Không có một quy tắc nào hướng dẫn bạn trả lời khi nhận được một bình luận tiêu cực, nhưng điều đó rất cần thiết để duy trì tiếng nói thương hiệu, vậy nên hãy chuẩn bị nhiều nhất có thể.
4. Không ngần ngại thay đổi
Một thị trường cạnh tranh khốc liệt mở ra, đồng nghĩa với việc các hãng game phải liên tục làm mới bản thân.
Liệu có ai còn nhớ đến Pandemonium, cái tên đình đám một thời nhưng cuối cùng đã chìm vào quên lãng. Thay vào đó là những tựa game đang lên ngôi như Battlefield hoặc Grand Theft Auto – những “món ăn” tỷ đô nhờ việc liên tục sáng tạo, đổi mới giao diện phù hợp với thị hiếu của người chơi.
Bài học rút ra: Theo thời gian, độ tuổi và thói quen của khách hàng sẽ dần thay đổi. Và như một cách để duy trì lòng trung thành và sự quan tâm của các “thượng đế”, thương hiệu cần phải thích nghi và phát triển cùng với họ.
Niềm tin và lòng trung thành của người tiêu dùng là nền tảng cho thành công của mọi chiến lược tiếp thị. Điều quan trọng không phải là video được quảng bá nhiều nhất mà là cách thương hiệu truyền đạt các giá trị và mục đích sản phẩm vào nội dung. Thành công rực rỡ của ngành công nghiệp game cho chúng ta thấy, một khi đã phá vỡ rào cản truyền thông, những nỗ lực tiếp thị sẽ không còn bị giới hạn.