Giá trị doanh nghiệp qua chuyện McDonald's sa thải chóng vánh CEO vì quan hệ tình cảm với nhân viên

Theo Kinh tế & Tiêu dùng 13/11/2019 12:37

Sự đề cao các giá trị doanh nghiệp là nguyên nhân khiến chuỗi McDonald's sa thải chủ tịch kiêm tổng giám đốc của họ một cách nhanh chóng vì quan hệ tình cảm với nhân viên dưới quyền.

Câu chuyện về cựu chủ tịch McDonald's

Steve Easterbrook, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn McDonald's, đã tạo ra hàng loạt thành công lớn cho tập đoàn. Song, bất chấp các giá trị từ những quyết định và thương vụ thôn tính của Steve, ban lãnh đạo McDonald's vẫn không thể cứu ông, theo CNBC.

Steve từng giám sát những thương vụ mua lại các công ty công nghệ cho McDonald's trong giai đoạn xu hướng đặt món và giao hàng qua ứng dụng di động trỗi dậy.

Chiến lược của ông đã góp phần giảm sức ép cạnh tranh từ các đối thủ mới, đồng thời khôi phục niềm tin cho các cổ đông.

Song vào ngày 3/11, Hội đồng quản trị McDonald's quyết định sa thải ông do mối quan hệ tình ái với một nhân viên nữ.

"Vì những giá trị của tập đoàn, tôi đồng ý với hội đồng quản trị rằng tôi nên rời khỏi tập đoàn", ông viết trong email dành cho toàn thể nhân viên. "Các giá trị" là cụm từ quan trọng nhất trong email của ông.

Tầm quan trọng của giá trị

Giá trị ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động ở mọi quốc gia. Trong một thị trường lao động mà mức độ cạnh tranh tài năng ngày càng khốc liệt, giá trị cũng sẽ quan trọng với cả doanh nghiệp.

Khoảng 1/3 người lao động trẻ (độ tuổi 18-34) tiết lộ họ từng bỏ một công việc trong 5 năm qua vì công ty thực hiện hành vi mà họ không thể chấp nhận về phương diện đạo đức, theo số liệu của cuộc khảo sát.

Elmer Guardado, nhân viên của công ty quan hệ công chúng Buie & Co ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, mới tốt nghiệp đại học. Chàng trai 22 tuổi cảm thấy may mắn vì công ty ưu tiên sự minh bạch và sự mãn nguyện của người lao động.

"Ban lãnh đạo không chỉ đánh giá cao công việc của tôi, mà họ luôn khẳng định công việc của tôi đóng góp vào những mục tiêu lớn hơn của tập thể", Elmer phát biểu.

Laura Wronski, một nhà nghiên cứu cấp cao của công ty SurveyMonkey, nói rằng rất nhiều cuộc khảo sát về mức độ hài lòng ở nơi làm việc chỉ ra rằng người lao động ưu tiên việc tìm ra ý nghĩa trong công việc.

"Rất nhiều người khẳng định làm việc cho một doanh nghiệp có những tuyên bố rõ ràng về các giá trị là ưu tiên hàng đầu của họ", Laura phát biểu với CNBC.

SurveyMonkey vừa tiến hành hàng loạt cuộc khảo sát để tìm hiểu mức độ hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp mà họ làm việc. Kết quả cho thấy 91% người tham gia nói rằng làm việc cho một doanh nghiệp có giá trị tương đồng với giá trị bản thân là điều quan trọng đối với họ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy những người lao động làm việc cho công ty có giá trị rõ ràng thường cảm thấy công việc có ý nghĩa.

69% số người tham gia khảo sát nói họ chỉ quan tâm tới ý nghĩa công việc chứ không coi trọng các giá trị của doanh nghiệp.

Những kết quả khảo sát khá nhất quán ở mọi độ tuổi, sắc tộc, giới tính, mức lương, tình trạng công việc (toàn thời gian hay bán thời gian).

"Ngày nay, nhiều doanh nghiệp không còn coi lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu khi ra quyết định. Thay vì chỉ quan tâm tới cổ đông như trước đây, họ cũng chú ý tới lợi ích của người lao động, khách hàng và cộng đồng", Laura bình luận.

Thế hệ trẻ ngày nay, theo Laura, sẵn sàng rời khỏi một doanh nghiệp nếu họ cảm thấy ban lãnh đạo đang hành xử theo cách không thể chấp nhận về phương diện đạo đức. Mọi người lao động trẻ đều muốn gắn bó với một nơi có định hướng rõ ràng về giá trị.

"1/3 số người lao động trẻ (trong độ tuổi 18-34) từng bỏ việc một lần trong 5 năm qua khi nhận thấy công ty thuê họ đang hành xử vô đạo đức", Laura nói về kết quả khảo sát gần đây của SurveyMonkey.

Mặc dù vậy, cũng theo cuộc khảo sát ấy, 58% người lao động thừa nhận họ không bao giờ bỏ việc chỉ vì công ty thuê họ thực hiện hành động phi đạo đức. Chỉ khoảng 7% người lao động nói họ từng thôi việc vì lí do ấy trong vòng một năm qua, trong khi 13% nói họ làm vậy trong 1-5 năm qua.

Tỉ lệ nam giới và phụ nữ thôi việc vì hành động phi đạo đức của doanh nghiệp tương đối cân bằng, theo Laura.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng