“Keyword” để xây dựng những nền kinh tế mới
Trong kỷ nguyên mới, “keyword” của sự tăng trưởng và liên kết giữa các nền kinh tế, các quốc gia cần những mối quan hệ hợp tác kiểu mới để tạo ra sự tăng trưởng mang lại lợi ích cho tất cả.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin giới thiệu bài viết của bà Rachel Duan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành các thị trường toàn cầu của GE về xu hướng hợp tác trong bối cảnh thế giới mới, được đăng trong Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg (Bloomberg New Economy Forum).
Chung tay xây dựng những nền kinh tế mới
Toàn cầu hóa đã tạo ra một kỷ nguyên mới của sự tăng trưởng và liên kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực như giao thông, y tế và truyền thông trên khắp thế giới. Khi thế giới dần trở nên “nhỏ” hơn, các mối quan hệ hợp tác mới đã được hình thành, những của cải mới được tạo ra và những cơ hội mới nổi lên cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tuy nhiên, trong những mối hợp tác như vậy, sự tăng trưởng không phải lúc nào cũng tương đương. Một số nước được hưởng lợi nhiều hơn, và nhìn chung, đó là các nước phát triển nhờ có thị trường trong nước lớn mạnh, có chuỗi cung ứng vững chắc và lực lượng lao động lành nghề.
Tuy nhiên, đòn bẩy trong bối cảnh các nền kinh tế kết nối hiện đã thay đổi. Các quốc gia trước đây được biết đến là “đang phát triển” hiện đã thiết lập được tài lực vững chắc hơn và dần đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi tin rằng lợi ích cho các quốc gia cả phát triển và đang phát triển nằm ở các cam kết dài hạn. Các quốc gia phát triển nên đảm nhận vai trò đối tác cho các thị trường mới nổi, trong đó lấy tăng trưởng đảm bảo lợi ích cho cả hai bên làm trọng tâm.
Một thập kỷ mới đã sắp đến, GE cam kết giúp khách hàng đạt được mục tiêu đó. Có thể lấy Việt Nam, một đất nước đã trải qua một chặng đường dài trong suốt 30 năm qua, làm ví dụ. Với năng lượng và hàng không nằm trong những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, Việt Nam đang tìm kiếm khả năng phát triển bền vững độc lập cùng với tăng trưởng nội địa về nguồn lực cho hai lĩnh vực.
Năm 2017, để hỗ trợ cho kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam, GE đã ký một hợp đồng trị giá 5,5 tỷ đô la. Đây là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử GE. Khoản đầu tư liên ngành này bao gồm 2 tỷ đô la để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực về năng lượng của Việt Nam và 3,5 tỷ đô la cho động cơ và bảo trì hàng không. Chúng tôi tin rằng hình thức hợp tác này, cùng với việc quản trị tốt và sự chuyên cần, sẽ mang đến lợi ích trên tất cả các khu vực địa lý và vùng kinh tế và có thể kích thích sự tăng trưởng bền vững ở một quốc gia như Việt Nam.
Những loại đầu tư như thế trên thực tế là không hề dễ dàng – chúng cần nhiều thời gian và sự tập trung liên tục. Song, chúng lại hoàn toàn khả thi và tôi cho rằng, thậm chí còn là rất cần thiết trong thế giới mới này. Khi bắt đầu thực hiện những thỏa thuận loại siêu lớn đó trong thế giới của các nền kinh tế mới, chúng ta phải xem xét đến các thành tố quan trọng sau đây:
- Hợp tác - Nền tảng của mọi thỏa thuận tiềm năng là xây dựng niềm tin và cam kết vững chắc.
- Đầu tư vào con người và phát triển kỹ năng - Chính phủ không còn tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ - họ tìm kiếm khả năng. Khi khám phá các mối quan hệ hợp tác mới, cần xem xét bằng cách nào các khoản đầu tư có thể giúp trang bị kỹ năng mới và cuối cùng là nâng cao mức sống cho lực lượng lao động.
- Đầu tư mạnh vào công nghệ - Việc áp dụng những đột phá công nghệ vào thực tế trong các lĩnh vực như sản xuất có thể giúp các quốc gia đang phát triển “nhảy cóc” qua các quốc gia khác và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam: Hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa
19:05, 20/12/2018
Rủi ro với toàn cầu hóa
11:01, 05/10/2018
Toàn cầu hóa và "mối họa" độc tôn
04:40, 29/09/2018
Khi áp dụng tốt các yếu tố này, cơ hội sẽ là vô hạn
Tại GE, chúng tôi cho rằng bối cảnh đang không ngừng biến đổi hiện nay sẽ giúp tạo ra cơ hội cho tất cả các bên, và cho những ai biết tự tinh chỉnh các chiến lược thương mại. Những thập kỷ tiếp theo đang mở ra nhiều cơ hội. Tôi đã chứng kiến sự phát triển của hệ thống kinh doanh toàn cầu trong suốt sự nghiệp của mình và giờ đây, với tư cách là người lãnh đạo trong những thị trường đang tăng trưởng của công ty, tôi cũng nhìn thấy điều đó ở khắp nơi trên thế giới.
Là một tập thể, chúng ta phải nắm bắt thời cơ. Nếu có thể hình dung mối quan hệ hợp tác giữa những nền kinh tế vững chắc và những nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, chúng ta cũng có thể nhìn thấy được tương lai của hàng tỷ công dân trên toàn thế giới. Và đó, suy cho cùng, là lý do để tất cả chúng ta cùng tồn tại.