Bão dịch Corona - Doanh nghiệp nên ứng biến nhanh ra sao?

Trần Quốc Kỳ 05/02/2020 13:18

Dịch Corona có kéo dài hay không thì hành vi người dùng, sức tiêu thụ hàng hóa, nền kinh tế vi mô lẫn vĩ mô ít nhiều cũng sẽ bị đình trệ tối thiểu trong vòng 03 tháng tiếp theo.

Hơn hai tuần qua, giới truyền thông Việt Nam và trên toàn thế giới liên tục đưa tin về dịch Corona. Điều này nói lên sự quan ngại sâu sắc của các giới chức năng cũng như mọi tầng lớp, ngành nghề về tình hình an ninh y tế, an ninh kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do vậy ngoài việc gửi lời động viên đến người thân bạn bè và cộng đồng chấp hành nghiêm chỉnh phương pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng ra bên cạnh đó tôi cũng muốn đưa một ít quan điểm của mình trong góc nhìn của doanh nghiệp để cùng các anh/chị làm business cùng tham luận như sau:

1. Đại dịch này có kéo dài hay không?

Một số tín hiệu tích cực là bên cạnh số ca nhiễm mới leo thang thì số ca phục hồi tăng lên đáng kể nhờ các thử nghiệm lâm sàng của các y bác sĩ. Số liệu mới nhất sáng ngày 5/2 cho thấy toàn thế giới có 24.505 người nhiễm bệnh, 493 người chết và  906 người hồi phục.

Hiện tại, chưa có câu trả lời chắc chắn về việc khi nào đại dịch này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, dù nó có kéo dài hay không thì hành vi người dùng, sức tiêu thụ hàng hóa, nền kinh tế vi mô lẫn vĩ mô ít nhiều cũng sẽ bị đình trệ tối thiểu trong vòng 03 tháng tiếp theo. Đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì 03 tháng gồng gánh chi phí vận hành thì có thể vượt qua được nhưng đối với các Startup thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy lời khuyên của tôi là doanh nghiệp nên có trù bị không phải riêng cho sức khỏe của nhân viên mà là cả việc trù bị cho “sức khỏe tài chính” của chính doanh nghiệp mình.

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC

Ông Trần Quốc Kỳ - CEO GIGAN JSC

2. Các doanh nghiệp nên làm gì để ứng phó?

Cho nhân viên linh hoạt làm việc ở nhà để chăm sóc con cái và hạn chế lây nhiễm. Có biện pháp bảo vệ an toàn khi giao tiếp nội bộ, với khách hàng và đối tác. Một số doanh nghiệp thay thế việc check in vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt, trang bị nước rửa tay, khẩu trang cho nhân viên. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông nội bộ về bảo vệ sức khỏe và đảm bảo vận hành doanh nghiệp rất đáng được lưu tâm.

Tác động của dịch bệnh chắc chắn ảnh hưởng đến giao dịch, doanh số. Tuy nhiên, lạc quan mà nói, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể tận dụng “rèn quân, đào tạo nhân sự, hoàn thiện quy trình”, từ đó sẽ chuẩn bị cho giai đoạn máu lửa hơn.

3. Hành vi người dùng offline sẽ thay đổi ra sao?

Câu trả lời là chắc chắn có thay đổi lớn. Người dùng sẽ ít tụ tập hơn, các nhà hàng quán ăn sẽ giảm khối lượng khách đáng kể. Thậm chí, nhân viên công sở sẽ có xu hướng tự chuẩn bị bữa trưa thay vì đi ra ngoài như trước. Các cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại cũng sẽ vắng khách hơn vì họ chuyển sang xu hướng mua sắm online. Các lễ hội tiệc tùng sẽ ít người tham gia hơn. Các sự kiện có thể bị hoãn lại. Các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến giải trí, đi lại, du lịch, ăn uống, giáo dục, bán lẻ, offline...sẽ giảm đáng kể.

Lời khuyên cho những ngành nghề này là cần tạo ra dịch vụ “tiền chế - tạo ra cơ sở hạ tầng nhanh, hay giải pháp đáp ứng nhanh ít chi phí” hướng đến việc đánh vào đúng tâm lý “sợ đám đông” của người dùng để thu hút và tiếp cận họ, nếu làm được việc này sẽ có cơ may duy trì được hoạt động doanh nghiệp.

4. Hành vi người dùng online sẽ như thế nào?

Thời lượng truy cập internet sẽ tăng có thể lên gấp đôi so với thời lượng bình thường. Thời điểm hiện tại, các thông tin liên quan tới Virus Corona đều nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Các hành vi trực tuyến như tham gia các khóa học online, đọc sách và giải trí online hoặc mua hàng qua mạng. Các trang tin tức sẽ được truy cập nhiều hơn. Các sản phẩm dịch vụ có tính năng giao hàng tận nơi sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.

Người dùng sẽ có xu hướng theo dõi thông tin từ các bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực Y tế và chăm sóc chức khỏe có ích cho cộng đồng để có thể ứng phó với dịch Corona. Khi các fake news trên mạng xã hội ngày càng nhiều, người dùng có xu hướng tìm kiếm nhiều hơn các thông tin uy tín, đa chiều và thận trọng hơn.

Các ngành nghề dịch vụ có công năng kể trên nên tận dụng lợi thế này để tiếp cận Digital Marketing đến khách hàng thông qua môi trường online. Riêng những doanh nghiệp chưa sẵn sàng để đáp ứng dịch vụ giao hàng tận nơi như thế này thì cũng nên bắt đầu xây dựng vì “dịch” có thể kéo dài và sau dịch bạn vẫn có thể dùng ứng dụng tiếp tục.

5. Người làm quảng cáo nên làm gì?

Khi các hoạt động quảng cáo/sự kiện offline bị hạn chế, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động marketing trên digital. Cần tìm cơ hội để tiếp cận khách hàng tiềm năng trên môi trường online thông qua việc chia sẻ mối quan tâm của nhà quảng cáo gắn liền với mối quan tâm của khách tiềm năng nếu làm được điều này chắc chắn sẽ thắng. Tuy nhiên đây là xu hướng “dịch bệnh” vì vậy nhà quảng cáo cũng cần cẩn trọng trong hành vi quảng cáo và thông điệp truyền thông của mình để tránh tạo ra tác dụng ngược.

Thời điểm này, các booking banner, tin bài trên báo chí sẽ thu hút được nhiều traffic hơn. Quảng cáo báo chí trong thời điểm này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu của bạn. Các nhãn hàng liên quan đến y tế, sức khỏe nên tận dụng cơ hội ghi điểm trước khách hàng bằng những thông điệp hữu ích, giá trị, quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, không trục lợi. Nên lựa chọn KOLs là các bác sĩ, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực y tế để đảm bảo tính chuyên môn chia sẻ bằng bài viết, hình ảnh hoặc livestream tư vấn.

6. Chúng ta nên cập nhật thông tin ở đâu?

Hiện tại thông tin về dịch bệnh đang tràn lan trên mạng bao gồm tin chính thống và tin không chính thống gây hoang mang cho người đọc. Vì vậy lời khuyên của tôi là nếu các bạn quan tâm đến tình hình “dịch bệnh Corona” thì hãy đọc tin tức ở những trang thông tin chính thống như VNE, Dantri, Tuoitre...

Ngoài ra bạn có thể cập nhật tình hình dịch bệnh TỔNG HỢP THÔNG TIN THEO THỜI GIAN THỰC trên toàn thế giới thông qua link website sau http://bit.ly/372229g.

CEO GIGAN JSC
Chuyên gia Digital Marketing
Giảng viên Sage Academy

Trần Quốc Kỳ