Kinh doanh khủng hoảng
Khủng hoảng xảy ra khiến không ít doanh nghiệp “lao đao”, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản. Thế nhưng cũng có không ít tổ chức, cá nhân tận dụng cơ hội này kiếm lời khủng.
Trong giới đầu tư tài chính, chắc hẳn không ít người biết đến Tiến sĩ Michael Burry – Quản lý quỹ Scion (Mỹ) đã từng kiếm bộn tiền từ thương vụ bán khống chứng khoán nợ dưới chuẩn.
Thương vụ bán khống để đời
Còn nhớ vào năm 2005, khi nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng vào đà tăng vững chắc của thị trường chứng khoán bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp bằng nhà đất (MBS), thì Michael Burry lại cho rằng các khoản vay này chủ yếu là nợ dưới chuẩn. Do đó, Michael Burry đã bán không một lượng lớn các chứng khoán nợ dưới chuẩn này.
Nhiều nhà đầu tư không nhận ra rủi ro tiềm ẩn này, nên vẫn liên tục rót vốn, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục, khiến Micheal Burry phải tốn hàng trăm triệu USD để bổ sung thêm tiền ký quỹ. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên định với chiến lược đầu tư của mình.
Cuối cùng, như chúng ta đã biết, năm 2007, cuộc khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính tồi tệ bậc nhất lịch sử đã nổ ra. Điều này đã giúp Micheal Burry kiếm về hơn 800 triệu USD cho quỹ đầu tư, trong đó có hơn 100 triệu USD cho cá nhân mình. Phi vụ này đã trở nên kinh điển, được viết thành sách và dựng cả thành phim đoạt giải Oscar.
Burry không phải là người duy nhất thắng lớn nhờ đánh cược vào vụ khủng hoảng này. Warren Buffet kiếm được rất nhiều tỷ đô. Nhà đầu tư John Paulson mang về 2,5 tỷ đô cho quỹ của mình. Khủng hoảng có thể là ác mộng với gần như tất cả mọi người, nhưng lại là cơ hội kinh doanh đặc biệt với một số người khác.
Đẩy đối thủ vào khủng hoảng
Những tập đoàn lớn, với tiềm lực khổng lồ của mình đôi khi không thèm đoán định, chờ đợi để nắm bắt khủng hoảng như các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư đơn lẻ, mà tự tạo ra khủng hoảng cho đối thủ để đánh sập, thâu tóm đối phương.
Laker là một trong những hãng hàng không giá rẻ đầu tiên trên thế giới. Giá vé của Laker rẻ hơn hẳn các hãng bay truyền thống thời bấy giờ, khiến hành khách đổ xô sang bay Laker.
Điều này khiến các hãng hàng không kỳ cựu như Pan Am bắt đầu ngứa mắt và ra tay. Họ hạ giá vé của mình xuống đúng bằng giá vé của Laker, và khách hàng bắt đầu rời bỏ Laker, khiến hãng hàng không này chìm sâu vào khủng hoảng và cuối cùng là phá sản.
Chiêu đẩy đối thủ vào khủng hoảng này rất phổ biến hiện nay. Các đại gia công nghệ như Microsoft Oracle, Facebook, Amazon chính là những bậc thầy trong lĩnh vực này. Danh sách các công ty bị những ông lớn này đẩy vào khủng hoảng rồi thôn tính vẫn đang ngày một dài thêm. Mặc dù chiến lược này không phải lúc nào cũng thành công, thi thoảng vẫn có những công ty “cứng đầu cứng cổ” như Snapchat bao lần vượt qua khủng hoảng do Facebook đẩy vào mà vẫn còn đứng vững đến bây giờ…
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, kinh doanh khủng hoảng không thể không có mặt của truyền thông.
Truyền thông khủng hoảng
Một tối cuối tháng 10 năm 2014, bác sĩ Craig Spencer trở về Mỹ sau chuyến đi khám chữa bệnh tình nguyện ở Guinea. Sáng hôm sau ngủ dậy, ông bị sốt. Ông gọi điện đến bệnh viện và ngay lập tức ông bị cách ly, vì đã bị nhiễm Ebola.
Là một bác sĩ chuyên nghiệp, ông đã tuân thủ rất nghiêm túc quá trình cách ly và được xác nhận không truyền nhiễm ra cho cộng đồng.
Nhưng tất cả những sự chuyên nghiệp về mặt y tế đó không ngăn được một cơn lũ tin tức về đại dịch Ebola bùng nổ trên các phương tiện truyền thông.
Nước Mỹ lập tức náo loạn. Học sinh nghỉ học, không cho tiếp xúc với người Châu Phi. Chính trị gia đề xuất cấm người Châu Phi có liên quan tới Ebola nhập cảnh, cách ly lao động Châu Phi ở Mỹ.
Khi cơn khủng hoảng Ebola trên truyền thông lắng lại, các số liệu chính thức cho thấy, xác suất nhiễm Ebola ở Mỹ là 1 phần 13,3 triệu, thấp hơn cả xác suất bị máy bay rơi, hay bị sét đánh trúng, hay thậm chí bị ong đốt, bị cá mập cắn. Khủng hoảng thực tế chỉ tồn tại trên mặt báo, và giới truyền thông Mỹ đã kiếm được hàng triệu đô từ quảng cáo nhờ “khủng hoảng Ebola”.
Bởi vậy, không có gì lạ khi truyền thông có xu hướng cường điệu hóa thêm các cuộc khủng hoảng, reo rắc thêm nỗi sợ để kiếm lời. Trùm truyền thông Rupert Murdoch có công thức rất đơn giản: Lan truyền nỗi sợ. Có nỗi sợ người ta sẽ mua báo, sẽ xem tin tức, sẽ click vào đường link và truyền thông sẽ có tiền.
Trong các cuộc khủng hoảng, những kẻ chủ động kinh doanh khủng hoảng là những bên có lợi. Nhưng trong mọi trường hợp, người dân vẫn luôn là người hứng chịu tổn thất cuối cùng.