Vì sao CEO Coca-Cola, Netflix, Amazon "kêu gọi" thất bại?
Tại sao nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công như Coca-Cola, Netflix, Amazon, Domino’s Pizza “kêu gọi” đồng nghiệp và cả công ty mình phạm nhiều sai lầm hơn và thất bại nhiều hơn?
Bill Taylor – nhà đồng sáng lập Tạp chí Fast Company đã trả lời cho câu hỏi này bằng những dẫn chứng cụ thể trong một bài viết trên Harvard Business Review:
Ngay sau khi trở thành CEO của Coca-Cola Co., James Quincey đã kêu gọi các nhà quản lý ở mọi cấp bậc tại Coca-Cola vượt qua nỗi sợ thất bại đã “đeo bám” Công ty kể từ “thất bại kinh điển” vào năm 1985, khi Coca-Cola quyết định ngừng sản xuất loại nước ngọt đã quen thuộc với mọi người và thay thế bằng một công thức mới có tên New Coke. Câu chuyện này sau đó trở thành bài học kinh điển về thất bại của thương hiệu. “Nếu không phạm sai lầm, chúng ta sẽ không cố gắng đủ”, ông nhấn mạnh.
Hồi giữa năm 2017, thậm chí khi Netflix đang tận hưởng thành công vì tỷ lệ người xem đang rất cao, CEO Reed Hastings vẫn lo lắng rằng Netflix đang có quá nhiều chương trình ăn khách và tỷ lệ hủy bỏ những chương trình cũ đang quá thấp. Bởi trên thực tế, Netflix trước giờ luôn sản xuất các chương trình truyền hình dựa trên big data, giúp họ biết được sở thích của người xem.
Trong khi các nhà đài khác liên tục làm chương trình mới rồi phải hủy bỏ vì không đánh trúng thị hiếu người xem, Netflix luôn làm phần tiếp theo cho các chương trình ăn khách của mình – những chương trình mà Hãng biết chắc khán giả sẽ thích.
“Chúng tôi phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn, làm những thứ điên rồ hơn, và vì thế chúng tôi nên hủy bỏ nhiều chương trình cũ hơn”, Reed nói trong một hội nghị công nghệ.
Thậm chí CEO Amazon Jeff Bezos – một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới – cũng nhìn nhận, sự tăng trưởng và những đột phá của Amazon được xây dựng từ những thất bại của chính nó. “Nếu bạn chấp nhận đánh cược lớn, chúng sẽ giống như cuộc thử nghiệm. Và nếu chúng là những cuộc thử nghiệm, bạn sẽ không thể biết trước rằng chúng có hiệu quả hay không. Thất bại cũng là bản chất của cuộc thử nghiệm. Nhưng một vài thành công lớn sẽ bù đắp lại cho nhiều lần thất bại”, ông giải thích ngắn gọn sau thương vụ Amazon mua lại Whole Foods.
Thông điệp từ những vị CEO nổi tiếng này rất dễ hiểu, nhưng không dễ thực hiện. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cả tập thể trong công ty họ luôn sống trong nỗi sợ phạm sai lầm, sợ sự thất vọng, thất bại. Đó chính là lý do vì sao công ty họ có rất ít hàm lượng đổi mới sáng tạo. Trong khi nếu không sẵn sàng chấp nhận thất bại, bạn sẽ không thể sẵn sàng để học hỏi. Và nếu các nhà lãnh đạo và công ty/tổ chức không học hỏi với tốc độ nhanh như cách mà thế giới đang thay đổi, họ sẽ không bao giờ duy trì được sự tăng trưởng phù hợp với các xu hướng phát triển chung.
Làm sao để những thất bại nhỏ tạo nên những thành công lớn? Smith College – trường nữ sinh ở miền tây Massachusetts – đã tạo ra chương trình “Failing Well” để dạy sinh viên cách duy trì sự học hỏi. “Điều chúng tôi đang cố gắng dạy sinh viên là: thất bại không phải là một lỗi lầm trong quá trình học hỏi, mà là một tính chất đặc trưng”, Rachel Simmons – người thực hiện sáng kiến này cho biết trong một bài viết trên New York Times.
Sau khi tham gia chương trình, các sinh viên sẽ nhận được một chứng chỉ về thất bại trong một mối quan hệ, một dự án, một bài kiểm tra, hoặc một sáng kiến quan trọng nào đó, nhưng họ được ghi nhận “vẫn là một người hoàn toàn xứng đáng và tuyệt vời”. Những sinh viên được chuẩn bị để đón nhận thất bại thì luôn táo bạo hơn những người cầu toàn.
Mọi người có xu hướng nghĩ rằng “chơi để không thua, hơn là chơi để thắng”, bởi vì đối với tất cả chúng ta, “nỗi đau thua cuộc lớn gấp đôi cảm giác hài lòng khi chiến thắng”.
Đây cũng là một bài học nên được áp dụng vào lĩnh vực kinh doanh. Patrick Doyle trở thành CEO của Domino’s Pizza từ năm 2010, và ông đã có được một trong những thành công lớn nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào lãnh đạo công ty chỉ mới trong 7 năm. Nhưng ông nhận định, tất cả những thắng lợi của Công ty đều dựa trên sự sẵn sàng đối mặt với khả năng không thành công. Trong một buổi trao đổi cùng các CEO khác tại một sự kiện, Doyle kể về 2 thách thức lớn nhất mà Công ty và các cá nhân trong Công ty phải vượt qua trên hành trình thực hành “sẵn sàng thất bại”.
Thách thức đầu tiên là hầu hết mọi người khi có một ý tưởng mới, họ chọn cách không theo đuổi nó đến cùng vì nghĩ rằng nếu cố gắng thử một cái gì đó và thất bại, nó sẽ hủy hoại sự nghiệp của họ.
Thách thức thứ hai là xu hướng nghĩ rằng “chơi để không thua, hơn là chơi để thắng”, bởi vì đối với tất cả chúng ta, “nỗi đau thua cuộc lớn gấp đôi cảm giác hài lòng khi chiến thắng”.
“Cho phép mình thất bại” là việc khó khăn, nhưng là điều kiện cần thiết để thành công. Đó là lý do Patrick Doyle nói rằng “thất bại là một lựa chọn”.
Reed Hastings, Jeff Bezos và CEO mới của Coca-Cola đều có cùng quan điểm: Không có sự học hỏi nào không đến từ sai lầm, không có thành công nào không được xây dựng từ thất bại. Đó chính là lý do họ luôn kêu gọi thất bại. Và đây chính là bài học cho tất cả chúng ta.