Tránh bẫy quản trị thu nhập sáng tạo

TS. Lê Đức Khánh, Chuyên gia Chứng khoán 31/03/2020 11:23

Quản trị thu nhập sáng tạo bao gồm các hành vi “xào nấu” số liệu tài chính để điều chỉnh thu nhập, thay đổi dòng tiền… khiến các nhà đầu tư dễ bị rơi vào bẫy thao túng cổ phiếu.

Từ giai đoạn 2000 đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã vi phạm các quy tắc, chuẩn mực liên quan đến các hoạt động báo cáo tài chính, làm đẹp số liệu với mục tiêu “thao túng giá cổ phiếu”. Trong đó có thể kể đến CTCP Thương mại thiết bị y tế Việt – Nhật (JVC), CTCP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID), CTCP Tài nguyên (TNT), CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA)…

 Arthur Andersen - Công ty kiểm toán cho tập đoàn phá sản Enron, đã chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 500.000 USD và chịu thử thách 5 năm do gian dối trong việc cung cấp thông tin kiểm toán.

Arthur Andersen - Công ty kiểm toán cho tập đoàn phá sản Enron, đã chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 500.000 USD và chịu thử thách 5 năm do gian dối trong việc cung cấp thông tin kiểm toán.

“Đánh bóng” số liệu tài chính

Với 20 năm tuổi đời, TTCK Việt Nam vẫn được coi là chưa hoàn hảo so với nhiều TTCK trên thế giới. Các tiêu chuẩn niêm yết trên các sàn giao dịch đã có lúc chưa được thắt chặt khiến nhiều doanh nghiệp yếu kém vẫn có thể chào sàn thành công. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô lớn cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của giới đầu tư và sự lỏng lẻo của các cơ quan doanh thu và lợi nhuận, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.

Trên thực tế, các nhà đầu tư rất dễ bị “mờ mắt” bởi uy tín, hình ảnh thương hiệu của một doanh nghiệp lớn, mà quên đi việc phân tích kỹ lưỡng số liệu báo cáo, kiểm tra thận trọng số liệu liên quan đến dòng tiền. Do đó, các nhà đầu tư có nguy cơ dính bẫy thao túng cổ phiếu.

Theo thống kê có một số thủ thuật làm sai lệch số liệu thu nhập bao gồm các hành vi như ghi nhận doanh thu sớm: Số liệu bán các căn hộ, số liệu bán hàng khi chưa ký hợp đồng… hay ghi nhận doanh thu ảo, chuyển chi phí hiện tại sang thời kỳ kế toán sau hay sử dụng các kỹ thuật kế toán nhằm che dấu lỗ, che dấu chi phí hoặc điển hình hơn đó là chuyển thu nhập hiện tại sang các kỳ báo cáo sau…

Ngoài ra còn có các thủ thuật liên quan đến điều chỉnh dòng tiền của doanh nghiệp và nhiều các kỹ thuật điều chỉnh, quản trị thu nhập khác.

Rõ ràng, các doanh nghiệp niêm yết có rất nhiều kỹ thuật có thể sử dụng nhằm hướng đến hoạt động quản trị thu nhập có mục đích. Tùy vào mục tiêu từng thời kỳ mà các doanh nghiệp có thể áp dụng những hành vi ở mức độ nặng/nhẹ khác nhau để làm đẹp số liệu tài chính. Đa số các hành vi đó là nghiêm trọng, không phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực kế toán và cũng là điều cảnh báo đối với các nhà đầu tư.

Cẩn trọng số liệu kiểm toán

Hiện nay quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp niêm yết ngày càng nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có khả năng sử dụng quản trị thu nhập sáng tạo ngày càng càng cao.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp là điều kiện cần, quan trọng hơn đó là số liệu doanh thu và lợi nhuận, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là cần xem xét kỹ lưỡng dòng tiền ra vào của doanh nghiệp. Đây chính là chìa khóa để đánh giá chất lượng cũng như dự báo triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.

Các hiện tượng “làm mượt” số liệu tài chính thường xảy ra ở các doanh nghiệp trước khi chào sàn. Đối với các trường hợp này, các nhà đầu tư nên để TTCK tự đánh giá cung cầu liên quan đến các cổ phiếu này. Nếu thị trường đánh giá tốt (phản ánh qua diễn biến giao dịch cổ phiếu từ 3 – 6 tháng sau khi niêm yết) thì lúc đó nhà đầu tư mới nên xem xét giải ngân. Dù một cổ phiếu được các công ty chứng khoán đánh giá cao nhưng các nhà đầu tư cũng phải tự mình xem xét. Hoạt động phân tích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đòi hỏi kinh nghiệm, am hiểu ngành nghề cũng như các kỹ năng định giá cơ bản.

Cuối cùng, vai trò của đơn vị kiểm toán luôn rất quan trọng. Nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ lưỡng kinh nghiệm, vị thế của công ty kiểm toán đối với doanh nghiệp mà mình quan tâm. Câu chuyện Arthur Andersen (Công ty kiểm toán cho tập đoàn phá sản Enron đã chính thức bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 500.000 USD và chịu thử thách 5 năm do gian dối trong việc cung cấp thông tin kiểm toán) là lời cảnh tỉnh đối với các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư về việc thao túng số liệu, quản trị thu nhập không hợp lệ.

Cho dù uy tín của các đơn vị kiểm toán thuộc nhóm BIG 4 hiện nay (E&Y, KPMG, Deloitte…) là rất lớn, nhưng việc xem xét kỹ số liệu tài chính của doanh nghiệp sẽ không bao giờ thừa đối với các nhà đầu tư cẩn trọng. Tất nhiên, đối với các công ty kiểm toán ít tên tuổi hơn thì việc kiểm tra số liệu tài chính của doanh nghiệp lại càng quan trọng hơn.

TS. Lê Đức Khánh, Chuyên gia Chứng khoán