4 bài học sống sót từ Vũ Hán cho doanh nghiệp trong thời kì phong tỏa vì COVID-19

Theo Vietnambiz 08/04/2020 11:23

Những bài học kinh nghiệm quý giá từ Alibaba và JD sẽ có ích cho các doanh nghiệp đang phải vật lộn trong thời kì phong tỏa để ngăn ngừa đại dịch viêm phổi cấp từ Vũ Hán.

Ngày 23/1/2020, chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa triệt để toàn bộ thành phố Vũ Hán. 11 triệu công dân cách li và chính quyền chặn tất cả đường cao tốc chính. Lệnh phong tỏa kéo dài 60 ngày - một khoảng thời gian không ai có thể tưởng tượng vào thời điểm đó.

Trong bối cảnh thay đổi đột ngột, hai tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Trung Quốc đã tìm cách vượt qua thách thức cũng như duy trì nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân Vũ Hán trong suốt thời gian cách li hai tháng.

Chiến thuật ứng phó của hai tập đoàn thành công nhờ mức độ đổi mới và tính linh hoạt rất cao. Họ triển khai công nghệ, tận dung các kĩ năng, xây dựng các quy trình mới mới và mở rộng đáng kể phạm vi sản phẩm hay dịch vụ.

Áp dụng và thử nghiệm công nghệ

Alibaba là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cải cách, tận dụng nền tảng hậu cần công nghệ. Trong vòng chưa đầy 48 giờ, họ đã xác định và liên hệ với tất cả các đối tác sản xuất đủ điều kiện để sản xuất khẩu trang N95 cùng nhiều vật tư y tế khác.

Alibaba cũng theo dõi triệt để quá trình vận chuyển kho hàng đến Vũ Hán, đặt lịch mở bán cho các nguồn cung cấp quan trọng như mặt nạ và chất khử trùng tay với mức giá bình ổn thông qua các thị trường B2C và C2C, Taobao và Tmall.

Đồng thời, hệ thống thanh toán kĩ thuật số tích hợp AliPay cũng được tận dụng để quyên góp tiền ủng hộ trực tuyến trên cả nước, thu về 1 triệu USD chỉ sau 8 giờ đầu tiên.

Trong thời gian Vũ Hán phong tỏa, các nhà bán lẻ trực tuyến phải đối mặt với một thách thức tức thời: Làm thế nào để giao hàng trong thành phố Vũ Hán mà không cần nhân lực từ bên ngoài?

Tuy không phải là một giải pháp hoàn hảo nhưng JD.com và các nhà bán lẻ khác đã triển khai công nghệ xe tự động mới tại Vũ Hán. Lô xe thông minh được đưa tới ngoại ô Vũ Hán, nạp bản đồ địa phương và được điều khiển từ xa để giao hàng cho các bệnh viện và hộ gia đình trong thành phố.

Đường phố vắng vẻ trở thành điều kiện lí tưởng để thử nghiệm các thiết bị thông minh mới. Đồng thời, ngành bán lẻ đã có giải pháp đối phó tạm thời cho nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng mà không vi phạm quy định chống dịch của chính phủ.

Tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi

Lệnh phong tỏa đã tạo ra nguồn cầu tăng đột biến với các mặt hàng chủ lực như gạo, bột mì và dầu ăn cũng như rau, thịt, cá và các loại hải sản khác. Khi những người tiêu dùng truyền thống đồng loạt phải chuyển sang các cửa hàng trực tuyến chỉ sau một đêm, chuỗi cung ứng thương mại điện tử của Trung Quốc bất ngờ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Freshippo, một công ty con của ngành hàng tạp hóa Alibaba bắt đầu thuê nhân công từ các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ đang tạm thời đóng cửa cho chuỗi cung ứng của họ. JD.com nhánh 7Fresh nhanh chóng làm theo.

Các công ty đã tìm ra cách tận dụng nguồn nhân lực sẵn có kĩ năng vận hành và hậu cần, đồng nghĩa với việc họ chỉ phải đào tạo một số cách thích nghi mới khi chuyển sang nền tảng thương mại điện tử.

Xây dựng quá trình vận hành hoàn toàn mới

Nhân viên giao hàng phải tương tác với một lượng lớn khách hàng mỗi ngày, gặp rủi ro lớn về y tế và mang nguy cơ truyền nhiễm virus. Để giảm thiểu những rủi ro này, JD.com và Alibaba không chỉ trang bị cho nhân viên khẩu trang kháng khuẩn, găng tay và chất khử trùng mà còn bổ sung các quy trình an toàn mới như kiểm tra thân nhiệt, khử trùng bắt buộc trước và sau mỗi lần giao hàng.

Quá trình giao hàng thông thường cũng cần tái cơ cấu. Trước đó, một đơn hàng cần có chữ ký xác nhận trực tiếp của khách hàng nhưng lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc nhiều khu dân cư không có lối vào.

Do đó, các công ty thương mại điện tử như JD.com ban đầu buộc phải chịu nhiều thiệt hại do giao hàng thất bại.

Để giải quyết vấn đề này, họ đã đặt thêm nhiều hộp kí gửi ở bên ngoài các khu dân cư đang bị cách li và thay đổi quy trình. Khi một gói hàng được đặt vào hộp kí gửi, mã vạch sẽ được một ứng dụng di động gửi tới người tiêu dùng để xác nhận trực tuyến ngay lập tức.

Ngoài ra, những cư dân tình nguyện giúp phân phối hàng hóa cho những người không thể rời khỏi căn hộ cũng được tuyển dụng và trả lương. Các ứng dụng di động quản lí những cư dân tình nguyện ấy.

Thử nghiệm trong các lĩnh vực mới

Cuộc khủng hoảng cũng tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp thương mại điện tử tiếp tục cạnh tranh trong những lĩnh vực mà họ dường như đã thua cuộc. Điển hình là bộ phận dịch vụ y tế của JD.com cho đến nay đã thất bại trong việc thu hút phần lớn khách hàng vốn đang nghiêng về Good Doctor PingAn hoặc AliHealth của Alibaba.

Dự đoán nhu cầu tư vấn ý tế trực tuyến trong mùa dịch COVID-19 sẽ tăng đột biến, JD.com đẩy mạnh hoạt động kinh doanh từ xa, nhanh chóng bổ sung thêm nhiều bác sĩ vào mạng lưới.

Chỉ sau vài ngày, nền tảng của JD không chỉ trở thành kênh xử lí giao dịch mua bán sản phẩm y tế và điều trị từ xa tiêu chuẩn, mà còn là một trong những dịch vụ sàng lọc triệu chứng Covid-19 hàng đầu cho người dân Trung Quốc trên cả nước.

Thông qua một bảng câu hỏi do chính phủ quy định, các bác sĩ từ xa có thể đánh giá khả năng nhiễm nCoV của người gọi đến. Họ áp dụng giao thức này cho tất cả người dùng và nếu một người được xem là có nguy cơ, thông tin sẽ được chuyển tới một bệnh viện địa phương để người liên quan kiểm tra thể chất.

Khi các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu đang tiếp tục gồng mình chống lại cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, những chiến lược ứng phó nhanh chóng của các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc là bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu.

Bên cạnh trách nhiệm xã hội và đạo đức trong mùa đại dịch, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho thời kì phục hồi hậu COVID-19, không chỉ về tinh thần mà cả về năng lực và cơ hội chiến lược ngay từ thời điểm này.

Theo Vietnambiz