Khảo sát: 75% doanh nghiệp chọn cắt giảm lương nhân viên nếu tình hình khó khăn kéo dài
Theo kết quả khảo sát, quá nửa doanh nghiệp tham gia trả lời (52%) dự báo sẽ giảm doanh thu, ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc nhóm Hàng Tiêu dùng thiết yếu và Y dược.
Nếu tình hình kéo dài, 75% DN sẽ cắt giảm chi phí nhân sự. Một số doanh nghiệp thuộc ngành Sản xuất, Công nghệ cao, Giáo dục thậm chí dự kiến cắt giảm 30 đến trên 40% ngân sách nhân sự.
Mới đây, Công ty Talentnet - doanh nghiệp lĩnh vực tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự tổng hợp vừa công bố Khảo sát nhanh về cách nhìn nhận và đối ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2020, thu được phản hồi của 172 doanh nghiệp trong đa dạng ngành nghề và lĩnh vực, đã cho thấy những khó khăn mà các DN phải đối mặt và nguy cơ cho người lao động.
Khảo sát này được thực hiện trong thời gian có nhiều diễn biến nhanh liên quan tới dịch Covid-19 tại Việt Nam và khắp toàn cầu. Lần đầu tiên toàn thế giới có một mối quan tâm chung và cộng đồng doanh nghiệp khắp nơi đều chưa từng có tiền lệ ứng phó với tình huống tương tự.
Theo đó, quá nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát (52%) dự báo sẽ giảm doanh thu, ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc nhóm Hàng Tiêu dùng thiết yếu và Y dược, và một số không nhỏ 27% cho biết vẫn chưa xác định rõ về các thay đổi sắp tới. Nếu tình hình kéo dài, 75% DN sẽ cắt giảm chi phí nhân sự.
Mặc dù vậy, theo bà Nga Vương - Trưởng bộ phận Tuyển dụng cấp cao Talentnet, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, khi các DN phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường sẽ chứng kiến nhiều cuộc tuyển dụng quy mô. Lúc này, nhu cầu tuyển dụng những vị trí cấp cao cũng sẽ rất lớn vì các DN cần được vực dậy bởi những chiến lược mang tính thúc đẩy từ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Đây là cơ hội để người lao động thử sức cũng như chinh phục những đỉnh cao mới trong công việc.
Khi DN bắt đầu tuyển dụng lại, họ sẽ không chỉ có lượng ứng viên dồi dào mà còn chất lượng. Mặt khác, với nhiều lao động, việc trở lại sau khủng hoảng còn đánh dấu sự khởi đầu mới, háo hức và nhiều quyết tâm hơn. Điều này chắc chắn sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực cho DN.
Trước tình hình khắp nơi trên thế giới thực hiện cách ly hay giãn cach xã hội, thách thức các cách làm việc thường ngày, việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chắc chắn không tránh khỏi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi cách làm việc và hiện thực hóa chuyển đổi số. 87% các doanh nghiệp thực hiện chính sách làm việc tại nhà, kể cả các doanh nghiệp thuộc ngành trước đây luôn cho rằng không thể áp dụng chính sách này.
Sự thay đổi cách làm việc đặt lãnh đạo các cấp phải thay đổi tư duy nhanh chóng. Việc trao quyền vốn có nhiều rào cản bỗng chốc trở thành giải pháp duy nhất để quản lý hiệu quả. Truyền thông nội bộ được đẩy mạnh bằng các kênh khác nhau để thực hiện việc gắn kết, đồng thời đẩy mạnh tính gắn kết của nhân viên và hiệu suất làm việc.
Trong bối cảnh đó, các mối quan tâm về nhân sự nhằm tăng cường hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí bao gồm Tối ưu hóa nguồn lực, Ngân sách nhân sự, đồng thời nâng cao năng lực tổ chức là các ưu tiên hàng đầu.
Điều đáng trân trọng là dù trước tình hình khó khăn và thách thức, các biện pháp ứng phó Nhân sự trong khảo sát này đều thể hiện tinh thần "Nhân viên là Tài sản Đáng giá nhất của công ty" thông qua các quyết định về chi trả Lương, Thưởng và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Dưới đây là một số kết quả đáng chú ý từ khảo sát nhanh của Talentnet.
Các biện pháp quản lý từ xa và gắn kết nhân sự trong mùa dịch
75% doanh nghiệp khảo sát xem xét cắt giảm chi phí nhân sự
Tỷ lệ ngân sách nhân sự dự kiến sẽ cắt giảm: Phổ biến dưới 20%
Trả lương cho người lao động ngừng việc tạm thời: Ưu tiên trả lương theo thỏa thuận