Hậu cách ly dịch COVID-19, chuyên gia hiến kế giúp doanh nghiệp bảo toàn nhân sự

Theo VTV 06/05/2020 17:10

Thời điểm này, câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở chính là "tiếp lửa" như thế nào để giữ chân nhân sự, đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Ngày 5/5, tại talkshow "Đi làm hậu cách ly - Tiếp lửa cho nhân sự" do ACheckin tổ chức, những vấn đề khó khăn khi quản trị nhân sự đã được đưa ra bàn luận và được các khách mời chia sẻ các giải pháp thực tế cho doanh nghiệp.

Talkshow có sự tham gia của các khách mời là anh Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX (Thuộc Tổ chức giáo dục FPT), anh Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành CSCI INDOCHINA và anh Phan Sơn - chuyên gia trưởng học viện Quản trị HRD Academy và host là anh Trần Quốc Toản - Co-Founder Appota Group, CEO Adsota. Để bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, talkshow được tổ chức không có khán giả, nội dung đã được thiết kế cho việc theo dõi từ xa qua livestream.

Hậu cách ly, nhân sự đi làm trong trạng thái đầy âu lo sợ mất việc, giảm lương thưởng

Dịch COVID-19 để tại nhiều hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp và người lao động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý I/2020, có tới 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, 12.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể. Cũng theo tổng cục thống kê, gần 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng. Những con số này đã cho thấy một thực tế đầy khắc nghiệt và khiến nhân sự của các doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Với các nhân sự ở lại, họ phải làm việc nhiều hơn bình thường để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, thời gian giãn cách xã hội, làm việc tại nhà đã khiến mối quan hệ, tương tác trong công việc giữa các thành viên trong công ty gián đoạn, kém hiệu quả.

Thời điểm này, câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở chính là "tiếp lửa" như thế nào để giữ chân nhân sự, giúp làm việc một cách nhiệt huyết, đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Loạt giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp "tiếp lửa" cho nhân sự hậu cách ly

"Tối ưu hoá" là keyword chứ không phải "cắt giảm"

Ảnh hưởng của COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu, thực tế đặt ra cho các tổ chức là phải cân đối lại các khoản chi, và làm sao cắt giảm hợp lý. Doanh nghiệp có nhiều gói chi phí khác nhau, những phần nào không quá cần thiết trong giai đoạn này sẽ có thể lược bỏ, nhưng chi phí về nhân sự sẽ là yếu tố cuối cùng để lựa chọn cắt giảm, ông Phan Sơn cho biết. Ngoài ra theo ông Đình Thành, thời điểm này, cắt giảm không phải là điều cần nhấn mạnh, doanh nghiệp nên đặt vấn đề tối ưu hóa dòng tiền lên trên hết để đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp.

Trong trường hợp buộc phải cắt giảm lương thưởng, nhân sự, cần phải dựa vào các yếu tố về hiệu quả công việc của nhân viên để thực hiện một cách hợp lý và quan trọng nhất là việc nói như thế nào với nhân viên để đối mặt với các tin xấu.

Hơn hết, chủ doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị, chủ động bằng cách luôn minh bạch hóa thông tin, đánh giá nhân sự trên các thước đo, thực hiện tối ưu chi phí, thành lập quỹ dự phòng cho các tình huống như hiện nay.

Hậu cách ly, cách tương tác trong công việc đang có sự thay đổi kết hợp cả online và offline

Theo ông Phan Sơn, sự thay đổi môi trường làm việc hiện nay buộc nhân viên làm việc cần có mục tiêu cụ thể hơn, tần suất cập nhật, báo cáo kết quả công việc phải tăng nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt bình thường chưa làm tốt việc đánh giá công việc thì đây là cơ hội để làm quản lý tốt hơn.

Cho rằng quy trình cũng là một điều rất quan trọng, CEO có thể không đến văn phòng, không kiểm soát quá nhiều, chỉ cần quy trình rõ ràng chặt chẽ thì nhân viên vẫn sẽ làm việc hiệu quả, ông Thành Nam cho biết.

Về sự thay đổi trong cách tương tác làm việc, ông Đình Thành đưa ra hai từ là "mix" và "care" nghĩa là nhân sự đang làm việc trong bối cảnh có sự kết hợp giữa cách làm việc online và làm việc tại văn phòng. Đồng thời, giai đoạn này người chủ doanh nghiệp và nhân viên đều phải có sự quan tâm, thông cảm cho nhau, cùng đào tạo lẫn nhau để hướng đến kết quả công việc cuối cùng. Cũng theo ông Thành Nam, cách tương tác làm việc hiện tại, không phải là mang cách làm offline lên online mà sẽ phải sáng tạo về cách làm hơn, chú trọng nội dung công việc nếu không sẽ khó đi được đường dài trong khi chưa thể ngăn chặn hoàn toàn dịch COVID.

Thời điểm khó khăn này của doanh nghiệp chính là phép thử xem văn hoá doanh nghiệp đã đủ mạnh hay chưa

Khi những yếu tố ràng buộc nhân viên như lương thưởng bị lung lay thì văn hoá doanh nghiệp là sợi dây chắc chắn nhất kết nối doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp trước đó không chú trọng quá nhiều vào yếu tố này khiến họ loay hoay đi tìm "văn hoá".

Ông Thành Nam cho rằng: "Xây dựng văn hóa bền vững là quan trọng. Những lúc như thế này là lúc văn hoá doanh nghiệp thể hiện rõ nhất".

Ông Đình Thành cho rằng, văn hoá doanh nghiệp không phải là các hoạt động vui chơi, team building chỉ là bề nổi, là chiêu trò còn bản chất các hoạt động phải đi từ văn hóa doanh nghiệp cốt lõi đi lên. Nhiều doanh nghiệp không có truyền thông nội bộ. Truyền thông nội bộ là cả một nghề, không nên ghép vào với HR. Công việc này cần nhiều kỹ năng như lên kế hoạch, thông điệp kết nối, kết hợp đối nội đối ngoại.

Bản chất văn hóa doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng có. Dịch bệnh có thể kéo dài và chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều trường hợp như vậy. Thế nên, các tổ chức cần chuẩn bị quỹ dự phòng, vun đắp văn hóa doanh nghiệp, xem lại triết lý kinh doanh của mình như thế nào.

Để từ đó, dù thay đổi hình thức truyền thông nội bộ như thế nào, dù phải chuyển từ offline sang online thì vẫn có "chất" để truyền thông.

Năng lực của nhân viên thật sự được bộc lộc trong giai đoạn COVID

"Lửa thử vàng gian nan thử sức", thời điểm làm việc từ xa hay khi công ty khó khăn, các năng lực thật sự của nhân viên sẽ bộc lộ rõ nét. Những tính cách như sự kỷ luật, trách nhiệm, làm việc có mục tiêu, có sự học hỏi sẽ được lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấu.

Giai đoạn này, theo ông Phan Sơn những nhân sự có sự uy tín, thích nghi, kiến tạo sẽ là những năng lực được đánh giá cao để phát triển. Ông Phan Sơn còn hé lộ câu hỏi sẽ được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng khi phỏng vấn ứng viên là: "Thời gian cách ly xã hội bạn đã làm được những gì, học được những gì?"

Ông Thành Nam có một góc nhìn khá mới về năng lực của nhân viên, ông cho rằng thời điểm này là cơ hội mà một người có thể làm nhiều việc khác nhau, nhiều dự án khác nhau của nhiều công ty khác nhau. Một ông chủ sẽ không sở hữu nhân viên của riêng mình nữa. Nguồn lao động của đất nước sẽ tận dụng tối ưu hơn. Xu hướng này hiện đã khá phát triển ở nước ngoài. Thời điểm này đã tạo ra một cơ hội mới, một thời đại mới, xây dựng một nền văn hóa làm việc mới.

Ông Đình Thành chia sẻ quan điểm về các năng lực mà một nhân sự cần có trong bối cảnh hiện tại. Đó là Thích nghi: năng động và chủ động hơn; Take Ownership: công việc của tôi là danh dự của tôi; Integrity: làm việc đúng đắn ngay cả khi không ai theo dõi.

Kết thúc talkshow, các khách mời đã đúc kết điều quan trọng nhất cho doanh nghiệp lúc này là phải chủ động hơn, chuẩn bị nhiều phương án bởi giai đoạn vừa rồi mới là tập dượt. Để luôn tạo được niềm tin và động lực cho nhân viên, doanh nghiệp cần xem lại các nền tảng như triết lý thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp.

Theo VTV