Doanh nghiệp Việt Nam và “hiệu ứng Domino” thời COVID-19

Theo Đầu tư 14/05/2020 17:00

Theo thống kê của Adsota, hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát nhân định rằng doanh thu sẽ sụt giảm tới lớn hơn 16% vì dịch COVID-19.

Ngày 13/5, Adsota chính thức phát hành báo cáo Khủng hoảng COVID-19: Tác động và tiềm năng phục hồi, cung cấp những số liệu và phân tích về ảnh hưởng của COVID-19 tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời đưa ra những xu hướng và giải pháp giúp thương hiệu vượt qua khủng hoảng sau mùa dịch.

Sự bùng phát của COVID-19 đã gây nhiều biến chuyển cho nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn khu vực. Hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát nhân định rằng doanh thu sẽ sụt giảm tới lớn hơn 16%. Cụ thể, du lịch, xuất nhập khẩu, sản xuất và sản phẩm cao cấp là các ngành chịu ảnh hưởng nhất.

Ngoài ra, hành vi tiêu dùng cũng có sự thay đổi rõ rệt do bệnh dịch. Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đạt lượng tiêu thụ khổng lồ, cao nhất là nước rửa tay với tỷ lệ tăng trưởng 794%. Dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà là những lĩnh vực hiếm hoi phát triển tích cực với mức chi tiêu tăng lần lượt 20% và 12%.

Hơn một nửa số doanh nghiệp Việt Nam thiệt hại nặng nề do "hiệu ứng Domino" từ COVID-19

Dưới ảnh hưởng của COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với "hiệu ứng Domino". Theo đó, lần lượt các ngành hàng đều đang đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Có tới 89% doanh nghiệp được khảo sát tin rằng doanh thu sẽ giảm thiểu từ 1% đến hơn 20%. Nếu COVID-19 kéo dài hơn 6 tháng, doanh thu của gần 89% doanh nghiệp sẽ đồng loạt giảm tới 20-50%, thậm chí có tới 60% doanh nghiệp trong số đó dự đoán doanh thu sẽ giảm trên 50%.

Hành vi người tiêu dùng thay đổi do COVID-19: Nguy hay cơ cho các doanh nghiệp?

Hầu như toàn bộ thị trường Việt Nam đều đang phải chịu những tác động tiêu cực. Chi tiêu cho các ngành thực phẩm đóng gói, giáo dục, chăm sóc cá nhân và chăm sóc sức khỏe giảm nhẹ từ 4% đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, việc mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà lại cho thấy mức tăng ấn tượng với lần lượt 20% và 12%.

Để bắt kịp xu hướng này, rất nhiều dịch vụ mới đã được thử nghiệm và đưa vào hoạt động nhanh chóng hơn bao giờ hết để đáp ứng cho nhu cầu của người dùng dưới áp lực của bệnh dịch. Dịch COVID-19 đã gây ra vô vàn khó khăn nhưng cũng là động lực để một số doanh nghiệp phát triển và nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Video và Game thay nhau "tranh top" ứng dụng mùa dịch

Trong thời gian lệnh cách ly xã hội được ban hành, nhu cầu kết nối, làm việc và học tập online đã khiến lượt tải của ứng dụng giao tiếp qua video gia tăng đáng kể. Trong khi đó, mạng xã hội tiếp tục được ưa chuộng do người người tiêu dùng dần dành nhiều thời gian lên mạng hơn trước đây, đặc biệt là đối với các nền tảng mạnh về định dạng video như TikTok, Youtube, Facebook,..
Đồng thời, chơi game mobile cũng bắt đầu trở thành hoạt động giải trí hàng đầu trong bối cảnh cách ly và ngày càng có nhiều game miễn phí chất lượng cao được phát hành. Do đó, các ứng dụng Game nghiễm nhiên sẽ chiếm được những vị trí "đắc địa" trong danh sách các ứng dụng hàng đầu.

Gaming Livestream tăng vọt về lượng người xem trên Facebook, trở thành loại hình nội dung tiềm năng cho Digital Marketing

Kể từ tháng Tư, các nền tảng phát trực tiếp có nội dung về streaming game như YouTube và Facebook Gaming đã trải qua sự tăng trưởng lớn chưa từng có về lượt xem. Tỷ lệ reach và tương tác cũng tăng lần lượt 79.6% và 50%. Trong khi đó, lượt xem Game Livestream trên Facebook đã tăng tới 81.37% chỉ trong vòng nửa tháng gần kể từ đầu tháng Tư - tương đương với 119.2 triệu lượt xem. Nhờ những con số đầy hứa hẹn này, ngày càng nhiều nhãn hàng lựa chọn Game Livestream như một công cụ Marketing tối ưu nhằm duy trì tương tác và mở rộng tập khách hàng.

Theo Đầu tư