"Nữ hoàng" bán hàng online từ mỹ phẩm cho đến… tên lửa, và ngành công nghiệp livestreaming tỷ đô
Ở tuổi 34, Huang Wei đã trở thành triệu phú. Nữ hoàng bán hàng của Trung Quốc đang thống trị thế giới mua sắm trị giá lên tới 60 tỷ USD.
"Huang Wei có thể bán bất cứ thứ gì", Bloomberg mở đầu bài viết của mình
Hồi tháng 4, Huang, người được biết tới rộng rãi với cái tên Viya, đã bán một quả tên lửa cho một người mua ẩn danh với giá 5,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá trực tuyến thông qua livestream.
Chương trình mua sắm trực tuyến do Viya làm "host" có dạng như một chương trình tạp kỹ, vừa quảng cáo, vừa bán hàng, vừa trò chuyện. Tháng trước, một chương trình livestream của Viya đã đạt số lượng khán giả theo dõi cao kỷ lục: 37 triệu người. Con số này vượt qua lượng khán giả xem tập cuối series phim đình đám Trò chơi Vương quyền, đêm trao giải Oscar hay một trận bóng đá tối Chủ nhật.
Với mỗi chương trình livestream, Viya nhận được những đơn hàng trị giá hàng triệu USD ở đủ các thể loại mặt hàng từ mỹ phẩm, thiết bị nội thất, thực phẩm chế biến sẵn, quần áo, thậm chí nhà và xe hơi.
Vào ngày Độc thân 11/11, ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm của Trung Quốc, Viya đã bán được khối lượng hàng hóa trị giá tới 3 tỷ Nhân dân tệ.
Đại dịch COVID-19 khiến hầu hết mọi người đều phải ở nhà và lúc này kênh bán hàng của Viya càng trở nên hấp dẫn. Mỗi số livestream, lượng người theo dõi tăng gấp đôi.
Sự nổi tiếng và phổ biến của Viya mạnh đến nỗi hàng loạt các thương hiệu lớn như Tesla, P&G hay cựu thiên thần Victoria’s Secret Miranda Kerr đã chọn kênh của cô để giới thiệu sản phẩm tới thị trường Trung Quốc.
Theo ước tính của Bloomberg, hệ thống mua sắm trực tuyến của Viya có giá trị lên tới 60 tỷ USD và thu nhập của cô trong năm 2018 vào khoảng 30 triệu Nhân dân tệ (gần 100 tỷ đồng) trong năm 2018. Đây là số liệu Bloomberg dẫn lại từ gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba.
"Tôi định vị mình là người giúp khách hàng đưa ra quyết định. Tôi cần suy nghĩ về nhu cầu của họ", Viya nói vào một đêm muộn. Cô mặc quần đen giản dị với áo phông trắng và đội một chiếc mũ bóng chày Yankees cùng hoa tai bạc dài. Tất cả đồ cô diện tối hôm đó đã được bán hết.
"Tham vọng của tôi là cung cấp mọi thứ mà người theo dõi tôi cần. Thảm trải nhà, bàn chải, tăm bông, đồ nội thất, nệm… mọi thứ", Viya nói thêm.
Ngành công nghiệp livestreaming
"Thương mại điện tử livestreaming" là cách gọi mà các nhà phân tích dành cho các cách bán hàng của Viyan. Cách gọi này giờ đây đã quen thuộc với nhiều người Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia khác.
Đi tiên phong trong trào lưu này có thể kể chương trình "But wait, there’s more" của Ron Popeil vào những năm 1950, kênh truyền hình Home Shopping Network, tiểu mục Oprah’s Book Club của bà hoàng Oprah hay ngôi sao truyền hình thực tế kiêm bán hàng online Kim Kardashian.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng đã thử nghiệm mô hình bán hàng qua livestreaming này cách đây hơn một năm khi kết hợp với siêu mẫu Heidi Klum và ngôi sao đa năng Tim Gunn. Khi xem chương trình, người mua có thể mua hàng và thanh toán ngay lập tức trên nền tảng của Amazon. Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng cố gắng tích hợp phần mua sắm lên nền tảng của mình trong nhiều năm. Vào tháng 5 vừa rồi, Facebook đã tuyên bố hợp tác với Shopify để đưa tính năng mua sắm lên Instagram.
"Influencers (những người có ảnh hưởng), livestreaming, điện thoại thông minh, mạng xã hội… những thứ này là một vũ trụ", Benedict Evans, một nhà nghiên cứu độc lập ở Silicon Valley cho hay.
"Thật khó để dự đoán mọi thứ sẽ đi đến đâu nhưng tôi có thể khẳng định rằng, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ màu mỡ cho "vũ trụ" này", Benedict Evans nhấn mạnh.
Tại sao Trung Quốc lại là thị trường màu mỡ?
Tờ Bloomberg nhấn mạnh, không ở nơi nào trên thế giới, có tiềm năng cho ngành công nghiệp livestreaming như ở Trung Quốc, nơi mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen sâu sắc của người dân và có những nền tảng mua sắm cực mạnh. Các nước phương Tây không hề có những phương tiện truyền thông xã hội đủ mạnh, hệ thống thanh toán thông minh như ở Trung Quốc.
Với những gã khổng lồ như Alibaba, công nghệ bán hàng livestreaming đã lên một tầm cao mới. Ở những chương trình livestreaming, người dùng không chỉ xem, trò chuyện trực tiếp với người khác, chọn sản phẩm, trả tiền, mà còn có những giây phút giải trí thực sự. Sự kết hợp giữa giải trí và mua hàng – đó là chìa khóa của vấn đề.
"Tôi không thể bỏ lỡ một buổi livestream nào của Viya", Linda Qu, một nhân viên 30 tuổi ở Hàng Châu nói. Sau khi cho con đi ngủ, Linda mở một buổi livestream của Viya trong khi tập yoga hoặc xem tivi. Gần như chương trình nào cô cũng bấm vào mua một thứ gì đó. "Nếu có gì hay mà tôi lại bỏ lỡ thì thật là mất mát", Linda nói.
Một trong những lý do khiến các công ty tìm đến với Viya chính là sự nghi ngờ của tầng lớp trung lưu đang ngày một đông đảo ở Trung Quốc với hàng giả, hàng nhái.
Helen Lu, đại diện truyền thông của P&G cho hay, quá trình từ nhận thức, quan tâm đến mua sắm ở người dùng thường vận động khá chậm. Tuy nhiên với những khán giả của Viya, quá trình ấy trở nên rút ngắn rất nhiều.
Hầu hết các đêm, Viya thực hiện các chương trình livestreaming từ một studio nhỏ ở tầng 10, một trung tâm công nghệ ở Hàng Châu. Đây chỉ là một phần của doanh nghiệp 500 người có tên Qianxun. Công ty này quản lý cho hàng chục "ngôi sao" livestream, bán lẻ và và quản lý chuỗi cung ứng. Kế hoạch sắp tới của Qianxun là mở rộng sang mảng tư vấn và đại lý quảng cáo cho các thương hiệu muốn tiếp cận người dùng qua các chương trình livestream triệu người xem.
"Năm nay sẽ là bước ngoặt của ngành công nghiệp này. Tôi đã nói như vậy ngay cả trước đại dịch", ông Alves Huang, giám đốc điều hành của Qianxun cho hay. COVID-19 càng khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ chuyển mình, quyết tâm "lên mạng" với nhiều người nổi tiếng tham gia cuộc chơi. Vì thế ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ bùng nổ hơn nữa.