Từ Faceapp đến hiệu ứng "fomo" trong marketing

THEO MARCOM 22/06/2020 11:23

Những ngày gần đây, cả cộng đồng mạng đang có một phen “chuyển giới tập thể” với ứng dụng FaceApp khi trên mạng ngập tràn những tấm hình của mọi người ở trong một giới tính khác.

Trào lưu này nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, không chỉ những “dân sống ảo” mà cả những người nổi tiếng như Trấn Thành, Hòa Minzy,... cũng đều hào hứng chia sẻ các bức hình “chuyển giới” thú vị của mình và bạn bè.

Ứng dụng này lan truyền nhanh đến mức FaceApp lại một lần nữa lọt top 1 xu hướng tìm kiếm Google Trends vào ngày 19/6 kể từ trào lưu “người già” năm 2019. Không chỉ vậy, FaceApp còn nhanh chóng vượt qua Instagram, Facebook, WhatsApp, đứng top 3 ứng dụng phổ biến nhất với hơn 100 triệu lượt tải xuống. Vậy FaceApp là gì mà lại bỗng dưng hot đến như vậy?

 FaceApp là một ứng dụng công nghệ chỉnh sửa ảnh miễn phí sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các phiên bản khuôn mặt khác của người sử dụng một cách chân thực. FaceApp đã ra mắt từ năm 2017 nhưng đến năm 2019, FaceApp mới thu hút nhiều sự chú ý với tính năng làm lão hóa giúp người dùng có thể nhìn thấy mình trong phiên bản già đi vài chục tuổi.

Không ít người cảm thấy rất tò mò và thích thú với hình ảnh của mình trong tương lai. Bẵng đi một thời gian, lần này, FaceApp lại rộ lên khắp các mạng xã hội bởi tính năng chuyển đổi giới tính trên hình ảnh của người dùng.

 FaceApp thu hút người dùng bởi những tính năng chỉnh ảnh một thú vị nhưng cũng vô cùng chân thực khiến ai nấy đều khó có thể phân biệt được ảnh đã chỉnh sửa với ảnh thật. Phải chăng chỉ do chất lượng ảnh hay còn do nguyên nhân nào khác mà nhiều người đua nhau sử dụng ứng dụng đến vậy?

Lướt qua một lượt trên các trang mạng xã hội, không khó để có thể bắt gặp các sản phẩm tạo bởi FaceApp. Vậy nên không ít người chỉ vì sợ mình bị “tối cổ” mà chạy theo các xu hướng trên mạng xã hội hay còn gọi là bị rơi vào hiệu ứng FOMO. Vậy FOMO là gì mà mang nhiều “uy lực” vậy?

Hiệu ứng fomo là gì?

 FOMO (Fear Of Missing Out) một thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất cơ hội của con người. FOMO là biểu hiện tâm lý căng thẳng mà mọi người gặp phải bởi nỗi ám ảnh cảm giác mình đang bỏ lỡ hoặc đánh mất một điều gì thú vị mà người khác đang có.

Do đó người rơi vào hội chứng này thường đưa ra các quyết định dựa trên cảm tính vì sợ đánh mất cơ hội chứ không phải từ nhu cầu thực tế.

 Theo thống kê cho thấy có đến 56% số người sử dụng mạng xã hội đều mắc phải hội chứng FOMO. Với sự phát triển của nhiều các trang mạng xã hội, diễn đàn khiến cho hiệu ứng FOMO ngày càng phổ biến rộng rãi hơn.

Phải công nhận rằng đa phần chúng ta đều dễ dàng mắc phải hiệu ứng FOMO, điển hình là các bạn trẻ thường lướt Facebook để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất, hot nhất, tránh trở thành “người tối cổ” khi nói chuyện cùng bạn bè.

Chính vì vậy, khi FaceApp trình làng tính năng chuyển giới, ai nấy đều muốn đăng ảnh nhanh chóng để “bắt trend” cho bằng bạn bằng bè. Từ đó, sức hot của FaceApp ngày càng tăng cao giúp FaceApp phủ sóng khắp các trang mạng xã hội.

Các marketer đã tận dụng “bẫy tâm lý” fomo như thế nào?

Marketing đánh vào cảm xúc, tâm lý của khách hàng là phương thức marketing hữu hiệu nhất bởi khi đưa ra quyết định, khách hàng thường cảm thấy điều gì đó trước khi học suy nghĩ một cách logic. Dựa trên “bẫy tâm lý” FOMO, các Marketer cũng đã sáng tạo ra phương thức Marketing để thúc đẩy doanh số một cách nhanh chóng.

Tạo sự khan hiếm cho sản phẩm

Dạo quanh một vòng các trang thương mại điện tử hay các sạp bán hàng online, không khó để thấy các gian hàng khuyến mãi nhưng lại chỉ giới hạn một số lượng ít sản phẩm hay một khoảng thời gian nhất định kèm theo những cụm từ nhấn mạnh như “cơ hội ngàn vàng”, “cơ hội không còn nhiều”, “đừng bỏ lỡ”…

Chính những giới hạn về số lượng, thời gian đã đặt người tiêu dùng vào trạng thái FOMO. Những mặt hàng giá sốc, những cụm từ gây chú ý kích thích người tiêu dùng để họ nhanh chóng chi tiền cho sản phẩm. Nếu như các sản phẩm được khuyến mãi không giới hạn, chắc hẳn chẳng ai phải vội mua khi chưa có nhu cầu.

Vì vậy, áp dụng hiệu ứng FOMO, công cụ giới hạn số lượng và thời gian của các chương trình khuyến mãi chính là yếu tố then chốt thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng của khách hàng nhanh hơn. Mặc dù họ chưa có nhu cầu mua những sản phẩm đó ở hiện tại nhưng họ vẫn quyết định mua bởi nỗi lo sợ cơ hội sở hữu món hàng với giá hời này sẽ vụt mất và họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua lần sau.

Giới hạn thời gian khuyến mãi cũng là một cách thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng của khách hàng nhanh hơn. Cứ như vậy, theo hiệu ứng FOMO, người tiêu dùng không ngần ngại “đốt tiền” vào những gian hàng khuyến mãi một cách nhanh chóng.

Công cụ miễn phí vận chuyển

Theo AlexisPartners, có đến 95% người mua hàng nói rằng chi phí vận chuyển ảnh hưởng đến quyết định của họ. Vì vậy, người mua hàng thường ưu tiên mua những mặt hàng có ưu đãi miễn phí vận chuyển. Hiểu rõ tâm lý người dùng cùng hiệu ứng FOMO, các chương trình miễn phí vận chuyển được tạo ra nhằm xúc tiến khách hàng mua hàng.

Tuy nhiên, thường để được miễn phí vận chuyển, đơn hàng phải đạt giá trị tối thiểu và mã miễn phí vận chuyển cũng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Dựa trên hiệu ứng FOMO, người mua hàng sẽ cảm thấy bị bỏ lỡ cơ hội được miễn phí vận chuyển nếu đơn hàng chưa đạt giá trị tối thiểu.

Phương thức này được áp dụng rất phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Chiêu thức này “hút máu” người tiêu dùng đến mức thôi thúc họ để họ sẵn sàng chi thêm.

Tạo sản phẩm độc quyền trong từng thời điểm

Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn biết cách sử dụng hiệu ứng tâm lý này vào việc tạo ra sản phẩm độc quyền để khách hàng thể hiện giá trị của bản thân. Điển hình là những sản phẩm độc quyền theo từng sự kiện hay những sản phẩm limited.

Ví dụ như Starbucks đã vận dụng hiệu ứng này trong các sự kiện ngắn hạn của mình như món uống "Zombie frappuccino" dành riêng cho lễ hội Halloween năm 2017. Từ hiệu ứng FOMO, khách hàng bị thuyết phục rằng phải nhanh chóng đến StarBucks thử món đồ uống này trước khi kết thúc 5 ngày bán sản phẩm.

Hay gần đây, phim “Sky Tour Movie” của ca sĩ Sơn Tùng MTP đang làm mưa làm gió tại các rạp phim chỉ công chiếu từ ngày 12/6 – 21/6 mà không chiếu dài như các bộ phim khác. Từ đó, hiệu ứng FOMO được áp dụng một cách triệt để trong Marketing, thu về doanh thu không nhỏ cho những người bán hàng.

THEO MARCOM