Điểm danh loạt thương hiệu Việt lớn rơi vào tay người Thái
Vài năm gần đây, không ít thương hiệu Việt đình đám bị các doanh nghiệp Thái Lan lần lượt thâu tóm.
Bên cạnh doanh nghiệp Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng "mạnh tay" trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Không ít thương hiệu Việt đình đám bị các doanh nghiệp Thái Lan lần lượt thâu tóm những năm gần đây.
Tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan mua lại 53,59% Sabeco
Năm 2017, dư luận không khỏi xôn xao suốt một thời gian dài, khi tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan, Charoen chi gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% cổ phần của Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Công ty TNHH Vietnam Beverage mà vị tỷ phú này đứng sau đã trở thành công ty mẹ của Sabeco - nhà sản xuất nắm 41% thị phần tiêu thụ bia, nước giải khát tại Việt Nam.
Sau khi về tay người Thái, Sabeco đã báo lãi ròng lịch sử, tăng khoảng 21% lên mức 5.050 tỷ đồng trong năm 2019, nhờ một loạt các hoạt động tái cơ cấu quan trọng.
Dễ thấy nhất ở bề nổi là các hoạt động quảng cáo sản phẩm được đẩy mạnh. Đây cũng là doanh nghiệp có lượng tiền mặt khổng lồ, lên đến 16,5 ngàn tỷ đồng.
Đại gia Thái chi 2.073 tỷ mua cổ phần nhà máy nước sạch sông Đuống
Tháng 11/2019, Công ty WHA Utilities and Power (WHAUP), thành viên tập đoàn WHA, thông báo đã hoàn tất thương vụ mua 34% cổ phần tại nhà máy nước mặt sông Đuống.
Gần 34 triệu cổ phiếu từ ông Đỗ Tất Thắng đã được chuyển nhượng doanh nghiệp Thái Lan với tổng giá trị hơn 2.073 tỷ đồng.
Sau thương vụ trên, doanh nghiệp Thái Lan trở thành cổ đông lớn thứ hai tại CTCP Nước mặt sông Đuống, đứng sau CTCP Nước Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT (41%).
Central Group mua lại Big C Việt Nam, điện máy Nguyễn Kim
Trong lĩnh vực tiêu dùng, doanh nghiệp Thái đang nắm trên 50% thị trường Việt, thông qua việc mua lại hàng loạt thương hiệu bán lẻ đầu ngành.
Cụ thể, tháng 4/2016, sau khi thâu tóm Metro, “đại gia” bán lẻ Thái đã trở thành chủ nhân của chuỗi siêu thị nước ngoài có điểm bán nhiều nhất tại Việt Nam là Big C.
Theo công bố từ Central Group và Tập đoàn Nguyễn Kim, hai đơn vị này đã nhận chuyển nhượng hệ thống Big C với tổng giá trị giao dịch lên đến 920 triệu euro (1,05 tỷ USD).
Trước đó, 2015, Central Group đã chi hơn 200 triệu USD để mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Các chuyên gia cho rằng, việc thâu tóm Big C Việt Nam sẽ giúp Central Group tiết kiệm nhiều thời gian và kinh phí trong việc xây dựng, triển khai kinh doanh.
Sở hữu chuỗi siêu thị này, Central Group sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ khác.
Sau chuyển nhượng, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xây dựng Big C trên cam kết duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng.
Big C sẽ tiếp tục sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm nội địa tại hệ thống phân phối này.