6 cách kể chuyện nâng tầm thương hiệu (phần 2)

QUỐC HUY 17/07/2020 06:28

Ngoài việc Khơi gợi cảm xúc, Biến tấu dữ liệu, Khiến khách hàng là người kể chuyện, doanh nghiệp có thể thử các cách kể chuyện hiệu quả khác dưới đây.

Sau một thời gian dài di truyền, bộ não con người có xu hướng chú ý đến những câu chuyện, nên trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một câu chuyện được thể hiện tốt sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp lôi kéo sự chú ý từ khách hàng.

4. Kết hợp trách nhiệm xã hội và tiếp thị kĩ thuật số

Dù một khảo sát từ hãng nghiên cứu Splendid Research cho thấy hơn ⅔ khách hàng sẽ muốn chi tiền cho những doanh nghiệp có cam kết xã hội, nhiều người tiêu dùng giờ đây đã biết nhiều công ty lợi dụng các cam kết này chỉ để câu khách.

Vì thế, các doanh nghiệp cần hiểu rõ đối tượng mà thông điệp hướng đến, cũng như đánh giá được mức độ chấp nhận của họ. Các chiến dịch gây quỹ hoặc lời kêu gọi đại diện cho một mục tiêu nào đó có thể được nhiều người hưởng ứng; các doanh nghiệp chỉ cần kết hợp thông điệp trách nhiệm với hình thức tiếp thị kĩ thuật số hiện nay để sinh động hơn - thay vì chỉ liệt kê những báo cáo tài chính và phát triển bền vững vốn rất rõ ràng nhưng khô khan.

Một ví dụ cho hình thức này đến từ tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever: họ làm một đoạn phim thể hiện cam kết bảo vệ 1 triệu cây xanh ở Brazil và Indonesia - vốn là một phần trong chiến dịch giảm một nửa tác động từ sản phẩm của hãng đến môi trường.

5. Tận dụng công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường

Sau những trào lưu mới nổi như trò chơi Pokemon Go và những bộ lọc thực tế tăng cường do các nhà phát triển ứng dụng như Snapchat và Instagram trình làng, điều dễ thấy là các doanh nghiệp đã nắm bắt 2 công nghệ mới này để kết nối với khách hàng.

Trong khi thực tế tăng cường đã và đang được ứng dụng khá rộng rãi, cá chuyên gia tiếp thị nhận thấy thực tế ảo đặc biệt hiệu quả và thích hợp khi kể chuyện vì giúp khách hàng đắm mình hoàn toàn trong môi trường để tự trải nghiệm mọi thứ bất kể không gian và thời gian - hạn chế duy nhất của công nghệ này là cần có thiết bị chuyên dụng, dẫn đến chi phí khá cao và khó sản xuất hàng loạt hơn so với thực tế tăng cường.

Một ví dụ điển hình cho phương pháp này là sự hợp tác giữa Hiệp hội Đa xơ cứng Quốc gia Mỹ và vận động viên lướt ván chuyên nghiệp Robert Weaver: một bộ kính thực tế ảo tích hợp chương trình lướt ván để giúp Steve - một cựu vận động viên lướt ván mắc bệnh đa xơ cứng - “thách thức” làn sóng xanh dù đang ngồi xe lăn tại nhà.

6. Áp dụng cốt truyện “người hùng”

Theo tạp chí Forbes, những câu chuyện hiệu quả nhất thường bao gồm cốt truyện kịch tính, trong đó nhân vật chính người hùng phải vượt qua thử thách, sự suy thoái hay thất bại, qua đó người hùng sẽ nhận thức bài học và trở thành một con người tốt hơn. Trong tiếp thị, thông thường khách hàng chính là người hùng - sản phẩm hay dịch vụ chỉ đóng vai phụ trong câu chuyện “người hùng khách hàng trở nên tốt hơn”.

Vào năm 2017, Starbucks đã có một đoạn phim dựa trên phương pháp này có tên là Upstanders-A Warrior’s Workout; đoạn quảng cáo là một tập trong chiến dịch quảng cáo Upstanders của ông trùm cà phê, trong đó thể hiện những câu chuyện có thật về những con người bình thường có hành động phi thường và đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Trong A Warrior’s Workout, cựu vận động viên bóng bầu dục chuyên nghiệp David Vobora từ bỏ công việc huấn luyện cá nhân hậu hĩnh để hỗ trợ các vận động viên khuyết tật, mang lại cho họ sức mạnh và cảm hứng; sản phẩm cà phê Starbucks chỉ xuất hiện rất thoáng qua trong tập này.

Các đoạn phim được dự báo sẽ là công cụ chủ lực trong tương lai - theo hãng công nghệ Cisco, 82% sản phẩm tiếp thị sẽ ở dạng nghe-nhìn vào năm 2022. Việc còn lại là kết hợp công cụ (đoạn phim), cách thức kể chuyện (1 hay nhiều trong 6 cách trên) và nội dung câu chuyện để cho ra sản phẩm tiếp thị hấp dẫn.

QUỐC HUY